Đề xuất thí điểm phổ cập giáo dục mầm non
Kinhte&Xahoi
Theo Bộ GD&ĐT, bên cạnh những kết quả đạt được hiện nay, giáo dục mầm non (GDMN) còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ để phát triển trong giai đoạn mới.
Ảnh minh họa
Cụ thể, công tác sắp xếp, bố trí trường lớp vẫn còn nhiều bất cập, hệ thống trường mầm non chưa đáp ứng được nhu cầu đưa trẻ đến trường, đặc biệt là những nơi khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư.
Việc thiếu phòng học, cơ sở vật chất thiết bị, đặc biệt là thiếu đội ngũ giáo viên buộc một số địa phương chỉ tập trung huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi, trong khi trẻ em mẫu giáo từ 3 - 4 tuổi và trẻ em nhà trẻ được huy động đến cơ sở GDMN còn ở mức thấp, nhiều trẻ em đến 5 tuổi mới được tiếp cận với GDMN. Do đó, còn có khoảng cách đáng kể về GDMN giữa các vùng miền, việc chuẩn bị các điều kiện cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi vào học lớp một ở nhiều nơi còn lúng túng; cả nước còn gần 8% trẻ em mẫu giáo và 71,8% trẻ nhà trẻ chưa được tiếp cận giáo dục.
Chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở nhiều nơi chưa được duy trì bền vững do tỷ lệ trẻ em mẫu giáo độ tuổi 3 - 4 đi học còn thấp. Tại các vùng khó khăn, trẻ em được tiếp cận GDMN muộn so với độ tuổi. Các điều kiện bảo đảm chất lượng toàn diện cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp một các nơi khó khăn, chưa đáp ứng với yêu cầu, mục tiêu đặt ra…
Từ những lý do trên, Bộ GD&ĐT đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em mẫu giáo tại một số tỉnh, thành phố. Việc đề xuất xây dựng Nghị quyết thí điểm phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo ở một số tỉnh, thành phố trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết nhằm nâng chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mẫu giáo theo Chương trình GDMN khi thực hiện phổ cập.
N.T - Pháp luật Plus