Địa ốc 7AM: Hạ tầng nhiều sân bay có nguy cơ “vỡ trận”, giải quyết vấn đề cho các dự án trọng điểm

22/02/2019 09:57

Kinhte&Xahoi Hạ tầng nhiều sân bay có nguy cơ “vỡ trận”, giải quyết vấn đề cho các dự án trọng điểm, hàng chục hộ dân bức xúc vì rạch Nhiêu Phò bị san lấp trái phép... là những tin chính trong Địa ốc 7AM hôm nay.

Tọa đàm mùa xuân Đà Nẵng 2019: Giải quyết vấn đề cho các dự án động lực, trọng điểm

Tọa đàm mùa Xuân 2019 tập trung tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp và giải quyết các vấn đề cho các dự án động lực, trọng điểm của TP Đà Nẵng.

Vào ngày 1/3, TP Đà Nẵng sẽ đứng ra tổ chức Tọa đàm mùa xuân 2019, với sự có mặt của gần 500 đại biểu đại diện lãnh đạo của các Bộ, ngành, hội, hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước...  

Một trong những điểm nhấn quan trọng của sự kiện này là UBND TP Đà Nẵng thực hiện lễ ký kết với đối tác Singapore về việc Lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của  thành phố Đà Nẵng tầm nhìn 2030-2045. Liên danh Công ty Sakae Holdings và Công ty Surbana Jurong của Singapore được lựa chọn để thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố.

“Đây là công ty kỹ thuật lớn nhất của Singapore có hơn 50 năm kinh nghiệm, tiền thân là công ty phát triển nhà của Singapore, chuyên về quy hoạch đô thị, công nghiệp, hạ tầng, góp phần trong phát triển của Singapore. Và đứng vị trí xếp hạng thứ 35/225 công ty thiết kế lớn của thế giới, có nhiều khách hàng lớn trên thế giới nên có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện việc này”, ông Vũ Quang Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng chia sẻ thêm thông tin về đơn vị được thành phố chọn làm tư vấn.

Như thừa nhận của Giám đốc Sở Xây dựng, việc điều chỉnh quy hoạch chung của TP là dể rà soát lại toàn bộ quy hoạch, không phải là liều thuốc thần tiên thay đổi lại toàn bộ đô thị Đà Nẵng. Nhưng cũng là điều chỉnh cần thiết, kịp thời nhằm tiếp tục thu hút những nhà đầu tư tầm cỡ rót vốn vào những lĩnh vực trọng điểm, động lực của TP.

Trong tháng 1/2019, TP Đà Nẵng thu hút 12 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới và 1 dự án FDI tăng tổng vốn đầu tư, đồng thời nâng tổng số dự án FDI tại Đà Nẵng lên con số 700 dự án và tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD. Và từ cú hích của sự kiện Tọa đàm kể trên, TP Đà Nẵng cũng như cộng đồng doanh nghiệp đều được hưởng lợi, khi tiếp tục tạo nên làn sóng đầu tư mới vào TP Đà Nẵng.

 Đà Nẵng chuẩn bị quỹ đất sạch tại Khu Công nghệ cao và Khu CNTT để đáp ứng chu cầu đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp.

Văn Quán (Hà Đông): Chính quyền có “bất lực” trong việc lập lại trật tự đô thị?

Người dân vô tư chiếm vỉa hè trục lợi - diện tích công cộng bị “xẻ thịt” một cách không thương tiếc. Ai cũng biết, nhưng chính quyền liệu có làm ngơ?

Phản ánh đến Phapluatplus.vn, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Thúy Vân địa chỉ ở nhà số 3, khu tập thể thiết bị Thủy lợi, đường Nguyễn Khuyến, phường Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội cho biết: Khu nhà A8, tập thể Công ty cổ phần thiết bị Thủy lợi, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, gây mất trật tự án ninh… Mặc dù, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng không được xử lý triệt để.

 Đơn của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Thúy Vân phản ánh đến Phapluatplus.vn

Thực hiện chủ trương xây dựng văn minh đô thị, chính quyền địa phương tập trung tạo chuyển biến,  xanh - sạch - đẹp hơn. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn tồn tại.

