Ðằng sau việc đổ thải, đầu độc nguồn nước là gì?

06/11/2019 11:34

Kinhte&Xahoi Hàng loạt câu hỏi liên quan vụ nước sạch sông Ðà bị nhiễm dầu thải được đại biểu (ÐB) Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận ngày 5/11 về công tác phòng, chống tội phạm, và công tác phòng chống tham nhũng năm 2019.

Nơi xử nghiêm, nơi né tránh

Đề cập vụ cháy Công ty Rạng Đông, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) băn khoăn vì sau 10 ngày họ mới đưa ra lời xin lỗi và trấn an người dân đã thay thế thủy ngân bằng vật liệu khác rất an toàn, kể cả khi cháy cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Thế nhưng khi cơ quan chức năng công bố kết quả với số liệu rõ ràng thì Công ty Rạng Đông mới thừa nhận sự cố cháy nhà máy thực sự ảnh hưởng đến môi trường.

Sau đó, Hà Nội lại xảy ra sự cố nguồn nước sạch cung cấp cho hơn 250 nghìn hộ dân Thủ đô bị nhiễm dầu thải. Sau hơn 2 tuần xảy ra sự cố, đến ngày 25/10, Công ty Nước sạch sông Đà mới đưa ra lời xin lỗi, mong được lượng thứ.

Không chỉ quá muộn, theo bà Dung, việc doanh nghiệp xin lỗi người dân đơn thuần vì chịu sức ép và để xoa dịu dư luận, chứ không thực sự nhận trách nhiệm, cũng không có ý nghĩa về mặt pháp lý. Ngày 4/11, UBND TP Hà Nội thông tin, Công ty Nước sạch sông Đà đã xả khoảng 2.500m3 nước súc rửa bể chứa nước trung gian ra suối Đồng Bãi ở Thạch Thất. Bà Dung không đồng tình việc xả thải như vậy mà không thông báo đến nhân dân, chính quyền địa phương.

“Người dân rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền để mọi việc được xử lý công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm. Đó là quyền của công dân được hiến định trong Hiến pháp 2013”, ĐB Dung nói.

ĐB Ngô Sách Thực (Bắc Giang) cho rằng, dù thời gian qua, việc xử lý tội phạm môi trường được quan tâm hơn, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe, do khó xác định thiệt hại. “Những tồn tại hiện nay có nguyên nhân từ việc chưa có sự vào cuộc của các cấp, ngành. Điều đó dẫn đến hậu quả có nơi xử lý nghiêm nhưng có nơi còn né tránh, thậm chí phạt cho tồn tại. Một số nơi vào cuộc chưa kịp thời dẫn đến phản ứng tiêu cực của người dân”, ĐB Thực nói.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) băn khoăn về việc có hay không lực lượng cảnh sát môi trường chỉ thiên về xử lý hành chính, dẫn đến bỏ lọt tội phạm gây ô nhiễm môi trường. Theo bà, phải xử lý hình sự các pháp nhân gây ô nhiễm ao hồ, sông suối.

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), nêu câu hỏi: “Đằng sau hành vi đổ thải, đầu độc nguồn nước là gì? Ai và cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm?”.

Tỷ phú Thái Lan thâu tóm 34% cổ phần?

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) bày tỏ lo ngại: “Có thông tin là tỷ phú Thái Lan đã thâu tóm 34% cổ phần nhà máy nước lớn nhất Việt Nam. Do hội nhập nên khó ngăn chặn việc chuyển nhượng vốn ở bên ngoài, khó xác định chủ sở hữu thực của các nguồn vốn, từ đó có nguy cơ các thế lực thù địch nước ngoài có thể kiểm soát các ngành, các lĩnh vực, các địa bàn ở Việt Nam một cách hợp pháp”.

 Miễn nhiệm Tổng giám đốc Công ty Nước sạch sông Ðà

Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ðầu tư Nước sạch sông Ðà vừa quyết định miễn nhiệm chức danh tổng giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật đối với ông Nguyễn Văn Tốn.

Công ty Nước sạch sông Ðà bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Quý làm tổng giám đốc mới.

Trước đó, ngày 15/10, tại buổi họp báo công bố thông tin về sự cố nước sạch sông Ðà bị đổ trộm dầu thải, ông Tốn nói rằng, bản thân ông cũng là giám đốc làm thuê. Khi báo chí liên tục hỏi về việc Công ty Nước sạch sông Ðà có xin lỗi người dân Thủ đô hay không, ông Tốn miễn cưỡng trả lời: “Vâng, tôi xin lỗi!”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Không chủ quan trong 2 tháng cuối năm

Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019 diễn ra hôm qua, 5/11. Thủ tướng cho rằng, các cấp, các ngành có nhiều cố gắng giữ đà tăng trưởng với nhiều điểm sáng như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút vốn FDI tăng trưởng tốt…

Nguồn: Tiền Phong/ Pháp luật Plus