Có lúc “vượt mặt” Thái Lan
Kim ngạch xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo Jasmine, gạo Japonica và gạo tấm tăng mạnh đầu năm nay; Trong đó gạo thơm tăng mạnh nhất, chiếm đến 39,7% gạo xuất khẩu, kim ngạch đạt 92,6 triệu USD.
Bà Trần Kim Lý - Tổng Giám đốc Công ty Gạo Vinh phát Wilmar cho hay, doanh nghiệp này đã tham gia xuất khẩu gạo 2 năm, đưa sản phẩm sang nhiều quốc gia như Singapore, HongKong, Philippines, các nước châu Âu… với sản lượng khoảng hơn 140.000 tấn/năm.
Xuất khẩu lúa gạo Việt Nam đang có tín hiệu tốt.
Ngay từ đầu Vinh Phát đã chú trọng đến sản xuất và xuất khẩu dòng gạo thơm do nhu cầu thế giới đang tăng mạnh. Loại gạo này cũng đã đưa Việt Nam lên ngang hàng xuất khẩu về giá trị và chất lượng với Thái Lan, thậm chí có thời điểm vượt trên Thái Lan.
Theo bà Lý, Việt Nam rất khó cạnh tranh với Thái Lan ở dòng gạo trắng thông thường, do đó lựa chọn dòng sản phẩm có chất lượng để khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam đang là xu hướng của nhiều DN.
Thậm chí, có thời điểm gạo thơm Việt Nam có giá rẻ hơn Thái Lan, khoảng từ vài chục USD đến 100 USD/tấn, giá cả khá cạnh tranh nên có thể xuất vào những thị trường có nhu cầu mạnh về loại gạo này như Irac (châu Á), Bờ Biển Ngà (châu Phi), Papua New Guinea (châu Mỹ)…
Ông Bas Rozemuller (Tổ chức tài chính quốc tế, cố vấn thúc đẩy thương mại và xuất khẩu gạo) cho rằng, Thái Lan là đất nước mà Việt Nam có thể hướng đến để học tập trong phát triển thương hiệu gạo.
Nhưng Việt Nam sẽ không bám theo hướng Thái Lan đã làm mà cần tập trung vào các sản phẩm chủ lực, không nên tập trung vào buôn bán, xuất khẩu thô.
Đây cũng là xu hướng mà nhiều DN đã định hình khi tham gia vào thị trường xuất khẩu lúa gạo. Bà Lý khẳng định, Vinh Phát chưa bao giờ đặt mục tiêu về sản lượng mà chỉ chú tâm vào giá và nâng cao chất lượng.
“Nếu xuất khẩu 300.000 - 400.000 tấn mà giá trị xuất khẩu không được bao nhiêu, không đạt lợi nhuận như mình mong muốn thì chúng tôi không làm”, lời bà Lý.
Còn theo ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cũng cho biết, trước đây, do Việt Nam mải miết chạy theo sản lượng nên nói tới gạo Việt Nam là chủ yếu định vị gạo thô, số lượng lớn nhưng vài năm gần đây câu chuyện này đã thay đổi.
Các thị trường quốc tế đã bắt đầu quan tâm đến gạo Việt Nam từ chất lượng, giống, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và có thể tiến hành truy xuất nguồn gốc, kiểm soát dư lượng chất bảo vệ thực vật…
“DN xuất khẩu gạo Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được các đơn hàng lớn từ các tập đoàn quốc tế, nhất là hiện nay DN và người nông dân đang chuyển hướng sản xuất gạo để phục vụ nhiều phân khúc nhu cầu khác nhau”, ông Thòn khẳng định.
Nâng hạn mức tín dụng đối với DN?
Hiện nay, cả nước có 145 DN tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo và số lượng DN chú trọng vào các mặt hàng có chất lượng và giá trị ngày càng tăng cao.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản để các DN có thể chuyên tâm vào nâng cao giá trị gia tăng cho gạo Việt Nam dù có nhiều đơn đặt hàng mà phía Việt Nam phải từ chối do chưa xây dựng được vùng nguyên liệu.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho biết, Trung An đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, chế biến gạo để đáp ứng được nhiều hơn đơn hàng xuất khẩu nhưng lại gặp nhiều vấn đề về vốn.
Theo ông Bình, các ngành chức năng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có ý kiến để các ngân hàng thương mại cổ phần thay đổi cơ chế cho vay, hỗ trợ cho DN xuất khẩu gạo tiếp cận nguồn vốn, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng vùng bao tiêu sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Liên quan vấn đề này, bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty TNHH Lương Thực - Thực phẩm Long An cho rằng, cơ bản chính sách hiện nay đã hỗ trợ rất nhiều cho các DN xuất khẩu lúa gạo và vấn đề duy nhất mà bà đang gặp vướng mắc là khâu thanh toán với khách hàng khi xuất khẩu qua thị trường châu Phi. Vì thế, bà hy vọng cơ quan nhà nước có chính sách hỗ trợ DN trong khâu thanh toán để DN yên tâm khi tìm thị trường mới.
Ngoài ra, bà Liên cũng cho biết, việc khó tiếp cận nguồn vốn cũng đang gây không ít khó khăn cho DN trong thu mua nguồn nguyên liệu và mở rộng vùng sản xuất, đầu tư công nghệ.
Do đó, để thuận lợi cho DN, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét cho vay tín chấp đối với khoản tiền ứng trước cho nông dân tham gia cánh đồng lớn và xem xét nâng hạn mức tín dụng cho vay để các công ty đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Chiếm 15% lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới
Tính trong 9 tháng năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,89 triệu tấn gạo với giá trị khoảng 2,46 tỷ USD, lần lượt tăng 6,7% về lượng và tăng 21,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Gạo Việt hiện đã có mặt ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, bước đầu đã thâm nhập được vào những thị trường có yêu cầu cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…
|
Theo Phapluatplus