Cô gái đã tự tử sau khi 69% số người được hỏi bấm nút cô hãy chết đi. Không biết từ bao giờ, mạng xã hội biến thành “lưỡi hái tử thần” cướp đi sinh mạng nhiều người.
Mạng xã hội gây ra những cái chết tức tưởi.
Tuổi trẻ chơi “lửa”
Dùng mạng xã hội như dùng lửa. Biết cách dùng thì lửa sưởi ấm cuộc sống, không biết cách dùng thì cháy nhà, chết người. Giờ đây, sau một loạt cái chết của những người trẻ bị mạng xã hội “sát thương”, quan điểm này đã được khẳng định.
Theo thống kê, Việt Nam với dân số gần 100 triệu người thì trung bình 100 người Việt Nam có 143 chiếc điện thoại di động. Số lượng người Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh chiếm 80% dân số. Số tài khoản Facebook ở Việt Nam là 64 triệu và Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới về lượng người dùng.
Những con số này cho thấy Việt Nam là một quốc gia có nhu cầu tương tác, kết nối xã hội cao. Thế hệ trẻ nhanh chóng thích nghi với lối sống hiện đại và công nghệ mới để hội nhập với thế giới. Việt Nam là một trong 22 nước có lượng người truy cập mạng xã hội nhiều nhất trên thế giới, đặc biệt đối tượng sử dụng mạng xã hội có xu hướng ngày càng trẻ hóa, phổ biến ở lứa tuổi 13 - độ tuổi có những chuyển biến rất mạnh về tâm lý.
Tạp chí Forbes, đã từng có một nghiên cứu cho thấy, khoảng gần 50% số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam được hỏi cho rằng lượng “thích” trên mạng xã hội cho thấy sự nổi tiếng và mức độ được chú ý của mỗi cá nhân. Điều này có nghĩa là cứ 10 người dùng mạng xã hội thì có 5 người cho rằng giá trị bản thân của mình thể hiện ở số lượng like trên mạng xã hội.
Lứa tuổi non kinh nghiệm, mặc định giá trị bản thân bằng lượng bấm nút like, chính những điều này đã dẫn cái chết của những nạn nhân vì “cơn bão lăng nhục” trên mạng xã hội. Cô gái người Malaysia đã chết vì 69% số người được hỏi muốn cô chết, bỏ lại sau lưng tương lai, gia đình.
Sau cái chết của cô đã có những hối tiếc, giá như cộng đồng mạng tỉnh táo để biết rằng lời nói hay mọi hành động, cử chỉ của mình trên mạng xã hội đều có thể tác động tới thế giới thật; giá như không cho phép người chưa đủ trưởng thành sử dụng mạng xã hội để tráng bị tác động bởi những nội dung họ tương tác… Nhưng mọi giá như đều đã muộn.
Dùng quyền năng của pháp luật, của xã hội để chặn đứng cơn bão
Tháng 10/2019, tại buổi tọa đàm “Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội” , Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 Diễm Hương chia sẻ cô đã phải âm thầm chịu đựng những nỗi đau mà ác ngôn trên mạng xã hội vu khống cô suốt 10 năm. Có lúc vì quá đau khổ, cô đã rơi vào tình trạng trầm cảm nặng phải tìm đến bác sĩ…
“Cơn bão lăng nhục” trên mạng xã hội đó là chữa dùng của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang - Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng. Theo ông Đặng Hoàng Giang, vào một ngày nào đó bỗng nhiên một cá nhân bị người khác đăng tải clip, hình ảnh của mình các trang mạng xã hội và những clip, hình ảnh ấy đăng lên thì nhận ngay những cú “ném đá, hành hung” không thương tiếc của cộng đồng mạng.
Không cần đọc kỹ, không kiểm chứng - ném đá, xem ảnh thấy ghét - ném đá. Những bình luận ác ý bỗng chốc hóa thành cơn thịnh nộ chà đạp nhân phẩm, danh dự một con người. Đám đông dễ dàng coi người khác là ma quỷ, bởi họ luôn đứng ngoài để phán xét mà không đặt mình vào vị trí của người bị lăng nhục để nhìn nhận sự việc.
Sự vô danh ở trên mạng lại làm cho người ta không ý thức được rằng người kia bị đau đớn. Những nạn nhân của sự lăng nhục bị tổn thương rất lâu sau khi đám đông đã kéo đi chỗ khác và cũng từ đấy những ý nghĩ tiêu cực kéo đến, những ý định về cái chết lôi nạn nhân đi…
Làm gì để chặn đứng tình trạng này? Ở góc độ pháp luật, Hiến pháp có quy định về quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, quyền bảo vệ danh dự, uy tín của một người. Luật dân sự cũng quy định cụ thể: việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.
Luật hình sự khẳng định xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự… Một vụ việc được xử lý điển hình cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật sẽ là bài học răn đe lớn cho các hành vi “dùng bàn phím giết người”, để các “công dân mạng” nhận thức được rằng c ông lý bao giờ bắt nguồn từ cảm xúc đám đông. Đám đông cuồng nộ chỉ có thể tạo ra một thứ độc tài, chứ không tạo ra sự công minh, thượng tôn pháp luật.
