Có những cái chết hóa thành bất tử…
Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, dòng sông Bến Hải nằm trên vĩ tuyến 17 được chọn làm ranh giới tạm thời chờ ngày Tổng tuyển cử thống nhất giang sơn. Thế nhưng, với mưu đồ chia cắt đất nước ta lâu dài, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ngang nhiên bội ước, để rồi ròng rã hơn 20 năm, Tổ quốc ta phải chia ly đôi miền Nam – Bắc. Và cũng từng ấy năm, Vĩnh Linh trở thành túi bom trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Bến đò Tùng Luật: ảnh Đặng Hưởng
Trong số các di tích lịch sử cách mạng trên mảnh đất Quảng Trị thì Bến đò Tùng Luật (thuộc địa phận thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh) nổi lên như một biểu tượng tiêu biểu cho sự gan dạ, hy sinh và khả năng phi thường của con người qua thử thách khắc nghiệt của chiến tranh.
Do hội đủ các điều kiện về địa lý và quân sự, bến đò Tùng Luật là con đường ngắn nhất nối Vĩnh Linh với chiến trường Gio Linh, Triệu Phong, Đông Hà, bến đò nằm sát khu vực dân cư, địa hình xen lẫn những đồi đất đỏ thấp, cây cối nhiều, lợi thế cho việc ém quân và tập kết hàng hóa, lại chỉ cách Cửa Tùng khoảng 2km theo đường sông, rất thuận tiện để vận chuyển tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ nên được Bộ Chỉ huy Quân sự Đặc khu Vĩnh Linh thời bấy giờ chọn làm điểm chiến lược.
Lịch sử chống Mỹ – Ngụy của Bến đò Tùng Luật bắt đầu từ những chuyến đò xuyên màn đêm, bí mật đưa chiến sĩ, cán bộ chủ chốt vào Nam hoạt động trong những năm 1956-1965. Từ giữa năm 1967 đến đầu năm 1973, bến đò Tùng Luật đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy và Xã đội Vĩnh Giang.
Tại đây, thường xuyên có một đại đội dân quân gồm 80 người (lúc cao điểm lên tới 111 người), biên chế thành 4 phân đội: Phân đội chèo thuyền vượt sông, rà phá bom mìn; phân đội vận tải, tiếp tế cho Cồn Cỏ; phân đội bảo vệ pháo phòng không 12,7 ly và đại liên; phân đội đào địa đạo, công sự, hầm hào, lán trại, tổ chức cứu thương, di chuyển thương binh, tử sĩ và tập kết hàng hóa.
Chính vì lý do này mà bến đò B đã trở thành trọng điểm đánh phá của kẻ địch. Suốt những năm chiến tranh, trên diện tích chưa đầy 1.500m2 của bến đò, địch đã huy động hơn 1.200 lần tốp máy bay phản lực với trên 3.200 lần ném bom, 7 lần dùng B.52 rải thảm, 3 lần dùng chất độc hóa học phát quang, hơn 1.500 lần pháo kích từ Cồn Tiên, Dốc Miếu, hạm đội 7 để dội xuống nơi đây hơn 12.000 quả bom, gần 700.000 quả đạn pháo các loại, có ngày địch bắn xuống bến đò hơn 1.200 quả pháo…
Thế nhưng, bất chấp sự đánh phá khốc liệt có tính hủy diệt của kẻ địch, dân quân du kích Tùng Luật, với sự hỗ trợ của nhân dân Vĩnh Giang và các xã lân cận đã vừa bám trụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, vừa đảm bảo duy trì hoạt động chi viện cho các chiến trường. Có gia đình, hai, ba thế hệ cùng sánh vai, cầm chèo tải đạn. Cha ngã xuống, con lên thay, anh hy sinh đã có em tiếp bước. Chỉ hơn 6 năm, tại bến đò này đã có 29 người con của Tùng Luật ngã xuống, máu thịt hòa với dòng sông và hơn 40 người đã gửi lại một phần thân thể của mình.
Nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy biển để giữ đảo Cồn Cỏ như ngọn hải đăng hiên ngang, quật cường. Những người dân Vĩnh Giang đã bất chấp bom đạn, tạo nên một tuyến vượt sông cảm tử đưa bộ đội và vũ khí vào Nam với 78000 lượt thuyền qua về, 2 triệu lượt người cán bộ, chiến sỹ và hàng vạn tấn vũ khí vào chiến trường miền Nam, tạo nên một bến đò B huyền thoại.
