Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị đề nghị 10-11 năm tù

24/04/2021 11:52

Kinhte&Xahoi Ông Vũ Huy Hoàng bị đại diện Viện KSND TP Hà Nội đề nghị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt từ 10-11 năm tù.

Sáng 24/4, phiên xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng đồng phạm trong vụ án "đất vàng" Sabeco kết thúc phần xét hỏi, bước vào phần tranh luận. Mở đầu, đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại tòa nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án cụ thể đối với các bị cáo.

Theo đó, Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương: 10-11 năm tù; Phan Chí Dũng, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương: 7-8 năm tù. với tội  "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"

Các bị cáo tại tòa sơ thẩm.

Với tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai": Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM: 5-6 năm tù; Lâm Nguyên Khôi, cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM: 4-5 năm tù; Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM: 4-5 năm tù.

Cùng tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai": Lê Văn Thanh, cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM: 3-4 năm tù; Lê Quang Minh, cựu Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM: 3-4 năm tù; Nguyễn Thanh Chương, cựu Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TPHCM: 3-4 năm tù; Trương Văn Út, cựu Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM: 3-4 năm tù; Nguyễn Lan Châu, cựu chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM: 2-3 năm tù.

Theo đại diện VKS, vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và TPHCM là vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm.

Hầu hết các bị cáo trong vụ án là những người giữ vị trí lãnh đạo đầu ngành, cán bộ chủ chốt của Bộ Công Thương và UBND TPHCM; có trình độ chuyên môn và hiểu biết trong lĩnh vực công tác. Các bị cáo được phân công nhiệm vụ quản lý ngành Công Thương trên toàn quốc và quản lý, phát triển kinh tế - xã hội ở đô thị lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên, vì những động cơ khác nhau các bị cáo đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài; cố ý vi phạm các quy định về quản lý tài sản Nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý đất đai...

Đối với bị cáo Vũ Huy Hoàng, VKS nhận định, ông Hoàng là người có trình độ, kinh nghiệm và kiến thức trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế, công nghiệp và thương mại. Bị cáo được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Công Thương, có nhiệm vụ lãnh đạo và quản lý toàn diện các mặt công tác của Bộ Công Thương, thường xuyên tham dự họp Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về quản lý ngành Công Thương; thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác thuộc Bộ Công Thương quản lý, trong đó có Sabeco....

Hành vi của bị cáo Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm ở Bộ Công Thương đã vi phạm quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.700 tỷ đồng.

Theo đại diện VKS, trong vụ án này, bị cáo Vũ Huy Hoàng phạm tội với vai trò chính, trực tiếp.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khai không tác động Sabeco thoái vốn

Trước đó, chiều 23/4, phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và 9 bị cáo khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” tiếp tục diễn ra.

Sau bục khai báo, bị cáo Vũ Huy Hoàng đã trả lời nhiều câu hỏi của luật sư. Theo lời trình bày của ông Hoàng, ngày 8/4/2016 ông được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương. “Cùng ngày, Chủ tịch nước ký Quyết định bãi miễn tôi là Bộ trưởng Bộ Công Thương”, ông Hoàng nói và cho biết sau bãi miễn, ông không hề tham gia bất cứ công việc gì của Bộ hay công việc liên quan đến Sabeco. 

Bị cáo Vũ Huy Hoàng tại tòa.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng khẳng định bản thân không có tác động, can thiệp hay gây ảnh hưởng tới việc thoái vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl vì không có vị thế gì,  cũng không có động cơ mục đích gì. “Nếu cần thiết có thể hỏi Sabeco hay Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco xem tôi có tác động thoái vốn hay không”, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.

Nói về việc thoái vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl, bị cáo Hoàng cho rằng thực hiện theo chủ trương của Chính phủ thoái vốn ngoài ngành, do các nhà đầu tư yêu cầu và do Sabeco thấy tiếp tục triển khai dự án không khả thi vì vốn liếng ngày càng tăng. Khi đó, Bộ Công Thương có hỏi Sabeco. 

“Sau khi có ý kiến của HĐQT Sabeco, sau phân tích lợi ích, rủi ro, Sabeco đề nghị Bộ cho phép thoái vốn. Căn cứ đề nghị như vậy, chúng tôi đồng ý về mặt chủ trương”, bị cáo Hoàng nói và cho biết còn có yêu cầu Sabeco phải đảm bảo lợi ích nhà nước cao nhất. Sabeco đã làm phương án sơ bộ thoái vốn đồng thời họ đề nghị nếu như thoái vốn vẫn cần nơi để làm trụ sở. “Chúng tôi thấy về mặt chủ trương đây là đề xuất của HĐQT phù hợp với chủ trương nhà nước nên chúng tôi đồng ý. Họ đã trình phương án sơ bộ để thoái vốn”, bị cáo Vũ Huy Hoàng nói.

Căn cứ ý kiến, Vụ Công nghiệp nhẹ đề xuất cuộc họp có nội dung xem xét chủ trương thoái vốn và đầu tư trụ sở mới. Do Thứ trưởng Thoa đi vắng nên ông Hoàng chủ trì cuộc họp thay. Căn cứ cuộc họp, văn phòng Bộ có văn bản báo cáo và kết luận cuộc họp. Theo lời ông Hoàng, khi kết luận cuộc họp, ông có phát biểu lấy giá sàn làm căn cứ tham khảo làm giá khởi điểm để thoái vốn. Tuy nhiên, ông không kết luận giá nào mà chỉ nói Sabeco căn cứ quy định pháp luật xây dựng việc thoái vốn đảm bảo đúng pháp luật.

Ông Hoàng khẳng định, từ 1/4/2016 trở đi ông không tham gia bất kỳ công đoạn nào. “Ngày 30/5/2016, Sabeco mới xây dựng phương án thoái vốn chính thức, trong đó có giá, phương thức… Tháng 6 tổng công ty mới tiến hành đấu giá. 30/8 mới báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt. Toàn bộ quá trình thoái vốn tôi không tham gia, không can thiệp”, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương khai tại tòa.

 Duy Khương - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

COVID 19 - Thách thức hay cơ hội cho các sân chơi nghệ thuật?

Đại dịch Covid -19 đã hướng sự quan tâm của người dân toàn cầu vào những vấn đề cấp thiết như kinh tế, chính trị, xã hội,... Vì thế mà nghệ thuật dường như bị lãng quên, cùng tìm hiểu những khó khăn của người trong cuộc và cách họ “vượt khó” đưa sân khấu lại gần với khán giả nhé!

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/cuu-bo-truong-vu-huy-hoang-bi-de-nghi-10-11-nam-tu-d153999.html