Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chọn biện pháp mạnh nhất để Hà Nội không “thất thủ”

24/07/2021 14:29

Kinhte&Xahoi Trong bối cảnh những ngày vừa qua số ca nhiễm tăng nhanh, gia tăng ca không phát hiện nguồn lây trong cộng đồng, tối muộn 23/7/2021, Hà Nội quyết định thực hiện Chỉ thị 16, giãn cách ở cấp độ cao nhất để bảo vệ thủ đô từ 6 giờ sáng ngày 24/7/2021. Hy vọng với biện pháp khoanh vùng, dập tắt từng đốm dịch nhỏ, Hà Nội sẽ khống chế được biến thể Delta đang gây khủng hoảng trên diện rộng tại các tỉnh, thành phố phía Nam.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục khác hẳn sự tấp nập của ngày thường sáng 24/7/2021. Ảnh Quang Anh

Dịch phức tạp, nhiều ca bệnh chưa tìm ra nguồn lây

Số ca nhiễm tăng nhanh trong một tuần qua tại Hà Nội với trung bình 40-50 ca/ngày. Nhiều ca được phát hiện qua công tác khám sàng lọc những trường hợp ho, sốt, trong cộng đồng, chưa tìm được nguồn lây. Trước nguy cơ có thể bị “thất thủ” trước biến thể Delta, Hà Nội đã phải tìm tới các biện pháp giãn cách xã hội quyết liệt nhất.

Tính từ ngày 29/4/2021 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 666 ca, trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 415 ca, số ca mắc là đối tượng đã được cách ly 251 ca. Việc Hà Nội ghi nhận thêm các ca bệnh trong cộng đồng là vấn đề đã được dự báo từ trước.

Ngay sau khi 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Hà Nội đã có Công điện 15 với những biện pháp giãn cách triệt để nhất, đặt cả thành phố vào tình thế phòng, chống dịch ở mức cao nhất.

PGS. TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế nhận định: "Hà Nội sẽ còn những ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng. Đây là điều không thể không tránh khỏi. Thời gian qua, TP. Hà Nội giống như “vùng trũng” về dịch, rất nhiều người từ Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh, từ các nơi đổ về. Ngay từ đầu chúng tôi đã nhận định, nguy cơ dịch ở Hà Nội rất cao. Vì thế, dù số ca phát hiện chưa quá nhiều song Hà Nội đã quyết định thực hiện Công điện 15 và thêm nhiều biện pháp chặt hơn”.

Theo các chuyên gia, có mấy điểm đáng chú ý trong đợt lây nhiễm này khiến UBND TP. Hà Nội phải cấp bách ra công điện siết chặt phòng chống dịch. Đầu tiên, dù số ca nhiễm chưa cao như các tỉnh vùng dịch, song mức độ lây lan nhanh, các ổ dịch mới phân tán rộng trên nhiều địa bàn các quận, huyện, số lượng F1 cao. Đặc biệt, người có yếu tố dịch tễ liên quan TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang rất nhiều…

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội đã có những phiên họp liên tiếp trong những ngày qua. Mặc dù nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên các chuyên gia cũng nhấn mạnh, nguy cơ về dịch bệnh tại thủ đô đang ở mức rất cao và khó lường.

“Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong khi đó Hà Nội là đầu mối giao thông, có sự giao lưu rất lớn với các địa phương. Vì vậy, nguy cơ xuất hiện các ca bệnh xâm nhập từ các địa phương có dịch vào Hà Nội rất cao. Hiện nay, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều ca bệnh, ổ dịch phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây, có thể các ca bệnh ngoài cộng đồng chưa được phát hiện”, thành viên ban chỉ đạo nhận định.

Hiện nay, Hà Nội có 9 chùm ca bệnh phức tạp tại các địa chỉ: Huyện Đông Anh; 90 Nguyễn Khuyến (quận Đống Đa); Tân Mai (Hoàng Mai); Viện Cơ khí năng lượng và mỏ, số 565 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân); số 132 Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng); B6 Trại Găng, Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng); nhà thuốc Đức Tâm, Láng Hạ (quận Đống Đa); xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức) và chùm ca bệnh liên quan đến những người về từ TP. Hồ Chí Minh. Thành phố hiện còn 45 điểm phong tỏa tại 17 quận, huyện.

PGS. TS Trần Đắc Phu

Nguy cơ bùng phát dịch từ đâu?

PGS. TS Trần Đắc Phu cho biết, sốt, ho, khó thở là triệu chứng thường gặp của những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Các trường hợp sốt, ho tại cộng đồng được phát hiện là các ca chỉ điểm, từ đó xét nghiệm rộng hơn ở cộng đồng để đánh giá về tình hình dịch của thành phố nhằm có đáp ứng kịp thời. “Mỗi phát hiện là một thông số quan trọng giúp Hà Nội sớm đưa ra được phương án ứng phó phù hợp”, chuyên gia Trần Đắc Phu nói.

