Thủ tướng thăm hỏi và động viên người dân đang thực hiện cách ly phòng chống dịch tại Đồng Nai. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong các chuyến đi sâu sát về cơ sở gần đây, Thủ tướng đến đối thoại với dân, đề nghị người dân gọi điện đến Ban chỉ đạo phường để kiểm tra đường dây nóng, kiểm tra từng túi an sinh....; truy vấn, trắc nghiệm với lãnh đạo nhiều cơ sở trong nhiều lần họp trực tuyến với hàng ngàn xã, phường có ý nghĩa nhiều mặt.
Các chính sách chỉ tốt khi đến kịp thời với dân. Cung cấp các dịch vụ y tế, dịch vụ an sinh qua đường dây nóng và đến tận nhà người dân thể hiện bản chất “vì dân” của thể chế chính trị, những lúc dân cần nhất. Vấn đề chỉ là chúng đang được thực thi như thế nào trong cuộc sống mà thôi. Vấn đề là “hệ thống chính trị” gần dân nhất vận hành như thế nào? “Quan thì xa, bản nha thì gần”, dân bao giờ cũng phải trông cậy vào chính quyền cơ sở.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc nhở lại bài học câu trả lời thực tế nhiều khi khác xa báo cáo. Ông tự chọn các cơ sở và tự đi xuống mà không báo trước, ngay cả cơ sở ở thủ đô Hà Nội. Có những nơi đường dây nóng thực ra khá nguội: Người dân gọi 3 - 4 lần mới được bắt máy. Nhưng cũng có nơi người dân gọi một lần là được bắt máy ngay. Nếu chỉ nghe báo cáo, chắc chắn Thủ tướng khó nhận biết.
Đối với cá nhân Thủ tướng, nhờ “vi hành” xuống tận cơ sở, ông cảm nhận được các giải pháp chính sách đang ảnh hưởng, tác động đến đời sống và sinh mạng của người dân. Đó là phương cách để nắm bắt, điều chỉnh các giải pháp chính sách chưa phù hợp. Tình trạng thấy việc mà không thấy người mới nhanh chóng được khắc phục.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng phê phán nghiêm khắc những “ông quan cách mạng”. Người nói, trong chế độ xã hội mới của chúng ta, bệnh quan liêu là “kẻ thù bên trong, nằm trong các tổ chức của ta”, nó “ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng”.
Trong Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh...
Đáng tiếc, nhiều nơi chưa làm được như vậy. “Trăm nghe không bằng một thấy”, hãy xuống với dân!
Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus