Giới trẻ và căn bệnh “cú đêm”

18/10/2021 20:40

Kinhte&Xahoi Trong cuộc sống hiện đại, việc thức khuya gần như đã trở thành thói quen của hầu hết các bạn trẻ. Mỗi người một lý do, “chế độ” thức đêm khác nhau nhưng dường như điểm chung của họ là không thể đi ngủ sớm được. Cứ như vậy, tình trạng này khiến nhiều người mệt mỏi, uể oải và gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe

Áp lực từ công việc quá tải và “nghiện” mạng xã hội

 Là sinh viên năm cuối chuyên ngành ngôn ngữ Anh, Nguyễn Thục Hiền (21 tuổi, sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, từ những năm đầu tiên theo học đại học, việc thức đêm, thậm chí thức đến sáng là thói quen bình thường đối với cô.

Áp lực về công việc, học tập đang khiến ngày càng nhiều người trẻ mắc "căn bệnh" thức đêm

“Ngành học của mình là ngôn ngữ Anh, bình thường đã nhiều bài tập rồi, đến giai đoạn thi cuối kì gần như gấp đôi. Năm nay cũng là năm cuối nên mình muốn tập trung hơn để học tập. Do vậy, việc thức đêm giúp mình có nhiều thời gian hơn.

Mình rất thích học vào đêm khuya, chỉ có những lúc như thế não mới hoạt động hết công suất. Mình thường dành thời gian ngủ vào buổi sáng, sau đó đi học vào buổi chiều, làm thêm vào buổi tối và dành cả đêm để học bài”, Thục Hiền nói.

Phan Tấn Trung (26 tuổi, content designer) cho biết, mỗi tháng, chàng trai trẻ thường có ít nhất 20 ngày ngủ muộn hoặc thức đến sáng. Đặc thù công việc của một designer cần không gian yên tĩnh để tập trung nên hơn 3 năm trong nghề, việc thức đêm đã trở thành một thói quen thường ngày của anh.

“Ngoài những ngày phải tăng ca, mình và bạn bè cũng thường xuyên tán gẫu và chơi game cùng nhau ban đêm. Đây cũng là thời điểm duy nhất trong ngày mà cả lũ cùng rảnh chơi game", Tấn Trung chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ thức đêm vì "nghiện" mạng xã hội

Dù không bận học tập hay công việc nhưng Huỳnh Khải Minh (27 tuổi) cũng thường xuyên thức đêm. Cứ mỗi tối, việc lướt xem các video ngắn trên mạng xã hội trở thành nhu cầu thiết yếu mà anh chàng cần phải thực hiện.

“Không hiểu sao cứ đến ban đêm là mình lại chẳng muốn ngủ. Mỗi tối, nằm trên giường, cứ cầm vào điện thoại hay máy tính là mình đều không bỏ xuống được. Mình lướt Facebook, xem YouTube, TikTok… cứ thế hết đêm. Nhiều hôm, dù mỏi mắt nhưng cứ bỏ điện thoại xuống là mình lại bứt rứt, khó chịu”, Minh chia sẻ.

Thói quen gây hại cho sức khỏe

 Trước kia, Hải Linh (23 tuổi) thường đi ngủ vào lúc 2 giờ sáng. Đó là nguyên nhân cô gái trẻ bị tăng cân, mọc nhiều mụn và thường xuyên đau dạ dày. Thời gian gần đây, Linh phấn đấu ngủ sớm từ khoảng 23h, chịu khó nấu ăn và hạn chế trà sữa, đồ ngọt.

"Lúc đọc được bài chia sẻ của nhiều người trẻ, mình hoang mang quá, cảm giác như họ đang nói từ mình ra vậy. Cứ thế, mình lo sợ, không biết nói cùng ai và tự trấn an "dạo này mình cũng đỡ đỡ rồi". Mấy hôm trước, mình và đứa bạn hẹn nhau đi khám sức khỏe và thay đổi thói quen thức khuya vì cả lũ đều biết sợ là gì rồi", Linh chia sẻ.

Thức đêm nhiều khiến bạn trẻ gặp vấn đề về sức khỏe

Sau một thời gian thức khuya, cảm thấy cơ thể tăng cân không phanh, tay chân và mắt nhanh mỏi, vật vờ, Kim Thoa (25 tuổi, nhân viên văn phòng) bắt đầu tự học cách ngủ sớm.

"Mình chưa cần đọc mấy bài trên mạng xã hội đã tự cảm nhận đó là những dấu hiệu không tốt cho cơ thể. Vậy nên “phòng còn hơn chống”, mình phải tự xây dựng thói quen lành mạnh để bảo vệ cơ thể, thực hiện được những dự định và ước mơ", Thoa nói.

Thực tế, sau một thời gian thức khuya, rất nhiều người gặp các vấn đề về sức khỏe. Nguyên nhân việc ngày càng có nhiều người trẻ tại Việt Nam mắc “căn bệnh” thức đêm được cho là do bị ảnh hưởng bởi lối sống “ngủ ngày cày đêm” đang thịnh hành tại các đô thị lớn trên thế giới.

Theo các chuyên gia y tế, nếu không ngủ ít nhất 6 tiếng vào ban đêm, quá trình chuyển hóa chất béo của cơ thể sẽ bị xáo trộn. Bên cạnh đó, càng thức khuya, con người càng có xu hướng thèm ăn và ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo.

Bạn trẻ nên nên điều chỉnh lại đồng hồ sinh học và thói quen thức đêm của mình để có cơ thể khỏe mạnh

Thức khuya nhiều sẽ phá hủy các tế bào bạch cầu, thành phần cung cấp khả năng miễn dịch cho cơ thể. Đó là lý do tại sao ngủ muộn làm suy yếu hệ miễn dịch. Thức quá khuya cũng là nguyên nhân chính gia tăng số lượng bệnh nhân mắc bệnh tim hiện nay.

Ngủ muộn, lúc thức dậy vào buổi sáng, con người sẽ có cảm giác chuếnh choáng. Bộ não của con người có khả năng đối phó với những cú sốc nhỏ như thế này nhưng trong khoảng thời gian dài sẽ dẫn đến tổn thương não bộ, gây nhức đầu và các vấn đề nghiêm trọng về não.

Thói quen thức khuya nếu được duy trì trong một thời gian dài sẽ là mối nguy hiểm khi nó đang dần âm thầm giết bạn. Đừng để những thói quen không tốt làm ảnh hưởng đến các hoạt động của cơ thể. Chúng ta đang sống trong một thế giới hiện đại và sôi động nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta buông bỏ sức khỏe. Các bạn trẻ nên nên điều chỉnh lại đồng hồ sinh học và thói quen thức đêm của mình để có một cơ thể thật khỏe mạnh.

 Trung Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Âm nhạc thi thoảng lại có “rác”

Thời gian vừa qua, dư luận lại một phen phẫn nộ khi một số các hiện tượng âm nhạc tung ra với nội dung phản cảm, tục tĩu, "sáng tạo" quá trớn. Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra văn bản chấn chỉnh điều này, các nghệ sĩ và dư luận cũng lên án gay gắt. Một lần nữa chúng ta có thể khẳng định sáng tạo không hợp thuần phong mĩ tục, không dựa trên nền tảng văn hóa thì những "nghệ sĩ" kia đang tự đào hố chôn mình. Song, bài học đặt ra sau những sự việc như thế này là gì?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/gioi-tre-va-can-benh-cu-dem-180634.html