MV “Sáng mắt chưa” của Trúc Nhân tuy là sản phẩm đặt hàng của một thương hiệu nhưng lại được yêu thích vì đặc sắc.
Lịch sử, thời sự lên ngôi trong âm nhạc
“Sáng mắt chưa” và “Tứ phủ” có lẽ là 2 MV đang hot nhất trong thời gian này. Với “Tứ phủ”, Hoàng Thùy Linh đã chứng minh sức lao động nghệ thuật đáng nể của mình khi cách đó chỉ hơn một tháng, cô đã cho ra mắt MV “Để Mị nói cho mà nghe” với chủ đề độc đáo về các nhân vật trong văn chương Việt.
MV này đã “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội, đứng top trên các bảng xếp hàng âm nhạc, thậm chí trở thành trào lưu của giới trẻ. Hoàng Thùy Linh cũng là một trong những ca sĩ hiếm hoi mà đa số MV không xoay quanh các câu chuyện tình yêu, ngôn tình sướt mướt thường thấy mà hướng về những nét đẹp trong văn chương, văn hóa Việt. Với Tứ phủ, chỉ sau 5 giờ ra mắt, MV đã đứng đầu bảng xếp hạng itune Việt Nam.
“Tứ phủ” xoay quanh một văn hóa đặc sắc đang được bảo tồn trong tín ngưỡng dân gian Việt: Đạo Mẫu. Không dùng nguyên vẹn hệ thống âm nhạc trong nghi thức hầu đồng, ê kíp của Hoàng Thùy Linh đã biến tấu với đàn bầu và kèn đám ma, phối hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc trong buổi hầu đồng và âm nhạc dân gian đương đại, tạo cảm giác nhẹ nhàng và lạ lẫm cho người nghe.
Đặc biệt, nội dung của MV lấy cảm hứng từ một huyền tích của đạo Mẫu về một trong Tứ phủ - cô Bơ, một người phụ nữ đáng nể trong truyền thuyết dân gian Việt. Cô Bơ, theo truyền thuyết dân gian chính là vị Thánh Cô đã giúp vua Lê chống giặc ngoại xâm, ngày ngày đợi chờ người quân tử nhưng duyên phận éo le, đến khi chết vẫn một lòng trung trinh, son sắt. MV đã thể hiện nét đẹp rực rỡ kiên trung của một người liệt nữ Việt.
Về phần “Sáng mắt chưa”, đây lại là MV có hơi hướm giễu cợt, phản ánh hiện trạng đời sống ra đời từ sáng tạo của một trong những nghệ sĩ “lắm chiêu” của showbiz: Trúc Nhân.
Câu chuyện trong MV không có gì lạ, về một chàng trai đồng tính lấy vợ để che giấu thân phận, nhưng cách thể hiện của Trúc Nhân thực sự đã khiến câu chuyện thoát khỏi những mô tip đồng tính đáng chán thời gian qua.
Có phần hài hước, có phần giễu nhại, có chút chua cay, cùng cách dàn dựng hình ảnh đẹp, lạ và âm nhạc hấp dẫn, độc đáo, khiến MV cũng trở thành “hot trend” của giới trẻ. Trước đó, các MV “Thật bất ngờ” hay “Lớn rồi còn khóc nhè” của Trúc Nhân cũng gây “sóng gió” trong làng nhạc thời điểm ra mắt vì sự độc đáo, không giống ai và nội dung khá sâu sắc.
Hay như Đen Vâu và một số Rapper có tiếng khác như Vũ…, âm nhạc cũng xoay quanh những câu chuyện đời, chuyện người, những tâm tư của người trẻ với suy nghĩ chín chắn, sâu sắc khiến giới trẻ yêu thích.
Những MV như thế là trở thành những “điểm sáng” trong làng nhạc khi mà MV nhạc Việt đang bị quanh quẩn với ngôn tình, với tình yêu trái ngang, chuyện người thứ ba…
Nhạc quảng cáo - bài toán đầu tư cho nhạc Việt
Đóng góp khá đáng kể cho làng nhạc Việt, phải kể đến các MV được đặt hàng từ các thương hiệu nhằm quảng cáo hình ảnh. Nếu như vài năm về trước, nhạc quảng cáo bị mặc định là những bài hát dễ nghe, dễ hiểu hay dễ nhớ, có phần thô sơ thì những năm gần đây, các nhà tài trợ đã tìm ra một cách tiếp cận khán giả hấp dẫn hơn. Đó là đặt hàng những MV quảng bá thương hiệu.
Như những MV của Trúc Nhân nói trên, hầu hết đều là MV đặt hàng quảng cáo. Như “Thật bất ngờ” là MV quảng cáo cho Oppo, “Sáng mắt chưa” được Tiki đặt hàng. Đen Vâu có MV “Bài này chill phết rất đáng yêu”, có lồng ghép quảng cáo bia Strongbow. Hay Sơn Tùng MTP có những MV hấp dẫn, nhưng thực chất do hãng Biti’s đặt hàng…
Trong số những ca sĩ thường làm MV theo đơn đặt hàng quảng cáo, các thương hiệu khá ưa chuộng Bích Phương. Với sự sáng tạo của nữ ca sĩ trẻ này, những MV quảng cáo đều rất hay, tự nhiên và có chất riêng, được giới trẻ đón nhận. Những MV “Chuyện cũ bỏ qua” (do Mirinda tài trợ), “Bao giờ hết bận” (do Samsung tài trợ) …đều rất đáng yêu, nắm bắt những xu hướng giới trẻ để làm thành những ca khúc vui tươi, thành công.
Tiếng là MV nhằm quảng cáo, nhưng hầu như nội dung các MV này đều rất hấp dẫn, không lồng ghép tên thương hiệu lộ liễu trong bài hát, không gây phản cảm. Hầu hết tên thương hiệu chỉ lồng vào phần cuối, và bài hát, MV được thực hiện sao cho hợp với tinh thần của thương hiệu. Hầu hết các bài hát nói trên đều vượt ra ngoài nhãn mác “nhạc quảng cáo” mà trở thành những sản phẩm âm nhạc độc lập, được khán giả say mê.
Đây chính là một cách làm hay, đôi bên cùng có lợi. Cái lợi của thương hiệu là tạo hiệu ứng mạnh mẽ, đến với khán giả một cách tự nhiên thông qua sản phẩm nghệ thuật. Cái lợi của MV được tài trợ là nghệ sĩ có kinh phí để đầu tư MV chất lượng hơn, người hâm mộ được thưởng thức những MV “mãn nhãn” hơn. Đây cũng là một cách làm “xã hội hóa” về âm nhạc rất hay, có thể giúp nhạc Việt ngày một được đầu tư hơn, có chất lượng và sáng tạo hơn.