Nhiều thanh thiếu niên bị bắt nạt trên mạng.
Tại buổi tọa đàm “Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội” , Luật sư Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, nêu quan điểm khi đã sử dụng các biện pháp “nhẹ nhàng” mà không thể khiến người vu khống khắc phục hậu quả thì nạn nhân có thể dùng biện pháp liên quan đến pháp luật.
Theo luật sư Vũ Phi Long, đứng ở góc độ pháp luật, Facebook, mạng xã hội không ảo, vì nó tồn tại sự thật, tồn tại có thật và từ đó mới sinh ra những hệ quả tốt hoặc xấu mà trong pháp luật gọi là “dữ liệu điện tử”.
Chứng cứ đó có thể được áp dụng trong pháp luật để xem xét, truy cứu trách nhiệm của những người sử dụng mạng xã hội , nếu xâm hại đến quyền tự do, quyền danh dự nhân phẩm của người khác”, luật sư Vũ Phi Long nhấn mạnh - “Bộ luật Hình sự đã ghi rất rõ, đầy đủ, người nào xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác mà sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì sẽ bị xử phạt từ 3 tháng - 2 năm tù”.
Ở góc độ xã hội, theo nhiều chuyên gia giáo dục cần tăng cường giáo dục để cộng đồng đạt tới nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng lời nói trên mạng xã hội. Cũng tương tự như lời nói ở ngoài đời, những lời nhã nhặn, khuyên răn kịp thời có thể làm thay đổi suy nghĩ tiêu cực của đối phương, từ đó dần làm thay đổi những hành vi, việc làm bất thiện, ngược lại, những lời nói ác khẩu, sỉ nhục, lăng mạ có thể đẩy con người vào vực thẳm tội lỗi, khiến người ta ăn năn hối hận cả cuộc đời. Ác ngữ trên mạng xã hội gieo oán đã đành mà cả những cú nhấp chuột tán thành hay chia sẻ để ủng hộ những lời ác ngữ đó cũng đều gây hậu quả nghiệp trọng.
Từ góc độ tâm lý, bác sĩ trị liệu tâm lý y khoa Trương Chí Thông cho rằng cấp cứu tinh thần cho nạn nhân của mạng xã hội là điều tiên quyết: Theo phân tích của bác sĩ, bị bạo hành và xúc phạm là một khủng hoảng trầm trọng đối với lứa tuổi vị thành niên. Nạn nhân cần được cấp cứu ngay về mặt tinh thần, được cách ly ngay lập tức khỏi môi trường có liên quan đến sự việc xảy ra, cần có người thân, bạn thân ở bên cạnh, để không làm điều dại dột…
Bảo vệ trẻ em khỏi “lưỡi hái tử thần” của mạng xã hội
Báo cáo phân tích tình hình trẻ em Việt Nam (2016) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Unicef cho rằng sự phổ biến nhanh chóng của công nghệ truyền thông và thông tin tại Việt Nam đã tạo ra môi trường mới cho bạo lực, xâm hại và bóc lột trẻ em - đó là môi trường mạng. 1/4 số trẻ được khảo sát chia sẻ rằng các em từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. 1/3 số trẻ sử dụng mạng là nạn nhân của bắt nạt trên mạng.
Có thể nói chưa bao giờ việc tiếp cận trẻ em và có thể có động thái xâm hại trẻ em lại dễ dàng đến vậy. Làm thế nào để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng khi hiện nay hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, nhưng không dạy về sử dụng mạng an toàn?
Tại nhiều cuộc hội thảo về vấn đề này, nhiều quan điểm cho rằng truyền thông thay đổi nhận thức là rất quan trọng, trong đó có vai trò rất lớn của của báo chí, truyền thông, nhà trường và gia đình. Nếu cha mẹ, thầy cô không dẫn dắt trẻ thì có vô số kẻ trên thế giới ảo sẽ dẫn dụ vào những con đường chúng ta không lường hết được.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, áp dụng các biện pháp kỹ thuật - công nghệ trên môi trường mạng, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần có đội ngũ chuyên gia tâm lý làm việc tại ngay các cơ sở giáo dục.
Đồng thời nâng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tạo môi trường mạng lành mạnh, trong sạch để khi trẻ em tiếp cận thì hưởng lợi ích nhiều mà tác động tiêu cực ít. Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có những phương pháp và chính sách đặc biệt để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Cần có các sản phẩm truyền thông riêng cho gia đình và trẻ em để cảnh báo nguy cơ sẽ là nạn nhân của mạng xã hội nhất là trẻ em. Đặc biệt, cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp cho ra đời các sản phẩm theo dõi trẻ khi sử dụng mạng để các gia đình chú ý bảo vệ con em mình hay có các phần mềm trong điện thoại cho người dưới 18 tuổi. |
Hoa Bùi - Pháp luật Plus