Gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống từ sen Tây Hồ

06/06/2024 08:38

Kinhte&Xahoi Hồ Tây đã từ lâu nổi tiếng với thương hiệu sen Hồ Tây hay còn gọi là sen Bách Diệp. Nhưng từ năm 2018 đến nay, do những sự thay đổi của thời tiết, chất lượng nước… khiến diện tích trồng sen để làm nguyên liệu cho nghề ướp chè sen bị thu hẹp. Do đó, việc khôi phục và phát triển nghề trồng sen là hết sức cần thiết nhằm tạo cảnh quan quanh Hồ Tây cũng như việc phát triển nghề ướp chè sen cũng như các sản phẩm có liên quan đến sen.

Trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024,nhiều hoạt động diễn ra như diễu hành đường phố với chủ đề “Sắc Sen”, tổ chức các đêm nhạc, thơ và cuộc thi ảnh chụp cùng hoa... (Nguồn ảnh: bffmedia)

Để khôi phục và phát triển nghề trồng sen, quận Tây Hồ đang phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả và Trung tâm Khuyến nông TP Hà Nội thực hiện dự án Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội.

Theo đó, 3 đơn vị sẽ phối hợp trồng sen chất lượng cao trên diện tích là 7,5 ha tại hồ Đầu Đồng, Thủy Sứ trên (phường Quảng an) và các hồ Ao Sen 1, Ao Sen 2 (phường Nhật Tân).

Các sản phẩm từ sen là hoa để ướp chè, hoa để trang trí và hạt để làm thực phẩm gắn với phát triển du lịch. Sen Hồ Tây đã được công nhận sở hữu trí tuệ, đây là loại sen đặc biệt, có tới 100 cánh.

Nhằm khai thác, quảng bá tiềm năng sản vật địa phương, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống từ sen, cũng như đẩy mạnh sức tiêu thụ trong nước, trở thành quà tặng được du khách quốc tế, đại sứ các nước lựa chọn, theo thông tin từ UBND quận Tây Hồ, trong 5 ngày của tháng 7/2024, Hà Nội sẽ lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội quy mô lớn tại Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ bao gồm nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, tôn vinh nghề trồng sen, các sản phẩm từ sen. Ba đơn vị cùng phối hợp tổ chức Lễ hội Sen năm 2024 là Sở NN và PTNT Hà Nội, UBND quận Tây Hồ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố

Sự kiện đầu tiên khai mạc Lễ hội Sen năm 2024 là Hội chợ OCOP - Sen Hà Nội và triển lãm ảnh với chủ đề "Sen trong đời sống văn hoá Việt".

Tại lễ khai mạc, Ban tổ chức sẽ tiến hành tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người gìn giữ, phát triển nghề trồng sen gắn với phát triển du lịch nông nghiệp trải nghiệm và quảng bá sản phẩm địa phương; trao thưởng cho các các đơn vị có sản phẩm sen tiêu biểu.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024, lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - nghề ướp trà sen Tây Hồ cũng sẽ được tổ chức.

Cùng với đó là nhiều hoạt động khác bên lề lễ hội như diễu hành đường phố với chủ đề “Sắc Sen”, tổ chức các đêm nhạc, thơ và cuộc thi ảnh chụp cùng hoa...

Hồng Minh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đừng để lễ hội dân tộc bị “mất gốc” văn hóa

Một số lễ hội dân tộc được phục dựng chỉ để phục vụ, thu hút khách du lịch, nhiều yếu tố trong lễ hội được làm mới, xa lạ với truyền thống địa phương. Cách thức tổ chức nhiều lễ hội dân gian chưa tốt, thậm chí lộn xộn, gây bất bình cho người dân lẫn du khách.

link bài gốc https://phapluatplus.vn/gin-giu-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-tu-sen-tay-ho-199758.html