Ai không xúc động khi nghe một người con của Vĩnh Giang nói với người vợ thân yêu của mình khi chia tay chị và đứa con nhỏ để vượt sông Hiền Lương vào Nam chiến đấu: “Nếu anh có hy sinh thì đó là niềm tự hào”. Đây chính là câu nói cuối cùng của liệt sỹ Lê Văn Nguyện trước khi hy sinh vào năm 1967. Mảnh đất này cũng là nơi hy sinh của nhiều chiến sỹ dũng cảm đến từ mọi miền Tổ Quốc. Máu xương của họ đã hòa vào đất và nước nơi này. Hồn thiêng của họ đang mãi âm vang khúc tráng ca bến đò B bất tử.
Chiến công oanh liệt của quân và dân Vĩnh Linh được tôn vinh như một hiện tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ghi nhận đóng góp của quân dân Vĩnh Giang nói chung và bến đò B – Tùng Luật nói riêng, Nhà nước đã 3 lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho dân quân du kích xã Vĩnh Giang, cùng 15 Huân chương Chiến công, 110 Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước các loại… Đặc biệt, ngày 27-9-1996, Bến đò Tùng Luật (bến đò B) được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra Quyết định số 24/VH/QĐ xếp hạng là Di tích cấp quốc gia.
Viết tiếp bài ca anh hùng, biến “lũy thép” thành “lũy hoa” trong thời kỳ đổi mới
Vĩnh Giang là vùng đất nằm dọc bờ sông Hiền Lương với các thôn An Ninh, Di Loan, Cổ Trai, Mỹ Phước, Tân Mỹ, Tân Trại, Tùng Luật, là nơi sinh sống của những người dân chân chất, hiền lành, chịu thương, chịu khó và có truyền thống hiếu học. Đây là miền quê nổi tiếng với những người con thành đạt từ học hành và cống hiến. Nhiều kỹ sư, nhà quản trị tài ba, giáo sư nổi tiếng đã sinh ra, lớn lên và học những con chữ đầu tiên ở mảnh đất thân thương này. Nơi đây đã có những nhà sư phạm âm thầm đóng góp cho quê hương từ những năm tháng đầu tiên của nền giáo dục phổ thông như thầy Phan Văn Thía, thầy Lê Văn Duyệt, thầy Vũ Văn Đóa…
Những thế hệ do các thầy dạy dỗ cũng đã rạng danh ở những miền quê khác của đất nước như GS.TS. NGND Phùng Thế Vắc, GS.TS. NGƯT Lê Hồng Hạnh, nguyên hiệu trưởng Đại học Mỏ Quảng Ninh Phùng Thế Vang…
Cùng góp mặt trong số những người con thành đạt của Vĩnh Giang là các bác sỹ nhân từ, tài giỏi như Trương Thị Mãi, Phùng Thị Hoàn, Nguyễn Văn Giang, những nhà quản trị tài ba như cố giám đốc thủy sản Bùi Đức Kính; nguyên Phó TGĐ VOSCO Lê Ngọc Minh; Tổng Giám đốc COSEVCO Lê Thiết Hiệu; nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thiện Tố; nguyên giám đốc Bảo hiểm Quảng Trị Lê Thị Khỏe; Phó Giám đốc Bảo hiểm Quảng Trị Trần Văn Thao. Họ rất nổi danh trong lĩnh vực thủy sản, vận tải biển, xây dựng và y tế.
Trong lĩnh vực Tư pháp, nhiều người biết và ngưỡng mộ Luật sư Lê Đức Tiết nguyên thẩm phán tòa án quận sự Trung ương; thạc sỹ, thẩm phán cao cấp Lê Hồng Quang, Chánh án Toà án nhân dân Quảng Trị; Luật sư Lê Thị Hồng Thơm, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh… Mảnh đất cũng có những con vừa rời quân ngũ đã sẵn sàng hiến dâng tuổi hưu cho hoạt động khuyến học, từ thiện như trung tá Phùng Thế Tuyền, thượng tá Bùi Thị Thu.
Nhưng trên tất cả, nơi đây sản sinh nhiều thế hệ yêu nước, trung thành với sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng hy sinh để giải phóng quê hương đất nước khỏi ách xâm lược của bất cứ đế quốc nào, dù là Pháp, Mỹ hay Trung Quốc. Nhìn về quá khứ không xa, trong mấy chục năm chiến đấu giữ nước vừa qua, vùng đất 7 thôn nằm dọc bờ sông Hiền Lương này đã trở thành một biểu tượng bất diệt của tình yêu Tổ quốc. Đi qua bao năm tháng của 3 cuộc chiến tranh khốc liệt, gian khổ, đầy đau thương và mất mát, mảnh đất này vẫn kiên trung, quật khởi.
