Chiếc “Hố tử thần” trong khuôn viên dự án
Ngày 20/12/2022, ông Nguyễn Tiến Thắng, Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn đã phê duyệt quyết định số 182/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 01: Xây lắp Công trình: Cải tạo, nâng cấp trường THCS Đồng Sơn, xã Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang với tổng mức đầu tư của dự án gần 23 tỷ đồng; Liên danh Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Abay Việt Nam, Công ty Cổ phần công nghệ Tân Việt và Công ty TNHH PCCC và cứu hộ toàn cầu là đơn vị thi công; thời gian thực hiện dự án 360 ngày; trong đó Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Abay Việt Nam làm đại diện.
Theo người dân đang sinh sống xung quanh khu vực dự án phản ánh với phóng viên về việc công trình thi công cẩu thả, không đảm bảo vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Đặc biệt, nhiều người rất lo lắng về một mối nguy hiểm có thể gây chết người, đặc biệt là các cháu nhỏ trong dịp hè.
Ngay sau khi nắm bắt thông tin, chúng tôi đã đến công trình xây dựng và ghi nhận ý kiến của người dân là hoàn toàn có cơ sở.
Ngay cổng vào dự án, sát với đường người dân và trẻ nhỏ đi lại vui chơi, mọc ra chiếc hố vuông chiều dài rộng khoảng 5m, sâu khoảng 2m tràn ngập nước mưa mà không có biển cảnh báo, tấm nhôm che chắn.
Có thể với người lớn, đây là một hố nước bẩn nhưng với các cháu nhỏ, đó lại là một “bể bơi” đầy hấp dẫn, nhất là trong thời tiết nóng bức của miền Bắc hiện nay.
Nguy cơ mất an toàn cho trẻ nhỏ đã xảy ra trên nhiều công trình xây dựng cả nước, không chỉ gây mất mát đau thương cho gia đình các cháu mà còn gây tổn thất rất lớn cho nhà nước như vụ bé Hạo Nam tại dự án cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cuối năm 2022 mới đây.
Đơn vị thi công vô trách nhiệm đã đành nhưng Chủ đầu tư đi đâu, tại sao không lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, bảo vệ sự an toàn của công trình? Chẳng nhẽ, việc quây tôn, bạt, đặt biển cảnh báo hố sâu nguy hiểm, cấm tắm … sẽ làm “đội chi phí” công trình?
Không chỉ vậy, Phóng viên đã có mặt tại công trường ghi lại nhiều hình ảnh rất đáng quan ngại, sự cẩu thả của Đơn vị thi công.
Không trang bị bảo hộ, nhóm công nhân đứng cheo leo trên giàn giáo như “người nhện”, cẩu móc vật liệu xây dựng được buộc sơ sài.
Giữa trưa hè oi ả, lác đác vài công nhân đầu đội “nón lá” tay không có nổi đôi găng tay cứ lầm lũi kéo chiếc xe rùa chất đầy gạch.
Hố vuông chứa đầy nước mưa sâu như một “bể bơi” hấp dẫn trẻ nhỏ.
Không những thế, những bụi mịn từ xi măng, cát tha hồ bay trắng xoá cả công trình không hề có một chiếc bạt che.
Bụi cát bay mù mịt phủ lên những người công nhân không một chiếc khẩu trang bảo hộ đang làm việc. Trong công trình bừa bộn, công nhân ở lẫn lộn nhau, ăn uống, tắm giặt, vệ sinh ngay tại tầng 1 công trình, bừa bãi và mất vệ sinh.
Mặc dù công nhân đang thi công, thế nhưng tìm mỏi mắt không thấy chỉ huy trưởng công trình và giám sát thi công.
Một lao động tại công trình thi công còn hồn nhiên cho biết: “Tôi nhận giao khoán theo công trình, không biết làm cho Công ty nào, không biết giám sát và chỉ huy trưởng tên gì, không được đóng bảo hiểm”.
Và những lời hứa …
Để xác minh thông tin cũng như đảm bảo nội dung bài phản ánh được khách quan đa chiều, phóng viên đã làm việc với ông Nguyễn Tiến Thắng, Chủ tịch UNBD xã Đồng Sơn nhưng vị Chủ tịch xã này liên tục báo “ bận họp” và giới thiệu phóng viên làm việc với đơn vị thi công.
Sau nhiều lần liên hệ, chúng tôi cũng có được số điện thoại và liên lạc được với ông Vũ Văn Bằng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Abay Việt Nam.
Ông Bằng cho biết: “Tôi mua hết đồ bảo hộ nhưng nặng quá công nhân lười không mặc, hố nước đấy của bên tháo dỡ để lại tôi đang cho họp làm việc mà cũng sắp làm tường rào rồi.
Năm nay không có dự án nên thuê công nhân thời vụ, không đóng bảo hiểm. Tôi tiếp thu ý kiến của các PV và sẽ cho kiểm tra lại”.
Công trình không có nổi một tấm bạt che bụi, rác rưởi tràn ngập.
Ngay trong cùng ngày, chưa yên tâm về “cái hố tử thần”, phóng viên lại đi xuống dự án nhưng tình trạng đó vẫn diễn ra như chưa có chỉ đạo nào như ông Tổng giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Abay Việt Nam đã hứa.
Tiếp tục liên hệ theo số điện thoại trên biển báo công trình với chỉ huy trưởng và giám sát trường, phóng viên đều nhận được câu trả lời “ Tôi không có mặt ở dự án”.
Phóng viên vẫn rất lo lắng về chiếc “hố tử thần” quá nguy hiểm kia và băn khoăn về những lời hứa của cả lãnh đạo Đơn vị thi công và của ông Nguyễn Tiến Thắng, Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn, Chủ đầu tư.
Một công trình dành cho giáo dục rất quan trọng nhưng giám sát không có, chỉ huy công trường không có mặt, người lao động không được mua bảo hiểm, phó mặc tính mạng, sức khỏe của công nhân cho “cai thầu”.
Ai sẽ bảo chứng cho chất lượng công trình khi mà ngay chủ đầu tư dường như cũng đang phó mặc công trình cho bên đơn vị thi công, muốn làm gì thì làm?
Đề nghị các cơ quan, ban ngành có trách nhiệm quản lý, giám sát rà soát lại quy trình an toàn lao động, quyền lợi của người lao động và chất lượng trong thi công xây dựng của đơn vị thi công cũng như đơn vị tư vấn giám sát tại Công trình: Cải tạo, nâng cấp trường THCS Đồng Sơn, xã Đồng Sơn.
Và việc đầu tiên, trên hết là cần khẩn trương xử lý chiếc “hố tử thần” đang rình rập, đe dọa tính mạng các cháu bé. Không thể đợi “mất bò mới lo làm chuồng”.
Khoản 6, Điều 5 Thông tư 04/2017/TT-BXD đã quy định rõ về trách nhiệm của Chủ đầu tư:
“Trường hợp chủ đầu tư thuê nhà thầu tư vấn quản lý dự án, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư được quyền giao cho nhà thầu này thực hiện một hoặc một số trách nhiệm của chủ đầu tư theo quy định tại Điều này thông qua hợp đồng tư vấn xây dựng.
Chủ đầu tư có trách nhiệm giám sát việc thực hiện hợp đồng tư vấn xây dựng, xử lý các vấn đề liên quan giữa nhà thầu tư vấn quản lý dự án, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình với các nhà thầu khác và với chính quyền địa phương trong quá trình thi công xây dựng công trình”.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Nhóm PV - Pháp luật Plus