Còn nhiều tồn đọng ở các dự án chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước

04/03/2020 10:40

Kinhte&Xahoi Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, trong 19 tập đoàn, tổng công ty chuyển về Ủy ban vẫn còn nhiều nhiệm vụ tồn đọng, bất cập cần tháo gỡ.

Đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trả lời các câu hỏi của báo chí. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Trả lời câu hỏi Chính phủ có những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của một số tập đoàn, tổng công ty khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, nhất là trong việc triển khai chậm tiến độ các dự án, dẫn đến một số đơn vị như Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xin về lại Bộ Giao thông Vận tải nhưng chưa được giao dự toán ngân sách, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 tổ chức chiều 3/3, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, trong 19 tập đoàn, tổng công ty chuyển về vẫn còn nhiều nhiệm vụ tồn đọng, bất cập cần tháo gỡ.

Theo bà Nguyễn Thị Phú Hà, thực hiện Nghị định 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 29/9/2018 là 19 tập đoàn, tổng công ty được bàn giao nguyên trạng từ 5 bộ về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong quá trình thực hiện, Ủy ban nhận được biên bản bàn giao từ các bộ về có 259 nhiệm vụ dở dang; trong đó còn rất nhiều nhiệm vụ theo nguyên tắc phải thực hiện từ các cơ quan chủ sở hữu đã thông qua, phê duyệt trước năm 2017, tức là trước khi được chuyển về Ủy ban.

Trong năm 2019, có rất nhiều nhiệm vụ triển khai trước năm 2017 nhưng chưa được các cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện; trong đó có một số dự án lớn. Có dự án triển khai cách đây 10 năm, 20 năm, đến nay có vấn đề nảy sinh.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà nhấn mạnh, theo nguyên tắc khi chuyển giao cần chuyển giao nguyên trạng. Với mỗi dự án, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước yêu cầu triển khai theo đúng trình tự thủ tục, pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành.

“Chúng tôi chiếu theo quy định thì một số dự án không phù hợp, không hiệu quả thì phải yêu cầu làm rõ. Có những doanh nghiệp, tập đoàn chưa quen cách triển khai của Ủy ban, nhưng chúng tôi yêu cầu phải bảo toàn vốn, phải có hiệu quả. Khi không hiệu quả chúng tôi yêu cầu phải báo cáo”, bà Hà nói.Theo bà Hà, hiện đang có 5 tập đoàn, tổng công ty sử dụng vốn ngân sách nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thì hiện nay vốn ngân sách nhà nước vẫn đang giao về Tập đoàn để triển khai các dự án đầu tư cũng như các dự án liên quan đến chuyển tải, nối điện về nông thôn.

Đồng thời, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng vẫn bố trí vốn cho các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số dự án thuộc Tổng Công ty Thuốc lá về vốn giải phóng mặt bằng… thì không có vấn đề gì. Nhưng có 2 đơn vị là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam, từ trước đến nay các dự án này được giao vốn qua Bộ Giao thông Vận tải, với các dự án có liên quan đến bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt.

Về vận tải đường sắt, mặc dù Tổng Công ty đã về Ủy ban từ tháng 10/2018, nhưng kế hoạch năm 2019 về giao dự toán vẫn là do Bộ Giao thông Vận tải giao vốn bình thường.

Tuy nhiên, liên quan đến bảo trì kết cấu hạ tầng, yêu cầu đặt ra là theo cơ chế đặt hàng. Ở đây có 2 luồng ý kiến, một là vẫn triển khai như những năm trước và luồng thứ hai là theo cơ chế đặt hàng. Nhưng nếu thực hiện theo cơ chế đặt hàng theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn vốn kinh phí chi thường xuyên, thì dù ở Ủy ban Quản lý vốn nhà nước hay Bộ Giao thông Vận tải vẫn phải thực hiện theo cơ chế chung. Các bộ và cơ quan ngang bộ đều có quyền đặt hàng nhiệm vụ dịch vụ công ích, kể cả các cá nhân thực hiện việc này.

Bà Hà cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước họp xem xét lại câu chuyện hợp pháp lý.

Về vốn đường cao tốc Việt Nam, hiện nay Quốc hội đã giao dự toán ngân sách cho Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) nhưng hiện chưa có vốn giải ngân. Theo bà Hà, trước kia VEC dự kiến vay lại toàn số vốn này để đầu tư các dự án đường cao tốc và không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, nhưng sau 8 năm thực hiện thấy rằng nguồn thu sẽ không đủ bởi vốn cho các dự án cao tốc là rất lớn.

VEC đã có giải trình và Chính phủ đã quyết định cơ cấu lại vốn cho VEC. Tuy nhiên đến nay thực hiện theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội đang chưa cho phép chuyển nguồn vốn vay lại thành vốn cấp, đang phải xin các cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện nội dung này. Do vậy, từ năm  2019 VEC có về Ủy ban hay ở tại Bộ Giao thông Vận tải thì cũng không được giao vốn ngân sách nhà nước này./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhộn nhịp chợ 'lộc biển'

Tờ mờ sáng, chợ ruốc biển ở bãi biển Mân Thái (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã nhộn nhịp. Chợ ruốc họp từ tháng 11 đến hết tháng 3 âm lịch, chỉ bán duy nhất một mặt hàng là ruốc biển, nhưng lúc nào cũng tấp nập người mua kẻ bán.

Theo TTXVN/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/con-nhieu-ton-dong-o-cac-du-an-chuyen-giao-ve-uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-d118570.html