Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 06/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn sáng ngày 6/11.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) nêu rõ, tại Nghị quyết 62 của Quốc hội đã đặt ra nhiều yêu cầu đối với cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai còn rất chậm, chỉ đạt một phần nhỏ kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, cơ quan thanh tra đã kết luận nhiều doanh nghiệp nhà nước có sai phạm trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết nguyên nhân, trách nhiệm đối với thực trạng này?
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Bên cạnh đó, Nghị quyết 74 của Quốc hội đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gây thất thoát, lãng phí rất lớn, nghiêm trọng tài sản nhà nước. Nghị quyết cũng yêu cầu xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm.
Tuy nhiên, trong báo cáo Chính phủ chưa làm rõ việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính và Phó Thủ tướng Chính phủ làm rõ về vấn đề này?
ĐBQH Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Tranh luận về công tác quản lý tài sản công, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, mặc dù đã có Luật Quản lý tài sản công, Chính phủ đã ban hành một loạt Nghị quyết, đặc biệt mới đây Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 74. Tuy nhiên, vấn đề quản lý tài sản công vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập.
Đại biểu Nguyễn Tạo cho biết, cử tri rất băn khoăn về tình trạng lãng phí, tiêu cực trong quản lý tài sản công, sử dụng tài sản công trong thời gian qua cho thấy những bất cập và lỗ hổng trong quản lý tài sản công như Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nêu. Đặc biệt, là những vụ việc quản lý công sản thời gian qua, cho thấy thước đo về niềm tin của Nhân dân đối với quản lý tài sản công có vấn đề; các kiến nghị Kiểm toán nhà nước cũng chưa được thực hiện nghiêm túc. Bộ trưởng có nêu sẽ điều chỉnh cơ chế, chính sách, pháp luật, tuy nhiên đại biểu băn khoăn đang làm chậm, sẽ còn nhiều tiêu cực, thất thoát, lãng phí sẽ phát sinh. Vì vậy, cần có lộ trình thời gian cụ thể; Kiểm toán Nhà nước cũng cần kiến nghị trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, hạn chế tình trạng lãng phí, tiêu cực.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Về vấn đề quản lý tài sản công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, công tác này thuộc thẩm quyền của nhiều ngành, nhiều cấp, trách nhiệm thuộc về người trực tiếp quản lý tài sản công, thủ trưởng của các đơn vị quản lý tài sản công, nếu mất mát thì trách nhiệm là ở cơ quan quản lý tài sản đó. Bộ Tài chính có vai trò hướng dẫn các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, định mức kinh tế kỹ thuật.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, vấn đề cần thực hiện hiện nay là cần nâng cao trách nhiệm quản lý tài sản công, cụ thể hóa, cá thể hóa đến từng người quản lý tài sản. Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh đôn đốc, thanh tra, kiểm tra đối với công tác này.
Giải pháp gì để giảm tình trạng lãng phí trong đầu tư công
Đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, thực hiện Nghị quyết số 74 của Quốc về đẩy mạnh thực hiện việc chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53 để triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết của Quốc hội đã được thể chế hóa thành những nhiệm vụ, công việc trọng tâm của Chính phủ với 6 giải pháp chung và 26 nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, trên lĩnh vực này, cử tri cho rằng hiện nay đầu tư công chưa thật sự tiết kiệm mà thậm chí còn lãng phí rất lớn.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết suy nghĩ như thế nào về nhận định và ý kiến này của cử tri? Với trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ trên lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả, giảm tình trạng lãng phí trong đầu tư công?
Trước quan điểm cho rằng quy định về các định mức không phù hợp gây ra lãng phí trng đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, qua nghiên cứu định mức xây dựng đối với một số công trình giao thông, kiến trúc cho thấy không thấy lãng phí mà nhiều định mức thấp hơn so với chi phí như định mức nhân công. Lãng phí đầu tư công không phải ở định mức mà là ở quá trình triển khai như để công trình chậm đưa vào sử dụng, vốn chờ công trình hay công trình chờ vốn...Các định mức đối với công trình xây dựng cơ bản được triển khai nhiều năm, qua nhiều công trình đều bảo đảm chặt chẽ, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.
Trả lời chất vấn của đại biểu về quản lý tài sản công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tài sản công cấp tỉnh thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân các địa phương; đối với tài sản công thuộc cấp trung ương do Chính phủ quản lý, cơ quan tham mưu Chính phủ là Bộ Tài chính và các cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công là các bộ, ngành.
Bộ trưởng khẳng định, đa số tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công, còn 10% với gần 1 nghìn tài sản công chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí.
Khi chuyển tài sản công cho các cơ quan, đơn vị ở nhiều địa bàn khác nhau không có nhu cầu; hơn nữa, khi muốn định giá để bán tài sản công, cũng khó thì được cơ quan định giá. Ngoài ra, để chuyển tài sản công sang mục đích khác để tổ chức đánh giá, những cái trụ sở này được phê duyệt lại về quy hoạch sử dụng đất và phải chuyển mục đích sử dụng đất cũng phải chuyển đích sử dụng đất và phải điều chỉnh lại quy hoạc, phải làm một loạt các thủ tục khác. Giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã hướng dẫn và có văn bản đôn đốc đồng thời sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để hướng dẫn thêm, xử lý các tài sản công này, đảm bảo đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.
Tường Vân - Pháp luật Plus