Doanh nghiệp đối mặt nguy cơ thiếu hụt lao động do F0 tăng

01/03/2022 07:21

Kinhte&Xahoi Hiện nay, số ca mắc COVID-19 là công nhân tăng cao dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lực tạm thời. Do đó, các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động đang triển khai thực hiện các giải pháp để bố trí lực lượng sản xuất phù hợp.

Số ca nhiễm COVID-19 là công nhân ngày càng tăng

 Báo cáo mới nhất của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho biết, trong tuần qua tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm cộng đồng tăng với nhiều ổ dịch tại gia đình. Hiện số ca nhiễm COVID-19 trong đoàn viên, công nhân viên chức lao động tại Hà Nội là 9.965 (tăng 3.545 ca). Trong đó, tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội có 1.381 ca.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Công đoàn các khu công nghiệp vẫn cập nhật lượng công nhân là F0, F1 theo tuần. Từ sau Tết, lượng công nhân là F0 tăng nhiều so với trước đó. Số ca nhiễm COVID-19 là công nhân ngày càng tăng khiến nhiều nhà máy phải lên phương án ứng phó với nguy cơ thiếu hụt lao động.

Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động tạm thời do số F0 có xu hướng gia tăng

Không riêng Hà Nội, tại các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động tạm thời do số lượng lao động là F0 có xu hướng gia tăng.

Để ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động phục vụ sản xuất, hiện nay, một số công ty có nhiều công nhân mắc COVID-19 đang bố trí bằng cách làm thay cho nhau, tăng ca... để không phải dừng dây chuyền, đóng cửa nhà máy. Có những doanh nghiệp phải tuyển lao động gấp hoặc sử dụng biện pháp thuê lại lao động từ các công ty cho thuê trong thời gian ngắn để đảm bảo hoạt động sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Chiển, Chủ tịch Công đoàn Công ty may Maxcore (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho hay: Sau Tết, công ty yêu cầu công nhân phải xét nghiệm PCR trước khi đi làm nên phát hiện nhiều trường hợp F0. Hiện, số ca mắc COVID-19 chiếm tới 10% trong tổng khoảng 500 công nhân.

Bà Chiển cho hay, đặc thù của ngành may mặc là một người nghỉ, cả dây chuyền bị ảnh hưởng. Do đó, nhiều người phải kiêm nhiệm, dẫn tới giảm năng suất, sản lượng thấp. Tuy nhiên, có một điều may mắn là đội ngũ công nhân của công ty đều có tay nghề cao nên kiêm nhiệm được nhiều công đoạn.

“Để đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc, công nhân sẽ được luân chuyển từ tổ này sang tổ khác nếu không ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch. Bên cạnh đó, công ty vẫn tuyển thêm công nhân mới. Sau khi thử việc một tháng, người lao động sẽ được ký hợp đồng dài hạn, đóng bảo hiểm xã hội", bà Chiển chia sẻ.

Chủ động bố trí lực lượng sản xuất phù hợp

 Liên quan đến vấn đề thiếu hụt lao động tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Số lượng công nhân là F0 tăng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới sản xuất.

Hiện nay, đa số công nhân đã được tiêm 3 mũi vắc xin nên thời gian khỏi bệnh nhanh, chỉ trong 5 - 7 ngày. Để giải quyết việc thiếu hụt tạm thời mà tuyển dụng sẽ dẫn đến dư thừa lực lượng lao động. Do đó, doanh nghiệp phải chủ động bố trí lực lượng sản xuất phù hợp.

Theo các chuyên gia lao động, với nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, thích ứng an toàn với dịch, sau Tết, doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu hụt lao động. Hiện nay, do số lượng F0 tăng nhanh, nhiều công ty có nhu cầu tuyển người mới theo hợp đồng ngắn hạn hoặc thời vụ (khoảng 3-6 tháng) để bổ sung tạm thời, vì thế có thể dẫn tới cạnh tranh khi tuyển dụng.

Do số lượng F0 tăng mạnh, nhiều công ty có nhu cầu tuyển lao động mới theo hợp đồng ngắn hạn (Ảnh minh họa)

Mới đây, phiên giao dịch việc làm kết nối 7 tỉnh thành phía Bắc, gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Kạn và Lạng Sơn cần tuyển hơn 19.300 lao động. Mức lương dao động 5-20 triệu đồng, trình độ từ lao động phổ thông đến kỹ sư, kế toán. Ở phân khúc lao động phổ thông, các doanh nghiệp liên tục tuyển mới bổ sung do công nhân không trở lại thành phố sau Tết, F0 đang chữa bệnh hoặc mở rộng sản xuất.

Riêng sàn giao dịch việc làm Hà Nội có 34 doanh nghiệp cần tuyển hơn 1.000 lao động, tập trung ở nhóm ngành may mặc, bán hàng, thu ngân, nhân viên y tế, kinh doanh, kỹ sư, lao động phổ thông; Không nhiều lao động trực tiếp đến tìm việc làm, chủ yếu qua phỏng vấn online.

Ông Lê Quang Long, Trưởng Ban quản lý Các khu công nghiệp Hà Nội - chia sẻ: Hiện tại, về cơ bản các doanh nghiệp vẫn đảm bảo sản xuất. Các công ty đã nắm được việc F0 tăng nhanh, từ đó chủ động đưa ra giải pháp, tiết kiệm chi phí so với mô hình "3 tại chỗ", "2 điểm đến 1 cung đường". "Khi doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ cụ thể, ban quản lý sẵn sàng hỗ trợ”.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

22 tác phẩm được trao giải tại Liên hoan phim toàn quốc về An toàn giao thông năm 2021

Liên hoan phim toàn quốc về An toàn giao thông năm 2021 với chủ đề "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông" nhận được tổng số 210 tác phẩm dự thi ở cả 2 hạng mục phóng sự và clip ngắn. Đây là lần thứ 3 Toyota Việt Nam đồng hành cùng chương trình.

Phát triển công nghiệp văn hóa từ tiềm năng lễ hội: Một trụ cột quan trọng của tài nguyên mềm văn hóa Thủ đô

Lịch sử ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội luôn gắn liền với sự hình thành và sức sống của các lễ hội. Lĩnh vực này cũng được xem như một trong 8 trụ cột của tài nguyên mềm văn hóa có thể giúp Thủ đô vươn mình mạnh mẽ trong hành trình phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thủ đô và đất nước.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/doanh-nghiep-doi-mat-nguy-co-thieu-hut-lao-dong-do-f0-tang-190804.html