Chiều 23/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản.
Sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều ca nhiễm bệnh mới
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tính đến 14h00’ ngày 23/3/2020, tại Việt Nam có 118 người bị nhiễm Covid-19 tại 19 tỉnh thành phố. Đến nay đã có 17 trường hợp được điều trị khỏi bệnh và xuất viện, 101 trường hợp đang được cách ly theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện. Số ca mắc bệnh tại Việt Nam đang tăng lên, tuy nhiên chủ yếu là xâm nhập từ các nước di chuyển về Việt Nam.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo.
Tại Hà Nội, ghi nhận 37 ca mắc Covid-19, số ca mắc bệnh tại Hà Nội trong những ngày qua tăng trong xu hướng chung của cả nước, tuy nhiên các ca mắc chủ yếu là ca xâm nhập từ các nước khác về, cụ thể:
29 trường họp đi từ vùng/quốc gia có dịch về; 2 trường hợp là nhân viên y tế bệnh viện Bạch Mai; 5 trường hợp lây qua tiếp xúc gần; 1 trường hợp là bác sỹ khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay dịch bệnh đang lan rộng ra các nước trên thế giới, đặc biệt tại châu Âu, Trung Đông, Mỹ và một số nước khu vực Đông Nam Á với số ca mắc và tử vong đều tăng; Từ ngày 15/3/2020 Việt Nam chưa áp dụng cách ly hành khách nhập cảnh với một số nước vì vậy vẫn còn những hành khách từ các quốc gia có dịch nhập cảnh vào Hà Nội chưa qua 14 ngày có nguy cơ nhiễm bệnh, đây là nguồn lây truyền cao cho cộng đồng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, hầu hết các ca ghi nhận đến thời điểm này đều là người từ nước ngoài về. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng đã xuất hiện các trương hợp lây nhiễm trong cộng đồng và trong cơ sở у tế nên trong thời gian tới nguy cơ lây truyền sẽ cao hơn, dự báo sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều ca mới và diễn biến dịch sẽ phức tạp hơn đòi hỏi công tác phòng chống dịch phải quyết liệt hơn trước.
Thời gian tới, thành phố ưu tiên kiểm soát tốt cửa khẩu sân bay Nội Bài, nhất là những ngày tới sẽ tiếp tục có nhiêu du học sinh Việt Nam từ các nước trở về; tổ chức khai báo y tế bắt buộc và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài theo quy định. Rà soát tất cả các kịch bản phòng, chống dịch của Thành phố để sẵn sàng thực hiện khi cần thiết góp phần kiểm soát dịch bệnh.
Tổ chức tốt công tác cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của Thành phố, các đơn vị được phân công phải triển khai thực hiện nghiêm túc theo đứng hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của UBND Thành phố. Rà soát toàn bộ những người từ nước ngoài về từ ngày 7/3/2020 đang ở cộng đồng để yêu cầu cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc.
Đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, vật tư cho công tác phòng chống dịch. Tiếp tục rà soát để bổ sung trang thiết bị, hóa chất, vật tư, thuốc sẵn sàng đáp ứng trong tình huống dịch lạn rộng. Kích hoạt các bệnh viện chuyển giai đoạn tiếp nhận, điều trị, thực hiện tốt công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch bệnh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế tập trung đông người, đeo khẩu trang tại các nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng; khuyến cáo người dân ít ra nơi công cộng, hạn chế tối đa tập trung đông trên 50 người tại các đám cưới, đám hiếu; tạm thời đóng cửa các cơ sở dịch vụ giải trí karaoke, massa; vận động các tổ chức tôn giáo tu tại gia, không tiến hành nghi lễ tập trung đông người. Các cơ quan nhà nước tiếp tục dừng, hạn chế các cuộc họp không cần thiết, tăng cường họp trực tuyến.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả mạng xã hội để người dân nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch, nắm rõ các dấu hiệu mắc bệnh; chủ động khai báo y tế khi trở về từ vùng dịch, tự giác thực hiện cách ly khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.
Tránh đưa các thông tin gây bi quan, sợ hãi hoặc kỳ thị đối với người mắc, người nghi mắc bệnh. Tuyên truyền vận động người dân thực hiện khai báo y tế toàn dân tự nguyện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sử dụng phần mềm Smartcity để quản lý việc tuân thủ cách ly tại nhà/nơi cư trú và cập nhật thông tin về dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.
Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, cung ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, đảm bảo nguồn dự phòng sẵn sàng cung ứng trong mọi tinh huống.
Đảm bảo an toàn và các điều kiện để cách ly
Tại phiên họp, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Đỗ Thái Sơn cho biết: Bộ Tư lệnh đã tiếp nhận vận chuyển 3.108 người trong mấy ngày qua.
