Năm 2022, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đô thị.
Tạo chủ động cho cơ sở
Ngày 6-9-2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp trong bộ máy chính quyền địa phương, vừa tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính tích cực, chủ động cho cơ sở, vừa bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt của chính quyền thành phố.
Việc phân cấp, phân quyền thể hiện rõ nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm cho biết, căn cứ các quyết định của Chủ tịch UBND thành phố về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch, quận có cơ sở pháp lý để chủ động triển khai nhiều biện pháp chống dịch mạnh mẽ, phù hợp với tình hình thực tiễn và đạt hiệu quả cao. Trong đó, việc đầu tư mua sắm vật tư phòng, chống dịch; đầu tư cho trạm y tế lưu động… đã chủ động hơn.
Bước vào giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội cũng giao các địa phương chủ động đánh giá cấp độ dịch trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất có thể trên cơ sở quy định của Chính phủ, Bộ Y tế để kịp thời điều chỉnh, bổ sung biện pháp hành chính phù hợp. Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng, việc phân quyền cho các địa phương trong đánh giá cấp độ dịch, áp dụng biện pháp hành chính là phù hợp với tình hình mỗi địa bàn, từ đó mang lại hiệu quả trong thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Việc áp dụng phân cấp, phân quyền cho các đơn vị, địa phương trong đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ cũng tạo chuyển biến tích cực. Chia sẻ về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 99,9% của địa phương trong năm 2021, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, hằng tháng, lãnh đạo quận đều tổ chức họp tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu thi công các công trình xây dựng. Ngoài ra, quận yêu cầu ban quản lý dự án, nhà thầu hoàn thiện thủ tục thanh toán ngay sau khi có khối lượng được nghiệm thu, không dồn khối lượng thanh toán vào cuối năm.
Mới đây, nhằm chấn chỉnh tình trạng lộn xộn và loạn giá trông xe máy, ô tô tại ga đường sắt đô thị Cát Linh, thực hiện phân cấp quản lý bãi đỗ xe theo Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND, UBND quận Đống Đa đã cho phép thí điểm trông giữ phương tiện giao thông có thu tiền trong 3 tháng tại khu đất số 168 phố Hào Nam. Anh Phạm Minh Tuấn (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) cho biết rất yên tâm gửi xe ở đây khi đơn vị quản lý niêm yết đầy đủ giá dịch vụ, công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy được thực hiện nghiêm túc.
Nhờ đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền trong phòng, chống dịch Covid-19 nên việc đầu tư các trang thiết bị cho trạm y tế lưu động thực hiện dễ dàng hơn. Trong ảnh: Khám, điều trị cho bệnh nhân tại Trạm Y tế lưu động phường Đại Kim (quận Hoàng Mai).
Tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh mẽ ở các cấp
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong năm qua, một trong 8 hạn chế được UBND thành phố chỉ ra đối với nhiều ngành, nhiều cấp là phân cấp, ủy quyền chưa triệt để, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, nhất là lĩnh vực đầu tư công.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, để giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND thành phố đã giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Thành phố sẽ xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức liên quan nếu tỷ lệ giải ngân không đạt tối thiểu 90%.
Đối với quận Hoàn Kiếm, Bí thư Quận ủy Vũ Đăng Định cho biết, năm 2022, quận sẽ thực hiện theo đúng Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND. Trong đó, quận tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý đô thị, vệ sinh môi trường; thực hiện tốt việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng đô thị; làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử, văn hóa khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, khu phố cổ, khu phố cũ; phát triển toàn diện văn hóa - xã hội...
Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10-1-2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, đối với việc tăng cường phân cấp, phân quyền cho cấp tỉnh, thành phố, thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; chuyển đổi đất trồng lúa, đất rừng; tách dự án giải phóng mặt bằng khỏi các dự án khác... Song song với đó là cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường, kiểm tra, giám sát, tạo động lực cho các địa phương chủ động tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tổ chức thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đây là cơ sở để thành phố phấn đấu đạt mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế 7-7,5% trong năm 2022.
Mai Hữu - Hà Nội mới