Gia Lâm - Hà Nội: Không thể tiếp tục làm ngơ cho sai phạm!

04/09/2019 15:32

Kinhte&Xahoi Những phản ánh của người dân cũng như những thông tin mà PV truyền tải về việc san lấp đất trái phép tại thôn Dốc Lã dường như vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền của xã Yên Thường và huyện Gia Lâm quan tâm xử lý dứt điểm.

Chúng tôi đã có 02 bài viết phản ánh những hiện tượng bất thường liên quan đến việc san lấp đất trái phép trên địa bàn thôn Dốc Lã (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). 

Đơn thư của các hộ dân thôn Dốc Lã gửi tới các cơ quan thông tấn báo chí

Liên quan đến sự việc này, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Thêm và Phó Chủ tịch UBND xã Trần Xuân Cường đều khẳng định sẽ quyết liệt xử lý sai phạm. Chánh Văn phòng UBND huyện Gia Lâm Hoàng Anh Tú sau khi tiếp nhận thông tin cũng đã liên lạc với lãnh đạo xã Yên Thường nắm bắt sự việc và đưa ra quan điểm của huyện là “Nói không với sai phạm”.

Vậy nhưng, dù qua cả hai cấp chính quyền, vụ việc vẫn “án binh bất động”. Những khối đất đá, phế thải xây dựng được các đối tượng “lạ mặt” chở đến lấp đầy hàng trăm mét đất nông nghiệp tại khu đất số 1 Dốc Lã vẫn không được chở đi. Khu đất không hề được “trả lại nguyên hiện trạng ban đầu” như lãnh đạo xã Yên Thường từng hứa.

Không những thế, vào các ngày 24 và 26/8 vừa qua, việc san lấp đất tiếp tục được các đối tượng triển khai. Theo phản ánh của người dân, vào đêm ngày 24/8, các phương tiện vận chuyển tiếp tục đưa đất, đá đến lấp đầy dải đất trống nằm ở phía trong cùng, nơi tiếp giáp với ruộng lúa của người dân.

Trưa ngày 25/8, một số nhân công được điều đến để san gạt khối đất đá đêm trước chở tới. Đặc biệt, việc chở phế thải xây dựng và gạch, đá được công khai diễn ra ban ngày vào trưa ngày 26/8. Tất cả các sự việc này đều đã được người dân ghi lại bằng hình ảnh, cung cấp cho phóng viên như một chứng cứ chứng minh ở đây có sự thách thức công luận của những đối tượng “lạ mặt”.


Hình ảnh một số phương tiện vận chuyển đất, đá, phế thải xây dựng đến san lấp trái phép tại khu đất số 1 Dốc Lã.

Người dân còn khẳng định “sự việc chắc chắn có sự bao che, dung túng cho sai phạm từ phía chính quyền xã”. Bởi theo họ, chỉ cần một hoạt động xây dựng nhỏ của người dân, chính quyền xã cũng đã “hỏi thăm” với mục đích ngăn cản hoạt động xây dựng trái phép.

Thế nên không thể có việc san lấp đất nông nghiệp trên diện tích lớn như vậy, công khai như vậy, mà chính quyền lại “không thấy gì”, không hay biết! Nghiêm trọng hơn, người dân cho biết họ có chụp lại được hình ảnh của một trong những phương tiện vận chuyển đất đá đến khu vực này, với nghi vấn đây là xe của một công ty vệ sinh môi trường?! Họ đặt câu hỏi nghi vấn các hoạt động này có sự liên quan, liên kết chặt chẽ giữa những đại diện công quyền?!

Trước những nghi vấn của người dân, PV báo Kinh doanh và Pháp luật đề nghị UBND xã Yên Thường và UBND huyện Gia Lâm có tiếng nói chính thức trả lời người dân, qua đó khẳng định “nói không với sai phạm” là khẳng định nhất quán từ phát ngôn đến hành động. Chứ không phải việc “hứa suông”, “nhắm mắt làm ngơ” cho sai phạm, như người dân đang liên tưởng.

Được biết, do quá bức xúc, một số người dân thôn Dốc Lã đã làm đơn tố cáo những bất thường trong hoạt động san lấp đất nông nghiệp nêu trên tới các cơ quan như: Thành ủy Hà Nội, Công an TP Hà Nội, các cơ quan thông tấn báo chí.

Chiều ngày 27/8, người dân đã gửi tới báo Kinh doanh và Pháp luật 01 lá đơn với nội dung khẳng định: “Chúng tôi, những người dân đều có diện tích đất trồng rau tiếp giáp cạnh nhau với thửa đất bị san lấp nêu trên rất bức xúc trước những hành vi của các đối tượng… Chúng tôi có đầy đủ các bằng chứng, hình ảnh, clip… đề nghị các quý cơ quan vào cuộc, điều tra xử lý các đối tượng có liên quan. Chúng tôi sẽ thường xuyên cung cấp các tài liệu, chứng cứ cho các quý cơ quan”.

Thiết nghĩ, sự việc ban đầu đơn thuần chỉ là phản ánh của người dân, tuy nhiên chính quyền xã Yên Thường đã không xử lý dứt điểm. Ngược lại, đã để sai phạm tiếp diễn công khai, điều này khiến người dân bức xúc. Sự bức xúc đã được đẩy lên thành hiện tượng đơn thư tố cáo vượt cấp. Xin hãy nhớ rằng, chính quyền TW và Hà Nội luôn có vô số công việc liên quan đến mọi lĩnh vực. Nếu như lĩnh vực nào cũng có đơn thư vượt cấp, thì sao có thể xử lý xuể?

Do đó, chính quyền cơ sở cần phải làm tốt chức trách của mình. Cần phải đôn đốc xử lý giải quyết các khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở. Có như vậy, mới có thể tồn tại một thể chế công quyền thượng tôn pháp luật và giữ vững trật tự trị an từ cơ sở, góp phần tạo nên sự ổn định về an ninh chính trị cho Hà Nội và cả nước.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Biến que than từ vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh thành tác phẩm nghệ thuật

Những que than từ vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh hay rác thải nhựa, sắt vụn…qua bàn tay điêu luyện của người nghệ sĩ đã biến thành những tác phẩm điêu khắc độc đáo, làm nên không gian trưng bày sắp đặt “Côn Trùng” truyền tải thông điệp về môi trường vô cùng ý nghĩa.

Nguồn: KD&PL