Còn gần 70.000 tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn trong năm 2024

06/06/2024 13:01

Kinhte&Xahoi Trong 7 tháng còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 163.905 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 69.627 tỷ đồng, chiếm đến 42,5% tổng giá trị.

Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa qua đã công bố Báo cáo thị trường trái phiếu tháng 5/2024, với tổng hợp dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày công bố thông tin 01/6/2024.

Trong đó, có thể thấy áp lực đáo hạn trái phiếu trong lĩnh vực bất động sản tại năm 2024 vẫn còn khá lớn.

THÁNG 5, CÓ 19 ĐỢT PHÁT HÀNH TPDN RIÊNG LẺ

Theo dữ liệu tổng hợp của VBMA, đã có 19 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 16.695 tỷ đồng trong tháng 5/2024 và không có đợt phát hành ra công chúng nào - tính đến ngày công bố thông tin 01/6/2024.

Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 58 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 51.032 tỷ đồng và 6 đợt phát hành ra công chúng trị giá 8.878 tỷ đồng.

Như vậy, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm 2024 đến nay là khoảng 59.910 tỷ đồng.

Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Đơn vị: Tỷ đồng - Số liệu: VBMA tổng hợp)

Trong số các đợt phát hành riêng lẻ, các trái phiếu đã được xếp hạng tín nhiệm chiếm 8,5% giá trị.

Cũng theo số liệu của VBMA tổng hợp, trong tháng 5/2024, các doanh nghiệp đã mua lại 9.178 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ của năm 2023.

CÒN GẦN 70 NGHÌN TỶ ĐỒNG TRÁI PHIẾU BĐS ĐÁO HẠN TRONG NĂM 2024

 Báo cáo của VBMA cho biết, trong 7 tháng còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 163.905 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Đáng chú ý, trong đó phần lớn đến từ trái phiếu bất động sản với 69.627 tỷ đồng, tương đương 42,5% tổng giá trị. Có thể thấy, áp lực đáo hạn trái phiếu trong lĩnh vực bất động sản tại năm 2024 vẫn còn khá lớn.

Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn (Đơn vị: Tỷ đồng - Số liệu: VBMA tổng hợp)

Được biết, Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về quản lý, giám sát việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.

Dẫn dữ liệu tình hình trái phiếu đang lưu hành đến ngày 31/12/2023 theo HNX, Bộ Tài chính thông tin, tổng dư nợ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản là 351.390 tỷ đồng.

Để giảm áp lực nợ trái phiếu trong năm nay và các năm tiếp theo, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản theo Nghị quyết 33 năm 2023 của Chính phủ.

Trong đó, kịp thời rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý và trong triển khai thực hiện dự án, nhất là các doanh nghiệp có trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 để các doanh nghiệp hoàn thiện dự án, đưa sản phẩm ra thị trường, khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp, qua đó góp phần ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Về tình hình công bố thông tin bất thường, VBMA cho biết, có 10 công bố chậm trả gốc, lãi mới trong tháng với giá trị 8.781 tỷ đồng và 6 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc. Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 5 đạt 97.581 tỷ đồng.

Tính bình quân đạt 4.435 tỷ đồng/phiên trong tháng 5/2024, tăng 23% so với bình quân của tháng 4.

Về kế hoạch phát hành sắp tới, VBMA thông tin cho biết HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 2 trong năm 2024 với tổng giá trị tối đa 6 nghìn tỷ đồng.

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/ trái phiếu, kỳ hạn trên 5 năm.

Cùng với đó, HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDB) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 1 năm 2024, được chia thành đợt 1 và đợt 2 với tổng giá trị tối đa lần lượt là 8.000 tỷ đồng và 12.000 tỷ đồng.

Thực hiện: Lê Hải

Theo Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống từ sen Tây Hồ

Hồ Tây đã từ lâu nổi tiếng với thương hiệu sen Hồ Tây hay còn gọi là sen Bách Diệp. Nhưng từ năm 2018 đến nay, do những sự thay đổi của thời tiết, chất lượng nước… khiến diện tích trồng sen để làm nguyên liệu cho nghề ướp chè sen bị thu hẹp. Do đó, việc khôi phục và phát triển nghề trồng sen là hết sức cần thiết nhằm tạo cảnh quan quanh Hồ Tây cũng như việc phát triển nghề ướp chè sen cũng như các sản phẩm có liên quan đến sen.

Đừng để lễ hội dân tộc bị “mất gốc” văn hóa

Một số lễ hội dân tộc được phục dựng chỉ để phục vụ, thu hút khách du lịch, nhiều yếu tố trong lễ hội được làm mới, xa lạ với truyền thống địa phương. Cách thức tổ chức nhiều lễ hội dân gian chưa tốt, thậm chí lộn xộn, gây bất bình cho người dân lẫn du khách.

link bài gốc https://phapluatplus.vn/con-gan-70000-ty-dong-trai-phieu-cua-cac-doanh-nghiep-bat-dong-san-se-dao-han-trong-nam-2024-199784.html