13 doanh nghiệp gửi “niềm tin” nhầm chỗ: Sự khách quan, phù hợp quy hoạch của các công trình

28/11/2019 10:13

Kinhte&Xahoi Hàng nghìn lao động có nguy cơ mất việc làm, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản nếu quyết định hành chính của chính quyền địa phương được thực thi.

Trở lại với vụ việc của 13 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu đất thực hiện Dự án nhà máy ô tô 1-5 thuộc xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Khi được trao đổi, các doanh nghiệp đã bày tỏ sự không hài lòng khi UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) ban hành các Quyết định số 7827/QĐ-KPHQ ngày 22/10/2019 và Quyết định số 8042/QĐ-CCXP ngày 25/10/2019 yêu cầu Công ty cổ phần ô tô 1-5 phá dỡ các công trình mà 13 doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng và hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định từ năm 2014 – 2015.

Xin trở lại một phần lịch sử của vụ việc để các cơ quan chính quyền cũng như dư luận nắm bắt khách quan sự việc. Sau khi được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô khách công suất 5.000 xe khách/năm và được cấp Giấy phép xây dựng số 50/2009/GPXD-UBND ngày 27/4/2009 thì Công ty cổ phần ô tô 1-5 không có đủ nguồn lực thực hiện Dự án. Vì vậy, trong những năm 2014 - 2015 Công ty cổ phần ô tô 1-5 đã mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khu đất này để thực hiện Dự án và xây dựng hệ thống máy móc nhà xưởng, sản xuất công nghiệp, sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho ngành ô tô.

Tin tưởng, gửi “niềm tin” vào những cam kết hợp tác đầu tư của Công ty cổ phần ô tô 1-5 và với mong muốn gắn bó lâu dài với khu đất để ổn định sản xuất kinh doanh, 13 doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng 31 nhà xưởng tạo lập diện mạo kiến trúc khang trang, hiện đại đóng góp vào cảnh quan kiến trúc chung của khu vực, khớp nối đồng bộ với các dự án xung quanh về cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật.

Đồng thời, các doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh các ngành nghề sản xuất công nghiệp, sản xuất các sản phẩm ô tô nhằm phục vụ việc sản xuất, lắp ráp ô tô khách của Công ty cổ phần ô tô 1-5 tại Sở Kế hoạch – Đầu tư như: Sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe Gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; Sản xuất bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động; Sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; Bảo dưỡng, sửa chữa ô tô và xe có động cơ khác; Sản xuất các thiết bị nâng, hạ và bốc xếp; Sản xuất sắt, thép, gang; Bán phụ tùng và các bộ phận phụ trợ của ô tô và xe có động cơ khác…

Năm 2015 - 2016, khi các nhà xưởng chính thức đi vào hoạt động thì ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp vẫn là sản xuất các sản phẩm phụ trợ phục vụ công ty cổ phần ô tô 1-5.

Bên cạnh đó, để hưởng ứng các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch năm 2017 của thành phố Hà Nội tại Chương trình số 80/CTr-UBND ngày 05/4/2017 của UBND TP Hà Nội, các doanh nghiệp đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn hợp tác kinh doanh. Hiện nay, các doanh nghiệp đang sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho nhiều thương hiệu ô tô lớn của nước ngoài. Việc các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã thu hút được lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, đóng góp hàng tỷ đồng cho nền kinh tế đất nước, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế của địa phương nói riêng và của đất nước nói chung.

 
 Liên quan đến tính phù hợp của việc đầu tư, sản xuất của các doanh nghiệp với quy hoạch thành phố, Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Ngọc Đạt – Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý.

Luật sư Nguyễn Ngọc Đạt cho biết: “Thứ nhất, việc xây dựng nhà xưởng, đầu tư cơ sở vật chất để sản xuất kinh doanh tại Dự án nhà máy ô tô 1-5 của các doanh nghiệp là phù hợp với quy hoạch sản xuất công nghiệp của thành phố Hà Nội.

