Nhộn nhịp gian hàng bán thổ cẩm tại chợ phiên Sin Suối Hồ
Chợ phiên vùng cao Sin Suối Hồ được họp tại bản Sin Suối Hồ, cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng chừng 35km. Khi bản Sin Suối Hồ được công nhận là bản du lịch cộng đồng, người dân trong bản đã tự họp với nhau, bàn bạc việc xây dựng chợ với mục tiêu chợ vừa là nơi trao đổi, mua bán và vừa để thu hút thêm khách du lịch đến địa phương. Hình thành từ năm 2014 và phát triển đến bây giờ, lượng khách du lịch đến với bản cũng nhiều hơn.
Ấn tượng đầu tiên tại phiên chợ này là không khí mua sắm rất đông vui, nhộn nhịp, các mặt hàng chủ yếu là nông sản của núi rừng hay sản vật do bà con làm ra khá đa dạng, phong phú. Từng tốp chàng trai, cô gái người Mông trong trang phục truyền thống cùng bước về phía chợ ngoài mục đích để mua bán thì còn để đi chơi, đi hội, được giao lưu, trò chuyện, gặp gỡ bạn bè...
Ban đầu, chợ phiên Sin Suối Hồ được xây dựng nên nhằm giúp bà con xóa bỏ tư tưởng tự cung tự cấp, quen với cách buôn bán để tạo ra các sản phẩm nông sản mang tính hàng hóa, cải thiện kinh tế. Đến nay, hoạt động của chợ đã và đang góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân nơi đây, mỗi phiên chợ các hộ kinh doanh thường thu về trên dưới 2 triệu đồng tiền lãi/gian hàng.
Các sản phẩm được bày bán chủ yếu là nông sản
Những ngày đầu xây dựng, chỉ có 5 đến 7 chiếc lán nhỏ, người dân trong bản đã tự họp với nhau, bàn bạc việc xây dựng chợ, trưởng bản Vàng A Chỉnh là người tiên phong hiến 1.000 m2 đất để làm chợ. Các hộ được huy động để trồng cây xanh, kê đá, đóng cọc dựng các gian hàng trong chợ. Cho đến thời điểm hiện tại, bà con đã mở rộng được hơn 70 gian hàng.
Các gian hàng bày bán nhiều loại nông sản, quần áo, túi, mũ thổ cẩm của người Mông. Bên cạnh đó, còn có các loại đồ chơi làm bằng gỗ, tre nứa cho trẻ em, các dịch vụ ăn uống cũng phát triển, được bố trí hợp lý, thuận tiện cho cả người mua và người bán.
Gian hàng bày bán nông cụ, đồ rèn thủ công
Để phiên chợ an toàn, lành mạnh, chính quyền xã đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức các lớp tập huấn về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và phòng chống cháy nổ cho bà con. Đồng thời chưa thu phí chợ đối với các hộ kinh doanh mà chỉ tuyên truyền nhắc nhở bà con kinh doanh lành mạnh, đảm bảo giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc và các yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Một phiên chợ phụ vào ngày thứ 4, dù bận việc ngày mùa đồng áng hay lên nương bà con cũng đều bố trí về chợ để giao lưu, thưởng thức những tiết mục hát, múa khèn, múa lá do đội các văn nghệ xã thể hiện. Qua đó, từng bước khơi dậy bản sắc văn hóa, lòng tự tôn, tự hào của đồng bào dân tộc Mông.