Nếu như trong kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Giang nổi tiếng bởi những người con anh hùng, đội mưa bom bão đạn chiến đấu giữ từng tấc đất quê hương, bám trụ chi viện cho chiến trường miền Nam với khẩu hiệu “một tấc không đi, một ly không dời”, góp phần tạo nên một lũy thép Vĩnh Linh. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc nổ ra, những người con của Vĩnh Giang lại cầm súng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Trong số những người con yêu dấu này có những người đã anh dũng hy sinh như liệt sỹ Lê Văn Ngọc, Lê Văn Lấn và nhiều liệt sỹ khác.
Cũng không ít các chỉ huy quân sự, tướng lĩnh trưởng thành từ mảnh đất yên bình này như cố Đại tá, chính ủy sư đoàn Trương Công Ngự, cố Phó Chỉ huy quân sự huyện Đại tá Trần Đạt, đại úy chỉ huy tàu săn ngầm của Hải quân Việt Nam Lê Quốc Lập … Ngày nay, mảnh đất này góp thêm cho lực lượng vũ trang của Tổ quốc Thiếu tướng Trần Minh Thanh, Phó chỉ huy trưởng Quân khu 4, Đại tá Ngô Xuân Hoàn, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng Quảng Trị và nhiều chỉ huy quân sự khác.
Vĩnh Giang cũng nổi tiếng về văn hóa, nghệ thuật. Mảnh đất hiền hòa này sản sinh những điệu hò tha thiết và lắng đọng tình người như hò đưa linh, họ chèo cạn…Nơi đây cũng sản sinh ra những nghệ sỹ tài ba để chuyển các điệu hò, câu hát đến cộng đồng.
Thấm đậm dưỡng khí văn hóa của quê hương, nhiều nghệ sỹ, ca sỹ đã nổi tiếng cả vùng, cả nước như nhạc công Nguyễn Hữu Như Giản, nghệ nhân Trần Duyến, NSND Châu Loan, NSND Võ Thị Lệ Thi, NSND Kim Quí, NSUT Kim Phú, Sỹ Cừ, Võ Đình Hùng, cố nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ái Chủng, ca sỹ Nguyễn Thị Thu Ngoan v.v. Họ đã làm cho đất nước biết đến Vĩnh Giang không chỉ là lũy thép cách mạng mà như cả một vùng văn hóa phồn thịnh. Nhiều người đã trở về lòng đất mẹ nhưng vẫn còn vang vọng đâu đây những ca khúc, nhạc khúc của họ.
Bấy chừ đây đó khang trang
Xóm thôn ngõ dọc, đường ngang rộng dài.
Nhà cao, ngói mới, tường xây
Vườn vui chim hót, hương hoa thơm đầy.
Quê em hiền dịu thân thương
Người đây, cảnh đấy vấn vương nghĩa tình.
Bước ra từ hoang tàn đổ nát, với nhiều mất mát, hy sinh, đến hôm nay xã Vĩnh Giang đã thực sự thay da đổi thịt, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể, phấn đấu xã đạt chuẩn về Nông thôn mới. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, tiềm năng, thế mạnh được phát huy khá hiệu quả, bộ mặt làng quê ngày càng đổi mới.
Là một xã bãi ngang ven biển, diện tích đất canh tác và gieo cấy Lúa thấp, chất lượng và năng suất kém hiệu quả, nhưng với những định hướng và các giải pháp quyết liệt, Vĩnh Giang đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, chuyển đổi mục đích sản xuất, xóa bỏ vườn tạp, đầu tư phát triển cây trồng mang nguồn thu lớn cho địa phương, tập trung đầu tư các ngành nghề kinh doanh dịch vụ đem lại lợi ích kinh tế cho nhân dân.
Làng quê Tùng Luật
Về bến đò Tùng Luật B vào một buổi chiều hè, khung cảnh thật thanh bình với hàng dừa soi bóng xuống dòng sông yên ả. Những buổi chiều, người dân thôn Tùng Luật rủ nhau thong thả ngồi hóng mát, những cụ ông, cụ bà rôm rả chuyện trò. Câu chuyện quá khứ có lúc nhớ, lúc quên, nhưng lịch sử đã nhắc nhớ bằng những trang vàng ghi chiến công của những người anh hùng thầm lặng góp một phần thanh xuân tươi đẹp của mình vì nhiệm vụ vẻ vang trên bến đò này.
Đặng Hưởng
Theo Tạp chí Pháp luật & Phát triển số 7 + 8/2020