Ngày 26/5, để thực hiện tốt mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ và chỉ đạo tại phiên họp trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức họp để bàn biện pháp đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì sản xuất cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Vương Quốc Tuấn - Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại buổi họp. (Ảnh: Thái Sơn/Báo Nhân Dân)
Tham dự và chủ trì buổi họp có ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng dự có Lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương: Văn phòng, Công an tỉnh, Y tế, Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) Bắc Ninh, Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Công thương, UBND thành phố Bắc Ninh. Bên cạnh đó, buổi họp cũng có đại diện các doanh nghiệp trong KCN, (cụm công nghiệp (CCN) như Samsung SEV, Canon, Foxcon, Goerteck, Diana,…
Tại buổi họp, UBND tỉnh Bắc Ninh giao Ban quản lý các KCN chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh và các Sở, ngành có liên quan yêu cầu các doanh nghiệp trong các KCN chuẩn bị kế hoạch để triển khai việc bố trí người lao động ăn, ở, làm việc trong khu vực nhà máy.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: "Đây là giải pháp chưa có tiền lệ, song là biện pháp an toàn nhất trong tình hình hiện nay. Tỉnh sẽ triển khai đối với tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tinh thần đây là việc bắt buộc, chỉ có bàn cách để triển khai, chứ không bàn lùi. Chúng ta không thể không làm vì số ca nhiễm trong cộng đồng rất lớn."
Khu vực cách ly tại một nhà máy trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Báo Bắc Ninh)
Theo đó, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải bố trí xét nghiệm tập trung, những người có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 72 tiếng mới được đến làm việc tại nhà máy. Đồng thời, người lao động phải cam kết ở lại nhà máy, tuyệt đối không được ra ngoài nếu không có sự đồng ý của Ban quản lý các KCN hoặc các cơ quan chức năng giám sát ngoài cổng (trừ những trường hợp đặc biệt theo quy định). Định kỳ mỗi tuần doanh nghiệp xét nghiệm cho tối thiểu 10% số công nhân viên ở lại nhà máy.
Doanh nghiệp bố trí chỗ ở tạm cho người lao động trong khu vực nhà máy để duy trì sản xuất liên tục, không bị gián đoạn: Có thể hoán cải các nhà ăn, hội trường, phòng hội thảo, phòng họp lớn, các phân xưởng đang tạm dừng sản xuất, …làm nơi ở tạm. Việc bố chí chỗ ở tạm cho công nhân phải trên cơ sở đảm bảo điều kiện về: an ninh trật tự, vệ sinh cá nhân, ánh sáng, quạt gió và các điều kiện tối thiểu khác phục vụ công nhân và phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.
Trường hợp phải dựng rạp, nhà bạt dã chiến ra các khu đất trống, đường đi ít sử dụng hoặc nhà kho không sử dụng để bố trí làm khu vực ăn ca cho công nhân phải trên cơ sở đảm bảo ánh sáng, quạt gió, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.
Các doanh nghiệp cũng có nhiệm vụ bố trí lắp đặt, bổ sung thêm các nhà tắm, nhà vệ sinh di động tại các khu vực chưa có sẵn hoặc còn thiếu so với số lượng công nhân.
UBND tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu các doanh nghiệp tăng khẩu phần và chất lượng suất ăn cho công nhân viên đảm bảo sức khỏe cho công nhân, tăng năng suất lao động; khuyến khích các doanh nghiệp tăng lương thưởng cho các công nhân ở lại nhà máy làm việc trong thời gian này.
Bản đồ cập nhật dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Báo Bắc Ninh)
Đối với các xe chở hàng hóa, thực phẩm, suất ăn, dọn vệ sinh và các phục vụ thi công ra vào nhà máy yêu cầu lái xe có xét nghiệm âm tính (định kỳ phải xét nghiệm), phải đăng ký lịch trình cụ thể; thực hiện phun khử khuẩn khi ra vào nhà máy; bố trí chỗ ở riêng biệt cho các lái xe.
Tại các doanh nghiệp, cần lắp camera giám sát tại cổng ra vào nhà máy và cấp địa chỉ IP cho cơ quan chức năng giám sát (Đồn công an các KCN).
Đối với nhân viên văn phòng nên cắt giảm tối đa số nhân viên đến văn phòng làm việc nhưng vẫn đảm bảo duy trì hoạt động tối thiểu điều hành sản xuất kinh doanh; bố trí chỗ ở ngay tại cơ sở làm việc; trên cơ sở đảm bảo vệ sinh cá nhân, ánh sáng, quạt gió và các điều kiện tối thiểu khác để phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.
Riêng đối với các chủ đầu tư hạ tầng KCN có nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện, nước ổn định và các điều kiện khác để phục vụ cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục vụ công nhân ăn ở tại nơi làm việc.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bắc Ninh khuyến khích các công nhân ở lại tối thiểu 15 ngày 1 đợt. Số công nhân khi quay trở về nhà trọ/nơi cư trú quản lý tương tự như F2. Tất cả các lao động không tham gia sản xuất mà ở tại nhà trọ/nơi cư trú không được đi ra khỏi nơi cư trú theo đúng tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg.
Ban quản lý các KCN chỉ đạo doanh nghiệp trong KCN điều chỉnh kế hoạch sản xuất, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất để triển khai thực hiện bắt đầu từ 0h ngày 2/6/2021.
UBND tỉnh Bắc Ninh kêu gọi các doanh nghiệp chung tay đóng góp ủng hộ Quỹ vaccine để sớm tiếp cận nguồn vaccine phòng Covid-19. Kinh phí doanh nghiệp bỏ ra để tiêm cho công nhân được nhà nước khấu trừ thu nhập doanh nghiệp.
Trước đó, tỉnh Bắc Ninh vừa được Chính phủ cấp 150.000 liều vaccine phòng Covid-19. Tỉnh dự kiến sẽ triển khai tiêm cho lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch bệnh và ưu tiên 90.000 liều vaccine cho các đối tượng thuộc doanh nghiệp.
Theo thống kê, tỉnh Bắc Ninh hiện có 10 khu công nghiệp tập trung và 26 cụm công nghiệp đang hoạt động với khoảng 450.000 công nhân.
Một số doanh nghiệp lớn trước đó đã ghi nhận nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 như Công ty Samsung Electronics, Công ty TNHH Canon Việt Nam... Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hiện tại đã có trên 50.000 lao động phải nghỉ việc tạm thời.
Tính đến tối 26/5, tỉnh Bắc Ninh có tổng số 627 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, huyện Thuận Thành 464 ca, thành phố Bắc Ninh 66 ca, huyện Quế Võ 35 ca, huyện Yên Phong 33 ca… Số bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh là 30 người.
Gia Hải - Pháp luật Plus