Đắk Lắk: Lễ cúng mừng lúa mới của người M’Nông Gar

13/03/2019 10:52

Kinhte&Xahoi Ngày 12/3, Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk đăng tải thông tin về trình diễn Lễ cúng mừng lúa mới của người M’Nông Gar.

Thầy cúng và già làng cúng thần linh tại cây nêu
 

Tại buổi lễ, 5 già làng, thầy cúng, nghệ nhân và 26 thành viên các đội cồng chiêng, đội múa xoang là đồng bào M’nông Gar đến từ xã Đắk Phơi, huyện Lắk (Đắk Lắk) đã trình diễn nghi lễ cúng lúa mới truyền thống. Nghi lễ được tái hiện với hai phần, gồm: Phần lễ cúng thần linh và phần hội với các hoạt động diễn tấu chiêng, múa xoang.

   Thầy cúng cắt tiết gà lấy huyết pha với rượu để bôi lên các vật dụng trong nhà  

Đây là một trong những nghi lễ mang tính truyền thống văn hóa lâu đời của đồng bào M’nông Gar ở huyện Lắk. Nghi lễ nhằm cầu mong thần linh phù hộ con người có sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, buôn làng no ấm, yên vui. Ngoài ra, đây còn là dịp để mỗi thành viên và cả cộng đồng cùng gắn kết, giao hòa với thế giới tâm linh trong cuộc sống thực tại; thể hiện sự gắn kết giữa người với người, giữa người với thiên nhiên theo quan niệm “vạn vật hữu linh”.

  Thầy cúng gọi thần linh  

Trước khi tổ chức lễ cúng, mọi người trong buôn chuẩn bị các lễ vật gồm: cây nêu, 3 ché rượu cần, 1 con gà, 1 con heo, bếp lửa....; các đồ dùng hằng ngày và dụng cụ lao động sản xuất; các giống lúa, hạt giống cây trồng được thu hoạch từ trên nương rẫy. Ngay từ sáng sớm chuẩn bị lễ cúng, mọi thành viên trong gia đình đều tất bật mỗi người một công việc, con trai đi bắt heo, bắt gà, vịt làm thịt; con gái nhóm lửa, luộc măng chua, nấu cơm, giã bột gạo, giã măng chua.

 Chủ nhà chuẩn bị rượu mời thầy cúng.
Phụ nữ M’Nông luộc măng và gà dưới kho lúa chuẩn bị cho buổi lễ.  

Bắt đầu lễ cúng là nghi thức cúng thần linh. Theo đó, thầy cúng đứng trước cây nêu và đọc lời cúng: “Hỡi các thần! Thần núi cao, rừng xanh, vực sâu; thần sông mẹ, suối con, thần thác nước lớn nhỏ hãy về với gia đình chúng tôi để chung vui, cùng uống rượu, mừng ăn cơm mới. Chúng tôi cúng các thần con heo 3 gang, con gà trống, 3 ché rượu cầu mong năm tới phù hộ cho gia đình, buôn làng được mùa màng bội thu, lúa đầy kho, bắp đầy nhà và cây trồng phát triển tươi tốt,…”.

  Múa “mừng mùa xuân mới” của người M’Nông  

Ngay sau đó là lễ cúng Lúa Mới và cúng sức khỏe cho già làng ngay tại kho lúa. Tại đây, già làng đưa cho thầy cúng con gà. Vừa cắt tiết gà, thầy cúng vừa đọc lời khấn mong thần linh phù hộ cho người dân trong buôn được ấm lo, cây trồng nảy mầm tốt đều, lớn nhanh, xua đuổi con thú không phá hoại mùa màng.  

Thổi đinh năm (Uk mbuôt) và múa “Mừng lúa mới được mùa”  

Để cảm ơn thầy cúng đã mời các thần linh về chứng giám lễ cúng lúa mới, già làng mời thầy cúng uống rượu cần. Đồng thời, già làng đổ rượu cần vào kho lúa, cho rượu chảy từ sàn kho lúa xuống và phía dưới sàn kho, một người phụ nữ ngồi để hứng những giọt rượu chảy xuống với ý nghĩa cầu mong thần linh phù hộ cho già làng, lúa thóc đầy kho, ngô khoai đầy nhà…

Mời du khách thưởng thức rượu cần và hòa cùng nhịp xoang M’Nông  

Sau đó, già làng bôi huyết gà pha với rượu quét lên tất cả các vật dụng trong nhà và bôi lên cổ các thành viên trong gia đình để cầu chúc cho mọi người sức khỏe, gia đình hạnh phúc, mùa màng bội thu…

Bôi bột gạo và huyết gà vào cổ để cầu chúc sức khỏe  

Kết thúc lễ cúng, thầy cúng mời già làng, bà con và mọi người cùng ăn, uống rượu cộng cảm, kể chuyện, vui đùa, chúc nhau mừng lúa mới… cùng tiếng cồng chiêng và những điệu hát suốt ngày, thâu đêm.

Buổi lễ diễn ra trong tiếng cồng chiêng rộn rã  

 

Theo Phapluatplus.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giải pháp nào cho Hội phết Hiền Quan?

Lễ hội vừa qua, do không thực hiện đúng với cam kết với tỉnh Phú Thọ và ngành văn hóa, nội dung tranh phết đã bị đình chỉ. Qua đó, vấn đề đặt ra là làm gì và làm như thế nào để Hội phết Hiền Quan thật sự trở về nguyên gốc với những giá trị nhân văn tốt đẹp.