Du lịch Thủ đô trên đà tăng tốc

14/09/2023 11:43

Kinhte&Xahoi Liên tục được vinh danh tại Giải thưởng Du lịch thế giới, Thủ đô Hà Nội đang tận dụng được những lợi thế sẵn có để tạo đà phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Mùa thu được xem là “mùa vàng” hút khách du lịch tới Thủ đô.

Dấu ấn trên bản đồ du lịch quốc tế

Thời gian qua, Hà Nội đã có những giải pháp đẩy mạnh, thu hút khách du lịch, nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Đến hết tháng 8/2023, Hà Nội đón 12,3 triệu lượt khách, trong đó có 2,03 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Thành phố đã triển khai 172 chuỗi hoạt động trên địa bàn, trong đó, nhiều sự kiện văn hóa, du lịch đã gây được chú ý lớn, tạo đà kích cầu thị trường du lịch như tour: Du lịch “Đêm thiêng liêng” của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, chuỗi sản phẩm “Khám phá Đông Nam Á” của Bảo tàng Dân tộc học; Khai thác trở lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”,...

Không dừng ở đó, du lịch Thủ đô liên tục được ghi nhận tại giải “Oscar của ngành Du lịch toàn cầu” - Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO). Năm 2022, Hà Nội vinh dự nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2022” và “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022”.

Năm 2023, thành phố tiếp tục được vinh danh ở ba hạng mục giải thưởng là: “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2023”, “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023” và “Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á”. Sự ghi nhận từ giải thưởng du lịch uy tín bậc nhất thế giới cho thấy du lịch Thủ đô đã thực sự đạt được nhiều đột phá trong hành trình khôi phục và phát triển hậu đại dịch, ghi được dấu ấn thương hiệu trên bản đồ quốc tế.

Phát triển du lịch Thủ đô xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh luôn là mục tiêu quan trọng của thành phố Hà Nội trong suốt thời gian qua. Hiện tại, mùa thu được xem là thời điểm đẹp nhất trong năm của Hà Nội, cũng là “mùa vàng” thu hút du khách, nhất là khách quốc tế. Du lịch Thủ đô kỳ vọng có thể đạt mục tiêu đón 22 triệu khách du lịch trước thời hạn với nhiều sự kiện, sản phẩm mới đáng chú ý.

Trong đó, được mong chờ nhất hiện là Lễ hội Thu Hà Nội với chủ đề “Thu Hà Nội - Đến để yêu” diễn ra từ ngày 29/9 đến 1/10. Bên cạnh những khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, hay các tour tuyến, điểm đến,… lễ hội còn quy tụ nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn như: Tái hiện đám cưới xưa và nay; hoạt động dân vũ, khiêu vũ thể thao; trình diễn thời trang áo dài; hoạt động diễu hành của thiếu nhi, triển lãm tranh thiếu nhi; diễu hành xích-lô du lịch, xe đạp… trên các con phố Hà Nội.

Lễ hội còn có các hoạt động tại địa phương như: Diễu hành, trình diễn múa lân sư rồng của huyện Thanh Oai, rước đèn trung thu của thị xã Sơn Tây; trình diễn diều của huyện Đông Anh, sắp đặt hoa của huyện Mê Linh, trình diễn rối cạn Tế Tiêu của huyện Mỹ Đức... Ngoài ra, thành phố còn giới thiệu không gian ẩm thực Thủ đô và những nhà hàng được thương hiệu Michellin vinh danh, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội,…

Cần thêm giải pháp bứt phá

Dù với nhiều tín hiệu tích cực, tiềm năng du lịch Thủ đô vẫn được xem là “mảnh đất rộng lớn”, trong đó vẫn còn nhiều “khoảng trống” chưa được khai thác. Quan điểm này được nhiều đại diện các cơ quan chức năng, tổ chức và doanh nghiệp đồng tình trong Tọa đàm về những giải pháp để đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Thủ đô hiệu quả, bền vững do Sở Du lịch Hà Nội mới tổ chức.

Đơn cử, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, mặc dù kinh tế thành phố Hà Nội phục hồi ấn tượng sau đại dịch COVID-19, song phục hồi du lịch chưa thực sự như kỳ vọng. Ví dụ điển hình là lượng khách du lịch nói chung, đặc biệt là khách du lịch quốc tế tới Hà Nội vẫn còn khá thấp so với thời điểm vào năm 2019, trước đại dịch.

Vấn đề đáng quan tâm hiện tại không chỉ là những giải pháp thu hút nhiều khách hơn đến với Thủ đô trong thời gian tới, mà còn là những giải pháp về du lịch bền vững, tránh khỏi những hệ lụy của du lịch ồ ạt trước dịch.

Cũng tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đề nghị, trong giai đoạn tới, du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp cần cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững, đề xuất giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa, khai thác hiệu quả thị trường khách quốc tế đến với Hà Nội.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023 - 2025, chú trọng công tác bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”.

 Diệu Bảo - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thương hiệu của thành phố âm nhạc

Trở lại sau 13 năm gián đoạn, cuộc thi “Tiếng hát Hà Nội” nhận được sự quan tâm của người yêu nhạc. Liệu những thay đổi tích cực trong khâu tổ chức có giúp cuộc thi trở thành một thương hiệu của thành phố trong lĩnh vực âm nhạc như nó đã từng, đặc biệt là khi Hà Nội chọn âm nhạc để phát triển công nghiệp văn hóa.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/du-lich-thu-do-tren-da-tang-toc-d198486.html