Ảnh hưởng thời tiết giao mùa, gia tăng các bệnh về đường hô hấp
Thông thường các bệnh lý đường hô hấp sẽ tăng cao trong mùa mưa và đặc biệt là giai đoạn chuyển mùa như hiện nay.
Ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, trẻ nhập viện do bệnh đường hô hấp tăng vọt so với các tháng đầu năm. Nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng "quá tải", không còn đủ giường bệnh.
BS. Vũ Thị Mai thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp tại Bệnh viện Thanh Nhàn
Thông tin đến báo chí về công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân thời gian gần đây, bác sĩ Vũ Thị Mai, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, hiện các phòng điều trị của Khoa Nhi ở bệnh viện đều đang trong tình trạng chật kín giường bệnh.
Lý do vì lượng bệnh nhân nhi mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa với những triệu chứng như nôn, sốt, tiêu chảy, đau họng, ho (các triệu chứng của adeno)… nhập viện trong khoảng một tháng qua tăng cao.
Nhiều trẻ em phải nhập viện vì bệnh hô hấp tại Bệnh viện Thanh Nhàn
Đa phần bệnh nhân vào viện với các biểu hiện viêm phổi, viêm phế quản, trong đó một số trẻ mắc viêm phổi do virus Adeno. Ngoài ra một số bệnh nhân bị sốt xuất huyết, cúm…
Hiện tại Khoa Nhi đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân. Cả khoa có 6-7 bác sĩ, nhưng đang điều trị cho hơn 100 bệnh nhi, mỗi bác sĩ phải điều trị cho 20-30 bệnh nhân mỗi ngày. Bệnh nhân đông, bác sĩ lại có hạn do vậy thầy thuốc phải trực 24/24 giờ, hầu như không được nghỉ ngơi.
Khoa Nhi (bệnh viện Thanh Nhàn) đang trong tình trạng quá tải bệnh nhi
Bác sĩ Mai cho biết, so với cùng kỳ mọi năm thì thời điểm này số trẻ nhập viện có dấu hiệu gia tăng đột biến, tình trạng sức khỏe cũng nặng hơn, đau dai dẳng hơn, điều trị sẽ lâu hơn. Vì thế, Khoa Nhi đang phải mượn của Khoa ngoại Tổng hợp 2 phòng bệnh để đủ sức chứa bệnh nhân.
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sảnh C khoa khám bệnh và sảnh D Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục rơi vào tình trạng kín chỗ, bệnh nhân chờ khám rất đông, trước cửa các khu vực xét nghiệm, phòng khám bệnh cũng đông kín.
Tình trạng quá tải không chỉ diễn ra tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tại Bệnh viện Thanh Nhàn mà nhiều bệnh viện khác như Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bệnh viện Đức Giang... cũng rơi vào tình trạng tương tự, trẻ phải nằm ghép 3 người/giường, cao điểm 1 bác sĩ phải đảm nhiệm điều trị cho nhiều bệnh nhi.
Bệnh viện đa khoa Đức Giang cũng đã bố trí thêm nhân lực và các bàn khám tăng cường vào những khung giờ cao điểm để đảm bảo chất lượng khám bệnh, giảm tình trạng quá tải. Các phòng khám được tăng cường vào thời điểm này chủ yếu dành cho các chuyên khoa như: Truyền nhiễm, hô hấp, nhi... Hiện, bệnh viện cũng bảo đảm đủ trang thiết bị, thuốc, dịch truyền… phục vụ cho công tác điều trị.
Phòng bệnh cho trẻ trong thời tiết giao mùa
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trẻ đã từng mắc COVID-19 thì hệ hô hấp sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, những người đã từng mắc COVID-19, đặc biệt là trẻ em có khả năng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp hơn và tỷ lệ trở nặng cao hơn khi mắc bệnh đường hô hấp.
GS.TS. Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô Hấp Việt Nam cho biết, bên cạnh những bệnh lý hô hấp kinh điển như hen phế quản, COPD, viêm phổi kẽ... xuất hiện nhiều bệnh lý mới nổi chưa từng xuất hiện trước đây như COVID-19 và các bệnh phổi liên quan... kết hợp với tình trạng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn, đã làm cho công tác chẩn đoán và điều trị các bệnh hô hấp gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Bệnh hô hấp cũng là bệnh lý phổ biến khiến khoảng 1/3 số trẻ nhập viện trong những năm đầu đời. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 4-5 triệu trẻ em tử vong do những căn bệnh từ đường hô hấp, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi. Tại Việt Nam, bệnh về đường hô hấp chiếm 23-38% ở trẻ em.
Cùng với đó 2 năm qua do dịch bệnh, ảnh hưởng đến việc tiêm chủng, việc uống vitamin A cũng bị chậm, nhiều trẻ bỏ uống theo đợt… cũng là tác nhân cộng hưởng khiến bệnh tăng cao.
Các khoa phòng tại Bệnh viện Nhi Trung Ương đông kín người nhà đưa trẻ nhỏ tới thăm khám
Theo TS. BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Nhi Trung Ương, đối với nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, những bệnh viêm đường hô hấp thường xuyên lưu hành.
TS. BS Hải cũng cho biết, khi trẻ đi học tập trung trở lại, sinh hoạt tập trung ở môi trường có sử dụng điều hòa, điều kiện không khí sẽ kém hơn so với không khí tự nhiên. Khi 1 em mắc bệnh sẽ có nguy cơ tạo các ổ dịch nhỏ, nguy cơ lây bệnh sẽ cao hơn khi ở cùng gia đình.
Trước tình trạng trẻ nhập viện liên quan đến đường hô hấp tăng cao, nhiều phụ huynh lo lắng đưa con đến thăm khám, mong muốn được vào viện điều trị. Tuy nhiên, BS Vũ Thị Mai, bệnh viện Thanh Nhàn khuyến cáo sau thăm khám bác sĩ có chỉ định cho điều trị tại nhà, cha mẹ nên yên tâm nghe theo lời khuyên của thầy thuốc.
Để chăm sóc trẻ trong thời điểm giao mùa, dịch bệnh truyền nhiễm tăng cao, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ chăm sóc tại nhà nên vệ sinh thường xuyên đường hô hấp trên, vùng mũi vùng họng nơi cửa ngõ vi khuẩn, virus bám đầu tiên; Đồng thời, tăng cường miễn dịch cho trẻ, ăn đủ vi chất, sinh hoạt khoa học, đi ngủ sớm, cách ly với trẻ có dấu hiệu bệnh truyền nhiễm.
Phụ huynh nên lưu ý việc vệ sinh mũi họng hàng ngày cho bé, nếu trẻ không có triệu chứng cũng không nên bơm rửa nhiều quá vì nếu không biết cách sẽ vô tình đẩy các tác nhân gây bệnh vào bên trong xoang mũi, tai giữa…; Không tự mua kháng sinh điều trị; Không quá chiều trẻ, khi trẻ mệt vẫn nên duy trì việc đáng răng, súc miệng họng hàng ngày…
Phương Thu - Ảnh: Bộ Y tế- TTTĐ