Bộ Y tế yêu cầu giám sát việc ứng xử của nhân viên tại các cơ sở khám chữa bệnh
Kinhte&Xahoi
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các đơn vị chấn chỉnh, giám sát việc ứng xử của nhân viên tại các cơ sở y tế.
Ngày 29/8, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; Y tế các Bộ, ngành; Các cơ quan, đơn vị báo chí, truyền thông về việc xử lý thông tin báo chí, ra soát chấn chỉnh thái độ, y đức của nhân viên y tế.
Hình minh họa.
Theo công văn này, từ đại dịch Covid-19 đến nay, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế luôn ghi nhận và đánh giá cao sự vất vả, nỗ lực của các bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế tại các bệnh viện, đã và đang cố gắng, từng bước khắc phục khó khăn về thiếu nhân lực, kinh phí, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Trong thời gian này, các đơn vị đã nỗ lực bảo đảm duy trì công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng hình ảnh tích cực về người thầy thuốc, sự tin tưởng của người dân đối với ngành y tế.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, ở một số đơn vị, tinh thần, thái độ giao tiếp, y đức của một vài nhân viên y tế còn khiến người dân bức xúc, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của ngành y tế.
Vì vậy, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế các Bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các nội dung sau: Rà soát, chấn chỉnh, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế; tăng cường tập huấn các kỹ năng giao tiếp cho nhân viên y tế. Xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng quán triệt phương châm "Lấy người bệnh là trung tâm", đẩy mạnh triển khai hoạt động bảo đảm an toàn người bệnh với mục tiêu "Y tế trước tiên là không gây hại cho người bệnh", hưởng ứng chủ đề Ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2023 "Lắng nghe tiếng nói, tâm tư người bệnh".
Diệu Nhi - Pháp luật Plus