Việc chiếm dụng vỉa hè ngõ Cầu Gỗ (quận Hoàn Kiếm) diễn ra tràn lan khiến du khách phải di chuyển dưới lòng đường.
Những vi phạm quy tắc ứng xử nơi công cộng
Dạo quanh khu vực phố cổ, thường xuyên bắt gặp hình ảnh du khách đi bộ xuống lòng đường. Lý do là vỉa hè đã bị nhiều người dân chiếm dụng hoàn toàn. Có thể kể đến những tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm như phố Hàng Dầu, Lò Sũ, Cầu Gỗ... luôn có tình trạng bày hàng hóa, phương tiện, thậm chí cả bếp nấu trên vỉa hè. Hơn 10h sáng, quán ăn ở số nhà 71 phố Lò Sũ đã xếp bàn ghế thành dãy dài trên vỉa hè.
Từ phố Hàng Bè đến phố Gia Ngư, ngõ Cầu Gỗ hàng quán bán thực phẩm, gồm cả thức ăn tươi sống và chế biến, bày san sát, ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè. Tương tự, vỉa hè các tuyến phố Hàng Chiếu, Hàng Mã đầy ắp hàng hóa các chủng loại từ đồ văn phòng phẩm đến các mặt hàng lưu niệm, trang trí và đồ gia dụng... Các tuyến phố Lò Rèn, Hàng Thiếc, Hàng Đồng... còn diễn ra tình trạng gia công hàng hóa ngay trên vỉa hè gây ô nhiễm tiếng ồn và bụi bặm cho cả khu vực dân cư.
Khảo sát tại khu vực hồ Tây, điểm du lịch thu hút nhiều du khách đến tham quan, tình trạng mất an ninh trật tự đô thị, vệ sinh môi trường không phổ biến như khu vực hồ Hoàn Kiếm, nhưng vẫn tồn tại những hình ảnh chưa đẹp, gây phản cảm trong lòng du khách. Hầu hết diện tích vỉa hè trên tuyến phố Nguyễn Đình Thi được các quán cà phê tận dụng triệt để, bày kín bàn ghế phục vụ khách. Tình trạng phương tiện dừng đỗ sai quy định trên các tuyến phố xung quanh hồ Tây cũng diễn ra thường xuyên dù lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý nhưng vi phạm vẫn tái diễn.
Ở địa bàn nhiều địa phương khác, việc vi phạm Quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng không phải là hiếm gặp. Những khu vực tập trung đông dân cư như chợ dân sinh, nhà ga, bến xe... xuất hiện tình trạng nói tục, xả rác thải tùy tiện, xâm hại cảnh quan, cây xanh, sử dụng không gian, công trình công cộng vào mục đích cá nhân...
Theo chị Nguyễn Huyền Trang (phường Liễu Giai, quận Ba Đình), việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội chưa có nhiều chuyển biến mạnh. Nguyên nhân do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, xem nhẹ giá trị văn hóa, coi trọng giá trị kinh tế, sẵn sàng vi phạm trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường để thu lợi. Trong khi đó, chế tài xử phạt vi phạm quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố như một biện pháp răn đe, giáo dục, điều chỉnh hành vi để nâng cao ý thức người dân trong thực hiện nếp sống văn hóa, thanh lịch, văn minh còn chưa đủ mạnh...
Đưa Hà Nội trở thành “đô thị đáng sống”
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Nội đã được đưa vào các chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội ở nhiều nhiệm kỳ liên tiếp, được xác định là khâu đột phá của Chương trình số 06-CTr/TU (khóa XVII) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”. Việc tuyên truyền lồng ghép các nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng với các nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh sẽ tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn thành phố.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, để khắc phục những khó khăn tác động đến việc thực hiện phong trào xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn dân cư, góp phần tích cực trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, cần nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền. Đặc biệt, cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, tổng kết rút kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến.
Xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì và bền bỉ tiến hành thường xuyên, tại Chỉ thị số 30-CT/TU, Ban Thường vụ Thành ủy đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, mỗi công dân Thủ đô trong sinh hoạt, hoạt động đầu tư, thương mại, dịch vụ… cần giữ gìn, có văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, thể hiện sự lịch lãm, tinh tế, thân thiện, hiếu khách, ứng xử văn minh, xứng đáng là người dân Thủ đô, làm cho Hà Nội trở thành một “đô thị đáng sống”, điểm đến hấp dẫn về lịch sử, văn hóa và con người đối với du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó, cấp ủy và hệ thống chính trị cơ sở kiên trì vận động, hướng dẫn các khu dân cư, các gia đình tự giác thực hiện Chỉ thị; xây dựng, nhân rộng các mô hình “Khu dân cư văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa”…
Nhóm PV - Hà Nội mới