Căn cứ Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 2261/QĐ-UBND ngày 25/5/2012 của UBND thành phố Hà Nội về quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 quy định: “Phía Bắc bao gồm Sóc Sơn, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Từ Liêm khoảng 3.200ha; Ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử - Công nghệ thông t in, cơ khí, sản xuất ô tô, công nghiệp vật liệu mới, hoá dược – mỹ phẩm, dệt may…” và Quyết định số 6600/QĐ-UBND ngày 02/12/2005 của UBND thành phố Hà Nội về quy hoạch phân khu đô thị N6 thì việc các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh các ngành nghề sản xuất sản phẩm phụ trợ phục vụ việc sản xuất, lắp ráp ô tô tại khu đất Dự án nhà máy ô tô 1-5 theo lời mời gọi của Công ty cổ phần ô tô 1-5 là phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch phát triển công nghiệp của thành phố.

Thứ hai, xem xét tính pháp lý của các công trình xây dựng của các doanh nghiệp thì các công trình này cần được hoàn thiện thủ tục pháp lý để tồn tại, cụ thể:
 
Theo thông tin, tài liệu doanh nghiệp cung cấp thì: Các công trình của không vi phạm chỉ giới xây dựng; Các công trình không gây ảnh hưởng các công trình lân cận và không có tranh chấp; Các công trình này được xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp;

Việc đầu tư vào xây dựng các công trình trên đất đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng trước ngày 15/1/2018(ngày Nghị định 139/2017/NĐ-CP có hiệu lực) và phù hợp với quy hoạch đất công nghiệp (nhà máy, kho tàng, sản xuất lắp ráp ô tô, vật liệu mới…).

Hơn nữa, trong thời gian hoạt động, các doanh nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho gần 2000 lao động, tạo ra những giá trị thặng dư to lớn cho xã hội. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn được tặng bằng khen trong lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Những đóng góp của các doanh nghiệp được địa phương rất ghi nhận.

Đối chiếu với quy định tại khoản 2, 3 Điều 79 Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở  thì các công trình mà các doanh nghiệp đã xây dựng tại khu đất Dự án Nhà máy ô tô 1-5 không thuộc trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính buộc phá dỡ công trình mà cần được xem xét cho phép hoàn thiện thủ tục pháp lý để tồn tại.

Mặt khác, ngày 30/3/2016, khi UBND huyện Đông Anh ban hành Quyết định số 699/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các công trình xây dựng của các doanh nghiệp đã áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Yêu cầu Công ty cổ phần ô tô 1-5 hoàn thiện các thủ tục xin điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500 Dự án 5000 xe/năm. Khi được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết thì phải khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đề nghị cấp phép xây dựng theo quy định.”

Hơn nữa, ngày 19/5/2016, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2495/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết nhà máy ô tô 1-5, tỷ lệ 1/500 giao cho Công ty cổ phần ô tô 1-5 tổ chức, lập quy hoạch và đến nay, UBND thành phố Hà Nội cũng chưa có bất cứ văn bản nào thu hồi nhiệm vụ này của Công ty cổ phần ô tô 1-5.

Thứ ba, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế Việt Nam.

Căn cứ quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư năm 2014 thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại khu đất thực hiện Dự án nhà máy ô tô 1-5 thuộc ngành, nghề mà nhà nước ưu đãi đầu tư".

Như vậy, việc các doanh nghiệp đầu tư và sản xuất kinh doanh tại khu đất thực hiện Dự án nhà máy ô tô 1-5 là hoàn toàn phù hợp với Dự án, phù hợp với quy hoạch sản xuất công nghiệp của thành phố và định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam. Do đó, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần xem xét khách quan để cho phép các công trình, nhà xưởng của các doanh nghiệp được tồn tại vì sự phù hợp với quy hoạch đất công nghiệp và vì sự đóng góp của các doanh nghiệp cho sự phát triển công nghiệp, kinh tế - xã hội của địa phương và của đất nước suốt những năm qua.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc!


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

'Xâm lược văn hóa' rõ ràng đến vậy sao cơ quan văn hóa không có ý kiến gì?

Dư luận hết sức lo ngại trước việc chiếc áo dài Việt Nam bị nước ngoài trắng trợn “nhận vơ”, thực chất là một vụ “đánh cắp văn hóa”, biến của người thành của mình. Lại càng lo ngại hơn trước một việc “xâm lược văn hóa” rõ ràng đến như vậy mà cơ quan văn hóa nước nhà chẳng có ý kiến gì.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/13-doanh-nghiep-gui-niem-tin-nham-cho-su-khach-quan-phu-hop-quy-hoach-cua-cac-cong-trinh-d112060.html