Tuy nhiên hiện nay có tới 80% trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng. Thời gian qua, nhiều trường hợp có biểu hiện ho, sốt không khai báo, thay vào đó lại tự điều trị ở nhà, hoặc mua thuốc về uống.

Bộ Y tế và Hà Nội cũng từng quy định các nhà thuốc phải khai báo những trường hợp có biểu hiện ho, sốt đến mua thuốc cho các cơ quan kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, số nhà thuốc thực hiện viện khai báo cũng không nhiều, không nghiêm túc.

Ông Phu nhận định, những trường hợp ho, sốt này được ví như “phần nổi của tảng băng chìm”. Nếu như phần nổi càng nhiều hoặc càng rải rác trong toàn thành phố thì rất nguy hiểm. Trong khống chế dịch bệnh cũng vậy, ca bệnh càng nằm rải rác trong cộng đồng thì càng nguy hiểm.

Chuyên gia Trần Đắc Phu cũng đưa ra lời khuyên với tất cả những trường hợp có biểu hiện ho, sốt mà không có triệu chứng nặng, không nên vội vàng đến các cơ sở y tế điều trị tuyến trên, cũng không tự ý mua thuốc về uống, thay vào đó hãy chủ động khai báo với cơ quan y tế để được tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm miễn phí. Nếu bị nhiễm COVID-19, các cơ quan y tế sẽ có những phương pháp tư vấn điều trị cho người bệnh, đồng thời có biện pháp giúp người bệnh chủ động phòng, chống lây lan dịch bệnh cho người thân, cộng đồng.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng lưu ý, phản ứng vội vàng chạy đến bệnh viện trong trường hợp không bị nhiễm COVID-19 thì cũng rất có thể sẽ khiến một người khỏe mạnh bình thường đứng trước nguy cơ bị lây nhiễm từ bệnh viện hoặc những người đến bệnh viện nếu không có những biện pháp phòng, chống nghiêm túc. Ngược lại, trường hợp người bị nhiễm đến bệnh viện vô hình chung sẽ lại trở thành nguồn lây cho cả người nhà, bệnh viện và cả bệnh nhân.

Vì thế, ông Phu cho rằng, Hà Nội cùng các địa phương, nhất là những địa phương đang truy vết dịch, rất cần phát hiện các ca bệnh này, tìm ra những ổ dịch lẩn khuất trong cộng đồng để phòng, chặn dịch ngay từ ca bệnh đầu tiên càng sớm càng tốt. Ông cũng đánh giá dịch bệnh tại Hà Nội hiện trong tầm kiểm soát, truy vết và xét nghiệm được hết các trường hợp F1, thậm chí lấy mẫu diện rộng xung quanh ổ dịch. Tuy nhiên ngoài truy vết, phong tỏa diện hẹp, thực hiện giãn cách thì việc quan trọng là tiếp tục phát hiện ổ dịch mới. Vì thế, vấn đề ở đây là phải thực hiện nghiêm Công điện 15, nếu không nghiêm sẽ khó khăn trong khống chế dịch vì đã có ca cộng đồng.

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Hà Nội sẵn sàng phương án, kịch bản tổ chức tiêm vaccine COVID-19

Chuẩn bị sẵn kịch bản 10.000 ca mắc, bảo vệ thủ đô bằng chiến dịch tiêm chủng

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Hà Nội cần tập trung vào 3 nhiệm vụ, trọng tâm, trọng điểm trước mắt, đó là: Lấy tấn công để phòng thủ; truy vết bằng được, bóc tách bằng được các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng; dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới, không để lan rộng.

Thay vì kịch bản bố trí 5.000 giường bệnh điều trị F0, theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, Hà Nội phải chuẩn bị phương án bố trí 10.000 giường, 20.000 giường và khi cần thiết có thể tăng mức cao hơn. Đi kèm với mỗi kịch bản phải bảo đảm chuẩn bị đủ cơ sở vật chất và con người; có phương án dự trữ hoặc huy động tương ứng, không để thiếu giường bệnh, máy thở, thuốc men, y bác sĩ, điều dưỡng...

Để chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất mà ngành y tế đã đề ra, Thành phố Hà Nội đang xây dựng phương án đáp ứng 5.000-10.000 giường bệnh. Thành phố sẽ thành lập 20 cơ sở cách ly tập trung F1 tại 19 quận, huyện, thị xã; giao các quận, huyện, thị xã rà soát, thành lập thêm cơ sở cách ly để nâng công suất lên 40.000 chỗ…

Sáng 23/7, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đi khảo sát và đánh giá một số khu cách ly, bệnh viện sẽ được chuyển đổi sang điều trị bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội đang điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân mắc COVID-19. Theo dự kiến, bệnh viện sẽ chuyển đổi công năng sang điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng từ thở máy, lọc máu, trở thành trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của Hà Nội, với khoảng 500 giường bệnh.

