Yếu tố “chắp cánh” cho năng lực cạnh tranh doanh nghiệp
Kinhte&Xahoi
Hôm nay khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành hơn 60% thời gian cho công tác xây dựng pháp luật.
Ảnh minh họa
Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu về xây dựng luật pháp. Tuy nhiên, hành lang pháp lý vẫn là một vấn đề đáng quan tâm của đất nước nói chung, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Tại Hội thảo “Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập?” mới đây, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chất lượng văn bản pháp luật có ảnh hưởng rất quan trọng tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Không ít văn bản pháp luật ban hành nhưng không cho thấy sự cần thiết; mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản pháp luật khác; tính khả thi và minh bạch thấp; chi phí tuân thủ cao; hạn chế kinh doanh và dễ bị nhũng nhiễu... Năm 2018, Việt Nam ban hành 891 văn bản quy phạm pháp luật các loại. Tính bình quân cứ một luật có 10,5 nghị định và 37 thông tư. Nhiều luật ban hành rất thông thoáng, nhưng nghị định và thông tư lại không theo tinh thần của luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Khảo sát của VCCI cho thấy, những khó khăn các doanh nghiệp nhỏ đề cập tới là tiếp cận vốn, đất đai, thị trường, khách hàng... Các doanh nghiệp lớn thì chia sẻ, khó khăn lớn nhất với họ là rủi ro về thay đổi chính sách và thủ tục hành chính. VCCI nhận được rất nhiều lời kêu than về một số văn bản pháp luật khiến doanh nghiệp gặp bất lợi, khó khăn.
Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý cho mô hình kinh doanh mới còn bị động, lúng túng, thường dùng tư duy của mô hình kinh doanh cũ soạn ra văn bản pháp luật áp dụng cho mô hình kinh doanh mới, hoặc bỏ mặc.
Hiện nay, luật về lĩnh vực nào thì bộ, ngành có chức năng quản lý nhà nước lĩnh vực đó soạn thảo, trình Chính phủ rồi trình Quốc hội. Trong khi đó, theo tâm lý chung thì ngành nào cũng muốn “cài” lợi ích của mình, tăng quyền của mình.
Đại diện VCCI tại Hội thảo trên cho rằng, trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, nhất thiết phải công khai, minh bạch dự thảo văn bản để người dân và doanh nghiệp có thể tham gia góp ý kiến. Bên cạnh đó, cần phải tiến hành đánh giá tác động kinh tế - xã hội của các văn bản pháp luật và chính sách mới trước khi ban hành để không tạo ra những hệ quả không mong đợi.
Đẩy mạnh hơn các cải cách thể chế, pháp lý, tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, là yêu cầu bức thiết của hội nhập.