Từ đêm 9 đến ngày 13-10, Hà Nội ít mưa, lạnh về đêm và sáng sớm, nhiệt độ 22-24 độ C.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, đêm nay (8-10) và sớm mai, Hà Nội không mưa; thời tiết se lạnh, nhiệt độ thấp nhất khu vực phía Bắc và phía Tây thành phố 23-25 độ C, trung tâm và phía Nam 24-26 độ C. Trưa và chiều mai (9-10), Hà Nội nắng, nhiệt độ cao nhất phổ biến 29-31 độ C, riêng khu vực trung tâm thành phố 30-32 độ C.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ đêm 9 đến ngày 13-10, thành phố Hà Nội nhiều mây, mưa rào vài nơi, gió Đông Bắc cấp 2-3. Trong khoảng thời gian trên, nhiệt độ tại Hà Nội ban đêm và sáng sớm ở mức 22-24 độ C, trưa và chiều ở mức 28-30 độ C...
Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung Trung Bộ, đêm nay và ngày mai, tiếp tục mưa rào và dông, có nơi mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi cao hơn 70mm... Kết hợp với lượng mưa lớn đã xảy ra trước đó, các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế có nguy cơ xảy ra ngập úng tại những vùng trũng, thấp và lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.
Hướng di chuyển của bão số 4 lúc 16h chiều nay (8-10).
Về diễn biến cơn bão số 4, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão đang di chuyển chậm và có xu hướng suy yếu dần.
Cụ thể, 16h hôm nay (8-10), bão cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 100km về phía Nam; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15. Hiện bão di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 5km/h. Đến 13h ngày mai, bão cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 200km về phía Đông Đông Bắc với cường độ cấp 9-10, giật cấp 13. Khoảng ngày 10-10, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào vùng biển phía Nam của vịnh Bắc Bộ trong ngày 11-10...
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, những ngày vừa qua, các tỉnh: Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên... đã xảy ra mưa to đến rất to gây lũ, sạt lở đất, thiệt hại nặng về người và tài sản.
Tính đến ngày 8-10, mưa lũ, sạt lở đất làm 2 người chết, 1 người mất tích; 2 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 53 ngôi nhà bị ảnh hưởng, hư hại; 6 hộ dân phải di dời khẩn cấp; 339 ngôi nhà bị ngập. Bên cạnh đó, mưa lũ còn làm 128ha lúa, hoa màu và 45,5ha cây công nghiệp bị ngập, hư hại; 64,4ha ao nuôi trồng thủy sản bị tràn; 6 điểm trên tuyến quốc lộ 70, tỉnh lộ 163 bị sạt; 45 vị trí giao thông địa phương bị ngập, sạt lở... Các địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện, vật tư hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả; khôi phục các tuyến giao thông, nhất là tuyến đường sắt Hà Nội đi Lào Cai...
Trước những diễn biến trên, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, bảo đảm đời sống nhân dân... Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế tập trung triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa tiếp tục chủ động triển khai phương án bảo đảm an toàn trên biển...
Kim Nhuệ - Hà Nội mới