Để tránh lây nhiễm chéo cũng như giảm tải cho các bệnh viện trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19, Hà Nội đã khảo sát ký túc xá Tam Hiệp và trường quân sự Sơn Tây. Hai đơn vị này đang thực hiện chuyển đổi công năng thành bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân nhẹ không có triệu chứng. Dự kiến mỗi điểm đáp ứng khoảng 800 giường.

Hà Nội sẽ chia thành 3 tầng điều trị. Tầng 1, bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng điều trị tại các bệnh viện dã chiến. Tầng 2, bệnh nhân có triệu chứng hoặc bệnh lý nền điều trị tại các bệnh viện huyện. Tầng 3, bệnh nhân nặng, nguy kịch sẽ điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Hà Nội tăng cường kiểm soát chặt hơn nữa tại 22 chốt kiểm soát dịch ở các cửa ngõ. Ngoài việc kiểm soát ở các chốt vòng ngoài, thì vẫn duy trì kiểm soát vòng trong, đặc biệt là đối với xe hợp đồng. Mục tiêu là hạn chế khả năng những xe này có thể chạy qua đường ngang ngõ tắt, vượt chốt, đưa khách từ vùng dịch vào Thủ đô.

Để không rơi vào tình trạng như TP. Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, Hà Nội cần phải chủ động tiêm vaccine cho toàn dân khi dịch chưa đến. Phải cố gắng giữ được Hà Nội, nếu để "thất thủ" thì hậu quả khó ai có thể lường trước được.

UBND TP. Hà Nội đã ban hành phương án triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng chống COVID-19 trên địa bàn thành phố. Với dự kiến tiêm 200.000 liều/ngày, thành phố sẽ phải xây dựng 1.200 dây chuyền tiêm, đào tạo nhân lực và chuẩn bị các kho lạnh có tiêu chuẩn phù hợp với từng loại vaccine.

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Hà Nội sẵn sàng phương án, kịch bản tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cụ thể tới từng điểm tiêm, bảo đảm công khai minh bạch, đúng đối tượng tiêm, đúng nguyên tắc, đúng quy định và đặt công tác an toàn, hiệu quả tiêm chủng lên hàng đầu. Thực hiện tốt, bảo đảm công bằng một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn thủ đô.

Chủ tịch UBND TP Hà Nộ Chu Ngọc Anh kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại chốt kiểm soát dịch

Người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết

Tối muộn 23/7, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ra chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng chống dịch COVID-19 theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ như sau:

Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7 trên phạm vi toàn thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Toàn hệ thống chính trị và chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là cấp bách hàng đầu; dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết; các cuộc họp cần thực hiện thì tổ chức họp trực tuyến; tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của chỉ thị này và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thành phố, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn thông báo công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng chống dịch để người dân biết liên hệ; tổ chức trực ban 24/7 đảm bảo kịp thời giải quyết các công việc cấp bách trong mọi tình huống.

Đối với các hoạt động chính trị, đối ngoại cấp Nhà nước trên địa bàn được thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền và đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh.

TP. Hà Nội yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.

Công an phường Hàng Buồm ra quân kiểm tra việc người dân thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND sáng 24/7/2021. Ảnh Quang Anh

Với quyết tâm tăng cường truy vết sớm, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ an toàn cho thủ đô, ngày 23/7, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh kêu gọi và đề nghị người dân toàn thành phố cùng nâng cao ý thức, thực hiện khai báo y tế thường xuyên, đầy đủ, chính xác, kịp thời trên hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế quốc gia (www.tokhaiyte.vn), đặc biệt là những trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở, để được hệ thống y tế cơ sở lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn xử lý phòng dịch trong thời gian sớm nhất.

 

 Đức Minh - Ngọc Lam - TTTĐ

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Những ngọn gió ngát hương…

Như là đất, là nước, là ánh mặt trời, là lá hoa và những ngọn gió thơm hương... cứ tự tại, an nhiên và cần mẫn dâng hiến cho đời. Lặng lẽ, khiêm cung nhưng cũng đầy kiêu hãnh.

Mùa hè chưa từng có

Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi, mọi thứ sẽ quay về đúng nhịp điệu vốn có của nó, mùa hè tuy có dài với muôn vàn khó khăn nhưng nó cũng cho lại chúng ta những trải nghiệm vô cùng quý giá. Mong rằng một mùa hè chỉ ở nhà sẽ khiến các con biết trân trọng khoảng thời gian trên lớp học. Hy vọng sau thời gian này các con sẽ học được nhiều thứ và sẽ trưởng thành hơn trong tâm hồn.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/gian-cach-xa-hoi-theo-chi-thi-16-chon-bien-phap-manh-nhat-de-ha-noi-khong-that-thu-171145.html