63 tấm gương giáo viên tiêu biểu được vinh danh.
Áp lực từ những cuộc thi hình thức
Tại các buổi gặp mặt với các bộ, ngành, chức năng, các thầy, cô giáo đã nêu lên nhiều kiến nghị như: giảm tải áp lực cho giáo viên trong các cuộc thi sáng kiến sáng tạo, giáo viên dạy giỏi, có cơ chế luân chuyển cán bộ công tác tại vùng đặc biệt khó khăn phù hợp; có chính sách đảm bảo chế độ cho giáo viên và học sinh vùng cao; tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ tạo việc làm cho đồng bào vùng cao đảm bảo cuộc sống để học sinh có điều kiện đi học...
Cô giáo Mùa Thị A (Trường Mầm non Hoa Đào, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) bày tỏ: “Học sinh mỗi vùng dân tộc thiểu số bên cạnh những khó khăn chung thì có những hạn chế riêng. Việc áp dụng chương trình dạy kiến thức chung gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có những kiến thức phù hợp với từng vùng miền.
Ngoài ra, học sinh vùng dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn. Nhiều em không có đủ tiền để mua sách vở. Tôi rất mong các cấp, các ngành có chính sách hỗ trợ, phát sách cho học sinh vùng dân tộc thiểu số”.
Chung quan điểm, thầy giáo Nguyễn Quang Trung (THCS Quảng Hòa, Đắk Nông) thẳng thắn bày tỏ thực trạng, thực hiện việc tinh giản biên chế, số lượng giáo viên phụ trách lớp đã theo quy định. Tuy nhiên, có nhiều cuộc thi dành cho giáo viên đã ảnh hưởng đến việc đảm bảo thời gian giảng dạy cho học sinh trên lớp.
Dù giáo viên có lịch dạy bù nhưng vẫn không đảm bảo chất lượng bằng việc dạy như đúng quy định. Thầy Trung đề nghị, ngành Giáo dục cần giảm số lượng cuộc thi dành cho giáo viên. Đồng thời, cần giảm số lượng hồ sơ sổ sách mang tính hình thức để giảm gánh nặng cho giáo viên chủ nhiệm. Bởi vì giáo viên chủ nhiệm không chỉ dạy, quản lý mà còn phải đảm nhiệm việc kiểm tra các chế độ dành cho học sinh.
Còn cô Lương Thị Hòa, giáo viên âm nhạc kiêm Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học và THCS Cao Sơn, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) chia sẻ câu chuyện cô sụt 10kg sau khi tham gia bốn kỳ thi giáo viên giỏi âm nhạc cấp huyện, tỉnh và giáo viên tổng phụ trách đội giỏi cấp huyện tháng 3 năm ngoái.
Giáo viên này cũng mong muốn các kỳ thi giáo viên dạy giỏi được giảm tải, nhất là để loại trừ tính thành tích trong thi đua, đặc biệt là những người dạy ở vùng đặc biệt khó khăn, để thầy, cô tập trung giảng dạy và quan tâm nhiều hơn đến học sinh.
Tương tự, cô giáo Hà Thị Hiền (Trường Tiểu học và THCS Phú Cường, Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) cho biết: “Hiện nay, ở Trường Phú Cường trung bình 40 học sinh/lớp. Tuy nhiên, học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, tiếp nhận kiến thức hơn so với những học sinh ở vùng thuận lợi.
Có những em học sinh lớp 7 do tôi phụ trách, khả năng đọc còn chậm hơn so với con tôi đang học cấp 1 ở thị trấn. Có học sinh hôm nay kiểm tra đọc thuộc bài “Nam quốc sơn hà” là một bài rất ngắn, nhưng ngày mai lại quên. Tôi đề nghị giảm sĩ số học sinh trong một lớp để giáo viên có điều kiện quan tâm, kèm cặp các em học sinh được tốt hơn”.
Bày tỏ sự thấu hiểu trước áp lực của giáo viên, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT thừa nhận: “Thời gian qua nhiều cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp mang tính chất diễn, một giờ dạy giỏi được diễn đi diễn lại nhiều lần, làm tính chất cuộc thi này khác đi, mục tiêu của cuộc thi giáo viên dạy giỏi không còn trong sáng nữa.
Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đang rà soát tất cả Thông tư quy định về giáo viên dạy giỏi, từ đó xây dựng Thông tư mới, hướng đến việc xét và công nhận danh hiệu này qua cả một quá trình, bởi “một giờ dạy không đủ quyết định giáo viên đó có giỏi hay không”.
Vượt lên tất cả vì tình yêu học sinh
Tại buổi gặp gỡ và chia sẻ, 63 thầy, cô mang theo 63 câu chuyện khác nhau, chan chứa tình thầy trò, với bản làng nơi mình gieo con chữ cho học sinh dân tộc thiểu số…
Những phần quà chia sẻ cùng giáo viên vùng sâu, vùng xa.
