Phật giáo góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc

07/11/2021 16:00

Kinhte&Xahoi Ngày 7/11, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981 - 7/11/2021) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tham dự buổi lễ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Tại lễ kỷ niệm, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ - Chủ tịch Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đọc Thông điệp của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tăng ni, cư sĩ Phật tử nhân đại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập. Thông điệp nêu rõ, trong chặng đường trưởng thành và phát triển 40 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, làm cho đạo Phật hòa mình trong lòng dân tộc.

Đọc diễn văn khai mạc, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, cách đây 40 năm, từ ngày 4/11 đến 7/11/1981, tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), 9 tổ chức hệ phái trong cả nước cùng Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo, thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay.

Với phương châm hoạt động “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam coi việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là chủ trương xuyên suốt trong mọi hoạt động Phật sự từ cấp Trung ương đến các tổ chức thành viên Ban Trị sự các tỉnh, thành phố và Ban Trị sự các quận, huyện, thị xã, cũng như tới các chùa, cơ sở tự viện và toàn thể tăng ni, Phật tử.

Tại lễ kỷ niệm, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã báo cáo “thành tựu Phật sự trọng đại 40 năm quá trình phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, định hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn 2045”. Báo cáo cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện có 96 thành viên Hội đồng chứng minh, 225 Ủy viên Hội đồng Trị sự chính thức và 45 Ủy viên dự khuyết. Tổng số có gần 55 nghìn tăng ni, hơn 18 nghìn cơ sở tự viện, hơn 50 triệu tín đồ và những người yêu mến đạo Phật. Giáo hội đã thành lập 10 Hội Phật tử Việt Nam trực thuộc Giáo hội và thiết lập mối liên lạc thường xuyên với tăng ni, Phật tử Việt Nam ở 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

40 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp phát triển giáo dục Phật giáo, nghiên cứu khoa học, đào tạo tăng ni, hoằng dương chính pháp và hướng dẫn đồng bào Phật tử. Cùng với đó là những thành tựu trong công tác văn hóa, nghi lễ Phật giáo góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam 40 năm thành lập và phát triển, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hơn 2.000 năm hiện diện trên đất nước Việt Nam, qua những thăng trầm cùng lịch sử, Phật giáo đã sớm hòa nhập vào đời sống xã hội, hòa đồng với cuộc sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân và trở thành một tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam. Phật giáo đã góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống và tư tưởng độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định: Đảng, Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực trong truyền thống dân tộc, tôn vinh những người có công với đất nước và Nhân dân; Đồng thời, không ngừng chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc.

Phát huy truyền thống tốt đẹp Phật giáo Việt Nam trong hơn 2000 năm qua, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch nước mong muốn và đặt nhiều niềm tin vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng tăng ni, Phật tử cả nước sẽ tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo; Phát huy sức mạnh của tôn giáo, của tín ngưỡng, của văn hóa để phát triển đất nước.

“Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa đồng bào Phật giáo ở trong và ngoài nước trong ngôi nhà chung Giáo hội. Thực hiện đoàn kết giữa đồng bào Phật giáo với đồng bào các tôn giáo khác và nhân dân cả nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chủ tịch nước cũng trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba đến 3 tập thể và 7 cá nhân có những đóng góp tích cực trong 40 năm qua cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam...

Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Huy động nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa

Ngày 5/11, Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND TP Hà Nội sau đợt giám sát thực tế các địa phương về việc thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ngày 13/7/2012 của HĐND TP về “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Ba Vì (Hà Nội) có 7 xã miền núi gồm: Tản Lĩnh, Ba Trại, Yên Bài, Minh Quang, Khánh Thượng, Vân Hòa và Ba Vì với 6.583 hộ (bằng 41% tổng số hộ) tương đương 67.987 người dân tộc thiểu số. Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được huyện Ba Vì coi trọng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/phat-giao-gop-phan-lam-phong-phu-sau-sac-them-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-cua-dan-toc-182320.html