Gần 2.000 nghệ nhân, nghệ sỹ tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II

29/09/2022 09:33

Kinhte&Xahoi Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển", Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II diễn ra trong 3 ngày (6 - 8/10) tại Thái Nguyên với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc.

Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên chủ trì, phối hợp với các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Dao tổ chức.

Ngày hội là dịp tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Dao trong nền văn hoá thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; Góp phần giữ gìn, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc; Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề ra.

Lễ tơ hồng của người Dao (Ảnh minh họa)

Đây là hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá, kích cầu du lịch; Tạo không gian văn hóa để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Gần 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng dân tộc Dao đến từ 14 tỉnh (Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa, Yên Bái) và có sự tham gia phối hợp tổ chức của các cơ quan, ban, ngành Trung ương.

Theo đó, các nghệ nhân, nghệ sĩ sẽ tham gia biểu diễn trong chương trình nghệ thuật khai mạc ngày hội gồm 12 hoạt cảnh tái hiện đời sống sinh hoạt văn hóa người Dao: Rừng thức, Đón Mặt trời lên, Lễ cúng thần rừng, Sắc màu thổ cẩm, Kỹ nghệ giấy bản, Lễ tơ hồng, Lễ cấp sắc Người Dao vui Tết nhảy...

Lễ khai mạc được tổ chức vào 20 giờ ngày 6/10 tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp (thành phố Thái Nguyên) và được truyền trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV5), Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Thái Nguyên, Truyền hình Thông tấn xã...

Trong khuôn khổ Ngày hội, nhiều hoạt động hấp dẫn sẽ diễn ra như: Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa du lịch các địa phương; Triển lãm "Đặc trưng văn hóa dân tộc Dao; Liên hoan văn nghệ quần chúng; Trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi lễ truyền thống; Thi đấu các môn thể thao và trò chơi vận động dân gian như bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, chạy cà kheo...

Theo Ban tổ chức, các chương trình tham gia Ngày hội được chuẩn bị chu đáo, chọn lọc đặc trưng văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Dao, đề cao vai trò của chủ thể văn hóa, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố thời đại; Gắn hoạt động văn hóa, thể thao với quảng bá tiềm năng thu hút phát triển du lịch của các tỉnh, thành phố.

Các nội dung hoạt động của Ngày hội do các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên... là người dân tộc Dao thực hiện. Đây cũng là dịp Thái Nguyên hướng tới Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập thành phố (19/10/1962 - 19/10/2022) và Công bố thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên (tháng 10/2022).

 Hương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhớ về hương khúc ngày mưa

Trong cơn mưa cuối thu, nằm cuộn tròn trong chăn thưởng thức đợt không khí lạnh đầu mùa đầy nuối tiếc và nghe tiếng hoa sấu quả sấu chín vàng rụng xuống mái ngói rêu phong của căn nhà nép sâu trong ngõ nhỏ, chợt nhói lòng vì tiếng rao “Khúc… ơ” văng vẳng, ngàn ngạt.

Tiếp tục phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Xòe Thái

Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Điều này cũng đặt ra trách nhiệm cho các cấp, ngành và cộng đồng cần phải phát huy và bảo tồn để di sản này lan tỏa và trường trồn mãi mãi.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/gan-2000-nghe-nhan-nghe-sy-tham-gia-ngay-hoi-van-hoa-dan-toc-dao-toan-quoc-lan-thu-ii-206842.html