Cụ thể, sau chủ trương cưỡng chế của UBND TP Hà Nội vào năm 2016 đã cưỡng chế và tháo dỡ các phần lấn chiếm của các hộ dân, đến nay các hộ dân vẫn tiếp tục lấn chiếm và ngang nhiên hàn khung sắt, lắp cửa xếp và lấn chiếm ra vỉa hè, lòng đường để kinh doanh… gây phản cảm, thẩm mỹ cho thành phố, mất an ninh trật tự cho người dân sinh sống ở xung quanh và cộng đồng dân cư sinh sống nơi đây.

Thanh tra Thành phố Hà Nội vạch ra hàng loạt sai phạm tại Trường Newton

Thanh tra TP Hà Nội kết luận hàng loạt sai phạm tại Trường Newton có trụ sở tại ô đất TH2, KĐT thị mới phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm.

Trong năm 2018, Pháp luật Plus đã có loạt bài phản ánh liên quan đến những sai phạm tại Trường Newton về công tác tuyển sinh, đào tạo các cấp tại trường này.

Đến ngày 24/7/2018, Thanh tra TP Hà Nội thành lập đoàn thanh tra toàn diện dự án xây dựng Trường tiểu học Pascal tại ô đất TH2 khu đô thị mới Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm.

Sau khi tiến hành thanh tra, ngày 30/11/2018, ông Nguyễn An Huy- Chánh thanh tra TP Hà Nội đã ban hành kết luận và vạch ra hàng loạt sai phạm tại đây.

Trong kết luận nêu rõ: Sau khi được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho thực hiện đầu tư xây dựng các trường trên các ô đất, trong đó có TH2 tại khu đô thị mới xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) và thực hiện đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nam Cường.

Hàng loạt sai phạm tại Trường Newton vẫn chưa được chính quyền quận Bắc Từ Liêm xử lý.

Nhà đầu tư đại diện là bà Lê Thị Bích Dung đã xây dựng công trình trên ô đất TH2 và bố trí 3 trường học ( Tiểu học I sắc newton, Trường THCS-THPT Newton, Trường THCS Pascal) để hoạt động giáo dục từ năm 2014 đến nay.

Theo báo cáo của Nhà đầu tư, số học sinh đang học tại các trường trên ô đất TH2 khoảng 1.900 học sinh.

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư dự án đã có các sai phạm như sau: Tháng 3/2013, Công ty CP đầu tư phát triển giáo dục TDS Việt Nam, đại diện là bà Dung đã thuê đơn vị tư vấn có chức năng là Công ty CP Kiến trúc ARCCO lập bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng ô đất TH2, xin điều chỉnh chức năng và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của ô đất TH2 Khu đô thị mới Cổ Nhuế đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 157/2004/QĐ-UB ngày 19/10/2004.

Chậm quy hoạch, hạ tầng nhiều sân bay có nguy cơ “vỡ trận”

Nhiều sân bay đang quá tải, trong khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vẫn đang loay hoay chưa điều chỉnh xong quy hoạch. Hệ quả, nhiều cảng hàng không có tiền đầu tư nhưng không thể xây dựng nâng công suất.

 Do chưa được lập quy hoạch, dù quá tải, cảng hàng không Đà Nẵng chưa thể nâng cấp, xây mới. Ảnh minh họa.

Khách tăng, đè nặng lên hạ tầng hàng không

Theo nhận định của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và thứ nhất Đông Nam Á; mức tăng trưởng trung bình trong 5 năm tới gần 14%, cán mốc 150 triệu lượt hành khách vào năm 2035.

