Việc nhiều người dân phản đối chủ trương xén một phần công viên Cầu Giấy làm bãi xe ngầm một lần nữa cho thấy những hoài nghi, bất cập về quy hoạch quản lý đô thị nói chung và xây dựng các bãi đỗ xe trên địa bàn Hà Nội nói riêng. Ai dám chắc, bãi đỗ xe ngầm-công viên Cầu Giấy sẽ không bị biến tướng nếu chủ trương này được thực hiện?.
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thấy, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh và các điểm bãi đỗ xe công cộng đang thiếu trầm trọng, mới chỉ đáp ứng được khoảng 8%-10% nhu cầu đỗ xe. Số còn lại đang phải đỗ tại các điểm đỗ xe của khu chung cư, sân cơ quan, ngõ cụt, các khu đất dự án…
Diện tích 1,45 ha trong Công viên Cầu Giấy doanh muốn làm bãi xe và dịch vụ thương mại. Ảnh: Zing
Trong tổng số trên 1.400 điểm, bãi trông giữ xe trên địa bàn cũng chỉ có 28 bãi được Sở Giao thông Vận tải thỏa thuận đủ điều kiện trông giữ phương tiện. Thực tế này cho thấy, xây dựng các bãi trông giữ phương tiện cho người dân đang trở thành bài toán thách thức với ngành chức năng Hà Nội. Và việc xén một phần công viên Cầu Giấy để xây dựng bãi đỗ xe ngầm được coi như là một trong những lời giải cho bài toán đó.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Thành phố khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào không gian ngầm không chỉ ở công viên mà ở cả những ngã ba, ngã tư mà đất còn rộng. Trong năm 2016, 2017, 2018 tại 3 Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hà Nội, UBND thành phố đã thông qua danh mục gần 40 danh mục dự án ngầm để kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm”.
Quy hoạch, xây dựng bãi đỗ xe ngầm là thực tế tất yếu tại các đô thị trước nhu cầu trông giữ phương tiện ngày một gia tăng. Song, điều người dân lo ngại là việc “không đến đầu đến đũa”, biến tướng qua một số dự án quy hoạch bãi xe. Từ năm 2010 đến nay, UBND thành phố Hà Nội có chủ trương xây dựng các bãi đỗ xe ngầm ở Khu thể thao Quần Ngựa, Công viên Thủ Lệ, Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, quảng trường Ngân hàng Nhà Nước (quận Hoàn Kiếm), Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng), nhưng đến nay tất cả vẫn gần như bất động. Cùng với đó là thực trạng không ít bãi trông giữ xe được quy hoạch đã trở thành nhà hàng, ki ốt càng làm cho người dân bất bình, đánh mất niềm tin.
Thời gian qua, không ít khu đô thị trên địa bàn Hà Nội “vỡ trận” vì không có bãi gửi xe ô tô. Theo ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, đó là cái giá mà Hà Nội phải “trả” cho thực trạng quy hoạch thiếu đồng bộ, “thả phanh” cho các dự án, chung cư cao tầng mà “bỏ quên” hạ tầng giao thông, xã hội đi kèm.
Ông Hoàng Văn Minh, trú tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai nghi ngờ về chủ trương di dời các nhà máy, xí nghiệp… của chính quyền thành phố, không biết có thực sự vì mục tiêu giảm ùn tắc giao thông hay vì một mục đích nào khác
“Tôi chưa thấy một nhà máy hay một xí nghiệp dời đi mà thay vào đó là công viên hay nhà trẻ mẫu giáo. Trong khi đó, Hà Nội luôn kêu thiếu đất cho xây dựng trường học, khu vui chơi…Vấn đề nữa là việc điều chỉnh quy hoạch thường xuyên làm cho nhiều khu vực bị băm vụn. Tôi có cảm giác quy hoạch tại Hà Nội như đang chạy theo dự án”, ông Minh nói.
“Số phận công viên Cầu Giấy” vẫn chưa được định đoạt. Nhưng từ thực tế nhiều dự án bãi đỗ xe trên địa bàn Hà Nội quy hoạch xong rồi để đấy, thậm chí biến thành nhà hàng, ki ốt... có thể hiểu được sự bức xúc, phản đối của người dân. Ai dám chắc khi có bãi đỗ xe ngầm của một nhà đầu tư, tại công viên Cầu Giấy sẽ không xảy ra tình trạng biến tướng, “rào biển, thu tiền”?./.
Theo VOV/ Pháp luật Plus