Phó giám đốc Công an TP Đoàn Ngọc Hùng cho biết đã chỉ đạo công an các quận rà soát toàn bộ người nhập cảnh vào thành phố từ 7/3. Đến 11h trưa 23/2, 3.869 trường hợp, trong đó 1.822 người nước ngoài và 2.383 người Việt Nam. Số người có biểu hiện ho, sốt đã đưa vào bệnh viện là 64 người, số người cách ly tại cộng đồng là gần 2.800 người, số người xác định dương tính là 4 người.
Công an TP đã chỉ đạo xử lý 60 trường hợp đăng tin, bài sai sự thật lên không gian mạng, xử lý các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực, không chấp hành cách ly theo quy định phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, đã đấu tranh, phòng chống hiệu quả các tổ chức phản động, đối tượng chống phá trên không gian mạng gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Ông cho hay tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm nhập, tấn công vào các website, dữ liệu các cơ quan tổ chức để đánh cắp, phát tán các tài liệu với mục đích xấu. "Việc tăng cường làm việc tại nhà, trực tuyến qua mạng Internet tạo điều kiện nảy sinh tội phạm mạng và đánh cắp các thông tin, tài liệu", Phó giám đốc Công an Hà Nội nhận định.
Về công tác giam giữ, cải tạo phạm nhân, Công an TP đã chỉ đạo thông báo với người nhà dừng thăm gặp để hạn chế tiếp xúc. Ông cũng cho biết Công an Hà Nội đã đề xuất lên Bộ Công an dừng điều chuyển phạm nhân trừ trường hợp bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến.
Đại diện UBND quận Thanh Xuân cho biết số người nhập cảnh cư trú là 157 trường hợp, đã thực hiện cách ly. Tính đến 17h chiều 23/3 đã lấy 114/158 mẫu, đến 24/2 sẽ hoàn thành lấy mẫu. Hiện nay còn 355 trường hợp F1,F2,F3 đang tiếp tục thực hiện cách ly.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu: Qua rà soát từ ngày 17/3, quận có thêm 157 trường hợp phải thực hiện cách ly. Tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp, hiện đã có 1.875 người, quận đảm bảo an toàn và các điều kiện để cách ly.
"Nhiệm vụ điều trị tại bệnh viện là quan trọng số 1"
Kết luận buổi làm việc Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đánh giá từ giai đoạn 2 đến nay (ngày 6/3), Hà Nội đã ghi nhận 39 trường hợp dương tính, trong đó có 30 trường hợp từ các vùng dịch về, 9 trường hợp lây nhiễm chéo.
Sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ TP đến phường, xã hết sức quyết liệt, người dân Thủ đô đã có nhận thức và tham gia tích cực vào công tác phòng chống Covid-19. Các quận, huyện có sự sáng tạo trên cơ sở đúng tinh thần chỉ đạo của T.Ư và TP, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, quản lý tốt người cách ly, trao đổi thông tin kịp thời để làm rõ lịch trình để làm rõ những người F1, F2 và phản ứng nhanh khi phát hiện các ca dương tính với Covid-19.
Chủ tịch UBND TP nhận định, dịch bệnh đang diễn ra phức tạp tại các nước. Một số nước đã trở thành trung tâm đỉnh dịch mới. Các nhà khoa học cũng chưa nhận định được bao giờ kết thúc.
Trên địa bàn TP Hà Nội số lượng người về nước trong mấy ngày qua tăng cao, tuy nhiên số lượng này dự kiến sẽ giảm vì các chuyến bay từ các nước đã tạm dừng. Hiện nay, dịch bệnh có diễn biễn phức tạp hơn trên địa bàn TP khi đã có ca bệnh lây nhiễm khi đi lại và lây nhiễm chéo trong gia đình.
Nhận định giai đoạn này dịch bệnh phức tạp, khó khăn hơn so với giai đoạn 1, Chủ tịch UBND TP xác định nguồn lây nhiễm chính bao gồm: công dân trong quá trình đi lại có tiếp xúc với người bệnh nhưng lại không có biểu hiện của bệnh. Số công dân nước ngoài đi từ vùng dịch về trước thời điểm Việt Nam dừng nhập cảnh đối với các nước Châu Á, Châu Âu, vùng lãnh thổ có dịch bệnh. Lây nhiễm chéo từ các khu cách ly tập trung, tại bệnh viện. Số công dân đi từ nước ngoài về, đặc biệt là các nước sát Việt Nam đã có dịch bệnh. Vì vậy, các quận, huyện cần nhận định rõ các nguồn lây để có công tác tuyên truyền và phòng ngừa.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp
Từ tình hình trên, trong 2 tuần tới sẽ là giai đoạn cao điểm nên TP phải tập trung mọi nguồn lực để phát hiện dịch bệnh, xét nghiệm, quản lý tốt các nơi tập trung để không bị lây nhiễm chéo, kể cả bệnh viện. “Chúng ta đang bước vào giai đoạn mới, giai đoạn tiệm cận và gắn liền với các quyết định chiến thắng hay là thua, nếu khoanh vùng tốt, phát hiện ca bệnh sớm, đưa đi cách ly đối với trường hợp nghi nhiễm, đưa vào viện chữa bệnh đối với các ca dương tính và chữa bệnh thành công là sẽ thắng lợi” – Chủ tịch UBND TP nói.
Trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các quận, huyện, phường, xã phải xác định ngay: "Quan trọng nhất hiện nay là khâu chữa bệnh cho bệnh nhân tại bệnh viện. Từ đó, xác định công tác chuẩn bị mọi nguồn lực, trang thiết bị để thực hiện việc điều trị cho bệnh nhân".
Chủ tịch UBND TP đề nghị bằng mọi biện pháp, phải phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ và xét nghiệm nhanh; nhanh chóng phát hiện dươnng tính, cách ly nguồn bệnh; lấy mẫu xét nghiệm để phân loại; tổ chức khám chữa bệnh thành công.
Các cơ quan báo chí và hệ thống loa truyền thanh của phường, xã làm tốt công tác tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 để làm sao người dân nhận thức rằng chúng ta đang bước vào giai đoạn mới nguy hiểm hơn, nguy cơ lây nhiễm cao hơn.
Công khai minh bạch toàn bộ thông tin về công tác chỉ đạo của TP. Chủ tịch UBND TP khẳng định: Hiện nay, TP vẫn đang phản ứng nhanh với mọi tình huống và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Chủ tịch UBND TP TP khuyến cáo từ nay đến 5/4, nếu không có việc gì quan trọng, người dân nên ở nhà càng nhiều càng tốt. Nếu phải ra ngoài thì phải đeo khẩu trang nghiêm túc; nếu đi bộ phải giữ khoảng cách với nhau.
Khuyến khích các công ty làm việc trên hình thức trực tuyến, làm dịch vụ công trực tuyến; giảm đáng kể các cuộc họp không cần thiết, giữ khoảng cách trong phòng họp.
Các cơ quan đơn vị phải thực hiện nghiêm túc việc đo thân nhiệt, có dung dịch sát khuẩn tay. Các trung tâm thương mại thực hiện tốt việc phòng ngừa, giữ an toàn cho khách hàng và nhân viên, thường xuyên khử khuẩn.
Hiện nay những người cách ly tập trung đang được đảm bảo các điều kiện tốt để cách ly. Vì vậy, Chủ tịch UBND TP đề nghị các gia đình có thân nhân đang cách ly tập trung không nên gửi đồ ăn, vì rất có thể trong quá trình gửi đồ sẽ gây ra nguy hiểm vì đồ ăn chưa được khử khuẩn. Các đơn vị quản lý cũng không nhận các đồ ăn, đồ dùng mà người nhà gửi cho người đang thực hiện cách ly.
Yêu cầu các bệnh viện, phòng y tế các quận huyện đang tổ chức cách ly và khám chữa bệnh phải đảm bảo thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế phải thiết lập 3 vòng: Vòng 1 là bác sĩ, y tá và người phục vụ; Vòng 2 tương tự vòng 1; Vòng 3 tiếp tế cho vòng 2. Tất cả nhân viên của 3 vòng này phải được bố trí ở riêng, cách ly 14 ngày và không được trở về nhà, tránh trường hợp lây nhiễm cho gia đình. Ngoài ra, sau khi các bệnh nhân dương tính đã khỏi bệnh và xuất viện, các bác sĩ thực hiện khám chữa vẫn phải thực hiện cách ly đủ 14 ngày nữa, và không được tiếp xúc với người khác.
Chủ tịch UBND TP đề nghị Công an TP phải bố trí riêng đối với những trường hợp phạm nhân mới vào, không để ở chung với các trường hợp cũ. Đồng thời giảm thăm nhân thân trong giai đoạn này, gửi quà bằng tiền…
Bí thư tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, kiểm tra rà soát trang thiết bị, vật tư, con người, luôn có đủ nguồn lực đáp ứng trong tình huống xấu nhất của dịch bệnh.
Chủ tịch UBND TP khuyến nghị công dân Hà Nội hạn chế đi lại tại các tỉnh thành, khu du lịch, công tác, tại các cửa khẩu.