Theo số liệu của Bộ GTVT, thị trường hành khách hàng không Việt Nam (HKVN) năm 2018 tăng trưởng 12,9% với 106 triệu lượt hành khách; hàng hóa tăng 7,7% với 1,5 triệu tấn. Thị trường hàng không rất sôi động, ở trong nước có sự tham gia của 68 hãng hàng không nước ngoài, 5 hãng HKVN. Tại thị trường quốc tế, 68 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng HKVN đang khai thác gần 130 đường bay quốc tế giữa Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hải Phòng đi 28 quốc gia/vùng lãnh thổ…

Theo nhận định, HKVN đang có sự tăng trưởng “nóng”, nhiều sân bay đang trong tình trạng quá tải. Nhiều sân bay không được nâng công suất có thể sẽ dẫn đến “vỡ trận”, khi đó đối tượng bị thiệt không chỉ là hành khách mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 236/QĐ-TTg: Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Quyết định 236); trong đó đặt mục tiêu phát triển hệ thống cảng hàng không với công suất thiết kế đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa. Quyết định này cũng giao Bộ GTVT thực hiện quy hoạch các cảng hàng không, sân bay nhằm đáp ứng các mục tiêu đề ra.

Hàng chục hộ dân bức xúc vì rạch Nhiêu Phò bị san lấp trái phép

Sau khi rạch Nhiêu Phò bị san lấp, hoạt động sản xuất nông nghiệp của hàng chục hộ dân tại ấp Lộc Trung (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vào mùa mưa, nước không thể thoát được, gây ngập úng, còn mua khô thì thiếu nước tưới tiêu. Sự việc kéo dài nhiều năm nay khiến người dân rất bức xúc.

Hiện trường phần đất, rạch bị ông Cường san lấp trái phép. Ảnh: CN.

Ngang nhiên lấp rạch trái phép

Theo phản ánh của các hộ dân ấp Lộc Trung, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, đầu năm 2016, ông Nguyễn Văn Cường đã ngang nhiên mang phương tiện cơ giới san lấp rạch Nhiêu Phò, làm ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của người dân.

Hành vi của ông Cường đã bị người dân phát hiện, họ đã làm đơn gửi đến chính quyền xã Mỹ Lộc và huyện Cần Giuộc, đề nghị khôi phục lại hiện trạng con rạch. Tuy nhiên, phản ánh của người dân không được chính quyền địa phương xem xét giải quyết dứt điểm.

Ông Đặng Văn Hùm (ấp Lộc Trung, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) cho biết, rạch Nhiêu Phò đã có từ trăm năm nay, phục vụ tưới tiêu, thoát nước cho hơn 32ha hoa màu của khoảng 80 hộ dân tại ấp Lộc Trung. Sau khi bị san lấp, ngăn dòng chảy, vào mùa mưa nước không thể thoát được, gây ngập úng, còn mùa khô thì thiếu nước tưới tiêu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân.

Sau khi nhận được phản ánh, ngày 23/2/2016, UBND xã Mỹ Lộc kiểm tra thực địa đã phát hiện có hành vi san lấp rạch nên đã lập biên bản đối với ông Cường, yêu cầu dừng ngay việc san lấp, giữ nguyên hiện trạng con rạch cắt ngang phần đất của ông. Điều khó hiểu là, sau khi yêu cầu ông Cường dừng việc san lấp rạch, chính quyền xã Mỹ Lộc lại vận động ông đào con kênh khác để thay thế đoạn rạch bị san lấp, khiến nhiều hộ dân rất bức xúc.

Theo tìm hiểu, thửa đất ông Cường tiến hành san lấp có nguồn gốc là đất công điền, do ông Trương Văn Miên khai hoang sử dụng từ trước năm 1995. Sau đó, ông Miên để lại cho con ruột là ông Trương Văn Trường. Đến năm 2002, ông Trường mất, bà Trần Thị Yến (vợ ông Trường) nhận thừa kế quyền sử dụng phần đất này.

Theo Phapluatplus.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đầu năm đi chợ Cầu May

Không rõ ở đâu trên trái đất này có một phiên chợ độc đáo như thế không chứ ở Việt Nam thì có đấy.

Du lịch hay... phá hoại Đà Lạt?

Những bãi rác khổng lồ còn sót lại tại những điểm du lịch có tiếng sau khi du khách rời đi là hình ảnh đang làm dư luận bức xúc. Nhiều người cho rằng, hành động vô ý thức của nhiều du khách không phải là đi chơi mà chẳng khác nào đang phá hoại môi trường du lịch.