Bộ GTVT ủng hộ sử dụng tàu cao tốc để vận chuyển hàng hóa cho các tỉnh phía Nam
Kinhte&Xahoi
Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, quyết định tổ chức việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản.
Ảnh minh họa.
Tối 19/7, trong văn bản gửi các tỉnh, thành phố gồm TP HCM, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Kiên Giang và Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ủng hộ chủ trương việc sử dụng phương tiện thủy nội địa cao tốc để vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho các tỉnh phía Nam.
Theo đó, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, dịch vụ vận chuyển hành khách giảm mạnh nhưng nhu cầu vận chuyển hàng hóa lại tăng cao, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ dân sinh.
Do đó, để tận dụng tuyến luồng, cảng, bến, phương tiện Đường thủy nội địa hiện có đang sử dụng cho vận chuyển hành khách chuyển sang sử dụng cho vận chuyển hàng hóa thiết yếu nhằm hỗ trợ việc bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong thời gian áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.
Bộ GTVT ủng hộ chủ trương việc sử dụng phương tiện thủy nội địa cao tốc để vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản cho TP HCM và các địa bàn khác khi có nhu cầu.
Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, quyết định tổ chức việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản nêu trên để bảo đảm phù hợp thẩm quyền và tình hình thực tế tại địa phương.
Các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT chủ trì tổng hợp nhu cầu việc sử dụng phương tiện thủy nội địa cao tốc thuộc địa bàn quản lý và phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai các nhiệm vụ cần thiết theo thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để thực hiện việc sử dụng tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa cao tốc vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản cho TP HCM và các địa bàn khác khi có nhu cầu, bảo đảm an toàn giao thông và phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Ngọc Hiếu - Pháp luật Plus