Cụ thể, báo cáo kết quả 2 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 506 của Bộ Công an nêu rõ: Qua 2 năm, Ban chỉ đạo Kế hoạch số 506 liên ngành Trung ương và địa phương đã có hơn 400 báo cáo Quốc hội, Chính phủ về tình hình, công tác chấp hành pháp luật, kết quả công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi; Tham mưu, đề xuất ban hành hơn 500 kế hoạch triển khai các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ trong tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa với loại tội phạm này.
Những vết thương tích trên người cháu bé 12 tuổi ở Hà Đông (Hà Nội) bị cha dượng hiếp dâm và mẹ đẻ bạo hành.
Trong công tác đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến người dưới 18 tuổi, 2 năm qua, đã phát hiện 3.748 số vụ xâm hại trẻ em (giảm 5,5% số vụ), với 4.354 đối tượng, xâm hại gần 4.000 trẻ em (số trẻ bị xâm hại giảm 5,3% so với cùng kỳ giai đoạn 2019-2020). Toàn quốc phát hiện 8.227 vụ, với 16.649 đối tượng là người chưa thành niên vi phạm pháp luật (giảm 2,4% số vụ).
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Kế hoạch số 506 cho biết, thời gian tới, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm liên quan đến người dưới 18 tuổi còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phi truyền thống như lợi dụng không gian mạng để xâm hại trẻ em, trẻ em bị tổn thương do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, cư trú ở vùng sâu, vùng xa…
Các yếu tố tác động trên là thách thức với các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ trẻ em, do đó yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật luôn phải “đi trước một bước” trong phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Ban Chỉ đạo Kế hoạch số 506 các cấp tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi.
Đồng thời, chủ động nắm, phân tích, dự báo tình hình từ sớm, từ xa, kịp thời tham mưu chủ trương, giải pháp lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh, trật tự và phòng, chống tội phạm, không để tác động, hình thành các nguy cơ phát sinh tội phạm, đặc biệt là lợi dụng không gian mạng để xâm hại trẻ em.
Ngoài ra, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp với Cục Trẻ em- Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội khẩn trương xây dựng, sớm đưa hệ thống dữ liệu về quản lý các vụ việc liên quan đến trẻ em phục vụ công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Ban Chỉ đạo Kế hoạch số 506 các địa phương chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp gắn kết giữa gia đình – nhà trường – tổ chức xã hội – tổ chức quần chúng nhằm bảo vệ trẻ em trong thời gian tới.
Hoa Tiên - Pháp luật Plus