Thực hiện chủ trương của Đảng, tính đến cuối năm 2020, 14 cơ quan trung ương đã tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp vụ với 30 vị trí; 22 địa phương thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng với 109 vị trí. Nhiều cơ quan trung ương như: Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ…; các địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Long An, Bình Dương… đã tổ chức thi tuyển một cách nghiêm túc, tích cực, công khai, chặt chẽ, đúng quy trình đối với một số chức danh lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.
Kết quả bước đầu tại các cơ quan, đơn vị nói trên cho thấy, qua công tác thi tuyển đã tạo được môi trường cạnh tranh, mở rộng phạm vi, đối tượng đăng ký dự tuyển; thu hút người có phẩm chất, năng lực tốt tham gia đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Đồng thời góp phần cung cấp các dữ liệu thực tiễn để có thể nghiên cứu rút kinh nghiệm, khái quát góp phần đổi mới phương thức tuyển lãnh đạo các cấp thời gian tới.
Những chuyển động tích cực từ việc thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý đã khẳng định sự phù hợp thực tiễn so với tư duy vẫn tồn tại bấy lâu trong không ít cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị là “sống lâu lên lão làng”. Đặc biệt, vấn đề nổi lên gần đây là chuyện “cả họ làm quan”; chuyện ông “nhận” con tôi, tôi “nhận” con ông; “bố bổ nhiệm con”, “mẹ bổ nhiệm con”, “chồng quy hoạch vợ”… xôn xao dư luận, gây hoài nghi về sự liêm chính trong việc chọn cán bộ quản lý. Trong đó, nổi bật là trường hợp điều động, bổ nhiệm, luân chuyển của Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Sơn, Vũ Đình Duy... thuộc Bộ Công Thương, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, sai phạm nghiêm trọng nhưng lại được hợp thức bởi những “quy trình đúng”.
Hay chuyện bổ nhiệm người nhà, người thân ở Hà Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Nam… được Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nghiêm khắc phê bình, thậm chí kỷ luật ở mức cao, cũng cho thấy điều đó.
Không khó để cảm nhận được bức xúc của người dân khi đón nhận những thông tin như bổ nhiệm “người thân”, “người nhà”… và sau đó là điệp khúc “đúng quy trình” lặp đi lặp lại. Do đó, việc mạnh dạn thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý để tìm người tài chứ không phải tìm “người nhà”, là một giải pháp quan trọng, từng bước lựa chọn ra những cán bộ có năng lực, trình độ, thay vì “sống lâu lên lão làng” hay “5C” (con cháu các cụ cả).
2. Trong Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Đảng yêu cầu tổng kết việc thí điểm thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng... Qua đó, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Để tiếp tục tuyển chọn, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý nói riêng, công tác thi tuyển thời gian tới cần bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp và toàn diện trong công tác cán bộ; phải coi công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt vẫn là biện pháp chủ yếu, làm nền tảng cho công tác tuyển chọn cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý. Mặt khác, cần có giải pháp kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa quy hoạch và thi tuyển cạnh tranh, nhằm phát huy tối đa hiệu quả công tác tuyển dụng công chức; thi tuyển cần tạo được đột phá nhưng không quá đà, không phải đơn vị, cơ quan nào cũng tổ chức thi tuyển mà cần có sự nghiên cứu, đánh giá thật kỹ lưỡng quá trình thí điểm để có cách thức nhân rộng phù hợp.
Về lâu dài, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị cần thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhất là cán bộ nguồn các cấp. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách về sử dụng, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi trúng tuyển, đặc biệt là đối với những cán bộ trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác chuyên môn.
Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, thanh tra và giám sát hoạt động thi tuyển một cách chặt chẽ, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm minh, công khai những sai phạm, tiêu cực trong công tác thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt, cần tăng cường sự giám sát của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, để công tác thi tuyển thật sự công bằng, khách quan, minh bạch.
Đối với các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố Hà Nội, cần thực hiện tốt Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”; Quyết định số 219/QĐ-UBND ngày 14-1-2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Đề án thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố Hà Nội. Trong đó, 86 chức danh thí điểm thi tuyển năm 2022 phải được tổ chức bảo đảm công khai, minh bạch…
Việc thi tuyển chức danh công chức lãnh đạo, quản lý không phải là vấn đề mới, nhưng đây là một cách làm mang tính đột phá, xóa bỏ tâm lý “sống lâu lên lão làng”, tạo điều kiện phát triển cho cán bộ trẻ, người thực tài. Qua đó, cũng góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ Thủ đô và đất nước ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Trí Dũng - Hà Nội mới