Cô giáo Lương Thị Hòa (SN 1986), là giáo viên môn Âm nhạc với gần 12 năm gắn bó với các học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình không giấu nổi sự xúc động khi nhắc đến những kỷ niệm với học trò: “Bất cứ nơi nào mình đi qua, dùng chính tình yêu để dạy cho học sinh, như mang đến những món quà của cuộc sống. Nhiều người nói rằng, giáo viên mong mỏi đến ngày 20/11 để nhận quà, nhưng bản thân tôi, chưa một lần được nhận những món quà vật chất. Tôi yêu điều đó, chính bản thân tôi cũng không bao giờ để con tôi mang phong bì đến tặng cô giáo. Nhiều phụ huynh cứ “làm hư” giáo viên rồi lại trách giáo viên”.
Thời điểm mới ra trường, do đồng lương eo hẹp, cô Hòa phải đi làm thêm rất nhiều công việc vào các dịp hè ở các nhà hàng: “Tôi ở thành phố, nhà cách trường hơn 50km, ngày nào cũng đều đặn sáng đi tối về, không kể nắng mưa. Tôi quá yêu những ngôi trường xa xôi, quá yêu thương các em học sinh ở đó, mới gắn bó, không thể rời xa...”, nữ giáo viên vùng cao chia sẻ.
Thầy Ksor Giêng, giáo viên tại Trường Tiểu học và THCS EA Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên cũng chia sẻ: “Từ ngày ra trường, tôi về nhận công tác ở đây đã 10 năm. Nhà tôi cách trường 50km, vợ tôi cũng tốt nghiệp Khoa Văn nhưng khả năng xin việc hiện nay chắc rất khó. Hiện cuộc sống khá vất vả với đồng lương eo hẹp nuôi hai con nhỏ, thế nhưng, dường như việc gắn bó với ngôi trường này cũng đã trở thành niềm hạnh phúc của chúng tôi.
Mặc dù chưa bao giờ nhận được những món quà vật chất nhưng tình cảm của các em học sinh thì dạt dào. Ngày 20/11 vài năm lại đây các em mới biết tặng thầy, mỗi em một bông hoa… nhựa. Các em quý thầy, cô, có những em sau khi tốt nghiệp mấy năm vẫn còn nhớ, hỏi thăm thầy. Tôi trân quý điều đó”.
Một tấm gương khác là thầy giáo Lê Minh Trung, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) tốt nghiệp đại học sư phạm năm 1999, cố gắng trụ lại thành phố Hồ Chí Minh để có điều kiện học tập nâng cao trình độ. Tuy nhiên, sau 7 năm dạy hợp đồng tại các trường ở thành phố Hồ Chí Minh, thầy Trung về quê và được nhận vào làm việc tại Sở GD-ĐT Tây Ninh dưới dạng tạo nguồn, không có biên chế.
Khó khăn chồng chất khi vợ sinh lần 2 với hai bé trai song sinh, trong đó có một cháu bị bại não, phải điều trị liên tục tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 từ năm 2008 đến nay. Cuộc sống vô vàn khó khăn nhưng thầy Trung vẫn bám trường, bám lớp.
Tháng 2/2011, thầy Trung được tuyển dụng làm giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh. Năm học 2011-2012 là năm học đầu tiên của trường. Đây là trường 2 cấp học, thường xuyên có trên 500 học sinh thuộc 12 đến 14 dân tộc từ lớp 6 đến lớp 12 sinh hoạt và học tập.
Sau 8 năm hoạt động, thầy trò nhà trường đã dần hoàn thiện và đạt một số thành tích đáng khích lệ như 3 năm liền đều có học sinh đạt giải cấp tỉnh môn văn hóa; 3 năm liền tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%; đạt nhiều giải trong các hội thao quốc phòng, hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh. Hiện nay, các em rất hòa đồng và thân thiện, không còn rụt rè, nhút nhát như những ngày đầu đến trường.
Thầy Trung bày tỏ mong muốn: “Trước sự tiến bộ của các em, là một trong những người trực tiếp nuôi dạy các em từ những ngày đầu, tôi rất phấn khởi, mong rằng trong thời gian tới cha mẹ các em nâng dần ý thức về việc học tập của con mình để hỗ trợ nhà trường tốt hơn trong việc nuôi dạy các em; học sinh ngày càng tiến bộ trong học tập, ý thức tốt trong sinh hoạt”…
Tặng sổ tiết kiệm cho giáo viên
Từ năm 2015-2018, triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã tuyên dương 214 thầy giáo, cô giáo công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.
Năm 2019, chương trình tuyên dương 63 giáo viên, trong đó có 23 giáo viên là người dân tộc thiểu số đang trực tiếp giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học và THCS ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Mỗi thầy, cô giáo được tuyên dương năm nay sẽ được nhận một sổ tiết kiệm 10 triệu đồng; Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, biểu trưng của chương trình và các hình thức khen thưởng khác của Ủy ban Dân tộc và Bộ GD-ĐT. |