Đỗ chắn lối cửa hàng, xe bị sơn chằng chịt: Tại anh, tại ả tại cả đôi bên?

29/09/2020 09:43

Kinhte&Xahoi Người được cho là chủ chiếc ô tô nói đỗ được khoảng 10 phút thì khi quay lại đã thấy đuôi xe bị xịt sơn đen nham nhở, song cũng phải đặt câu hỏi khi chiếc xe đã án ngữ cửa hàng kinh doanh thời trang.

Trên một số diễn đàn về giao thông đã chia sẻ hình ảnh chiếc xe Mitsubishi Triton bị sơn đen chằng chịt ở nửa sau, che kín toàn bộ phần biển số. Địa điểm xảy ra thuộc quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.

Chiếc xe bán tải bị xịt sơn đen chằng chịt ở phía sau, che kín cả biển số.

"Thế này có kiện tội phá hoại tài sản được không? Em đậu khoảng 10 phút, lúc đậu nhà đóng cửa, đầu xe có ghi số điện thoại nhưng lúc xuống thấy chủ tiệm thách thức gọi công an", người được cho là chủ của chiếc xe viết.

Câu chuyện trên nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ. “Anh em nào xịt xe người ta thế này thì xác định. Tội phá hoại tài sản, nghiêm trọng đấy”, nick Facebook Minh Chiến bình luận. 

“Việc nào ra việc nấy, đỗ xe sai đã có cơ quan chức năng xử lý. Sơn xịt thế này chủ xe phải làm lại toàn bộ, có thể mất vài chục triệu đồng chứ không phải ít”, thành viên Gia Viễn chia sẻ.

“Chủ nhà đang đúng tự nhiên thành sai, ít nhất là tốn tiền cho một lọ sơn. Sao không tìm cách xử lý văn minh hơn”.

Ở góc nhìn này, chủ cửa hàng cũng nhận được thông cảm nhất định

Tuy nhiên, cũng có người đặt câu hỏi tại sao người xịt sơn lại bức xúc đến vậy? “Chủ xe cũng phải nhìn lại mình đi, đỗ sát cửa hàng, chắn lối như thế thì ai mà chẳng bực. Nhiều người kinh doanh có quan niệm mở hàng, sáng ra đã gặp chuyện rồi”, chị Thu Hằng bày tỏ.

“Chủ xe nói đỗ 10 phút, có để lại số điện thoại nhưng đấy là chuyện từ một phía. Để người ta xịt sơn thế này chắc cũng ức chế lắm đó. Không ai để sẵn hộp sơn trong nhà mà lấy ra dùng được luôn, nên nói 10 phút nhưng có khi lại là cả tiếng đồng hồ”, tài khoản Văn Hậu đặt câu hỏi.

Cũng có ý kiến cho rằng đây là bài học đáng đời cho chủ xe

Còn Facebook Tường Huy cho rằng cả hai đều có lỗi của mình. “Xét về mặt ý thức thì đỗ xe như vậy là không ổn, thậm chí có thể bị xử phạt. Tuy nhiên sự việc trở nên nghiêm trọng khi tài sản bị phá hoại, có lẽ cần sơn lại xe, thay đèn… hết vài chục triệu.

Từ một người sai lỗi không quá nghiêm trọng giờ thành ra hai người sai, thiệt hại lớn hơn nhiều”.

Đỗ chắn lối, chủ xe bị chơi khăm: Việc không mới

Hình ảnh những chiếc xe tham gia giao thông khoác "chiếc áo" đầy vết sơn nham nhở đã không còn xa lạ với người dùng mạng xã hội. Ngoài việc bị sơn lên thân xe, nhiều chủ xe còn gặp phải những cái kết đắng hơn nhiều.

Mới đây, một tài xế đỗ xe ở gần đống gạch, dù đã có dòng chữ cảnh báo cấm. Tài xế không thể ngờ được cảnh tượng mình gặp phải sau khi quay lại lấy xe.

Bức ảnh chiếc xe hiệu Mazda lọt giữa vòng vây là những chồng gạch xếp cao được chia sẻ tràn ngập trên mạng xã hội và thu hút rất nhiều bình luận. Những tấm hình này được cho là chụp tại ngõ Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) vào ngày 21/9.

Chiếc xe Mazda với bốn bề xung quanh là gạch, gần đó là dòng chữ cấm đỗ

Theo đó, ô tô mang biển số Hà Nội đỗ trên phần vỉa hè gần một bãi tập kết vật liệu xây dựng. Xung quanh là những chồng gạch cao, chặn ở cả bốn phía, bao vây chiếc xe Mazda. Một tấm biển cấm đỗ được viết tay đặt gần đó, cho thấy đây có thể là “bài học” mà tài xế nhận được vì phớt lờ cảnh báo.

Trước đó, nhiều ô tô đỗ hai bên đường gần khu đô thị Seasons Avenue ở Hà Đông gây ách tắc giao thông, bị dán giấy 'nhắc nhở' kín bưng bốn mặt kính.

Thông tin của một số cư dân, đoạn đường này đã có biển cấm dừng đỗ tuy nhiên vẫn nhiều phương tiện không tuân thủ. Ô tô đỗ ở cả hai bên đường khiến cho khoảng lưu thông của các phương tiện bị thu hẹp đi rất nhiều.

Trên mạng xã hội còn ghi nhận nhiều tình huống “dở khóc dở cười” khác liên quan đến văn hóa dừng, đỗ xe. Có trường hợp ô tô bị chặn bốn xung quanh bởi thùng rác, xe được để lại mảnh giấy nhắc nhở và thậm chí có khi xe bị phá hoại như tạt sơn, vẽ bẩn hay cào xước thân vỏ.

Việc đỗ xe tùy tiện, cẩu thả, thiếu ý thức của nhiều lái xe đã để lại những hệ lụy không nhỏ, nhiều người bức xúc tạt sơn, cào xước chiếc xe... mà không ý thức được rằng đó là hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người, có thể bị xử lý theo quy định hiện hành.

Trong câu chuyện này, ai đúng, ai sai. Nếu rơi vào tình huống tương tự, đặt mình là chủ xe và chủ nhà thì bạn sẽ xử lý thế nào? Mời độc giả để lại ý kiến dưới phần bình luận.

 Gia An - Bảo Khánh - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhớ tết Trung thu

Ngày Tết Trung thu đã có từ thuở xa xưa lắm, từ trong câu chuyện mà ngoại vẫn thường kể cho chúng tôi những ngày còn bé.

“Check in sống ảo” - khi nào hữu ích?

Dù phong trào “sống ảo” gây không ít phiền toái, phản cảm cho nhiều người, nhưng có luồng ý kiến cho rằng, “sống ảo” cũng rất hữu ích. Bằng chứng là ngành du lịch nội địa, ngành khách sạn - nhà hàng “ăn theo” phong trào này để “ăn nên làm ra” không ít.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/o-to-xe-may/do-chan-loi-cua-hang-xe-bi-son-chang-chit-tai-anh-tai-a-tai-ca-doi-ben-20200928233647966.htm