Gỗ Trường Thành (TTF): Lỗ thêm 170 tỷ trong quý 3, nâng tổng lỗ 9 tháng lên gần 500 tỷ đồng
Kinhte&Xahoi
Thực tế doanh thu ghi nhận tại TTF vẫn chưa hỗ trợ cho kỳ vọng của ban lãnh đạo nói chung và "người cứu cánh" kiêm tân Chủ tịch - ông Mai Hữu Tín nói riêng. Trên thị trường, cổ phiếu TTF dù có "nỗ lực" phục hồi song vẫn còn ở mức khá thấp 2.970 đồng/cp, thanh khoản không mấy cải thiện.
Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đã công bố BCTC hợp nhất quý 3/2019 với doanh thu 112,5 tỷ đồng, giảm hơn 63% so với cùng kỳ. Trừ đi giá vốn, TTF lỗ gộp hơn 115 tỷ, cải thiện so với mức lỗ 160 tỷ hồi quý 3 năm ngoái.
Về hoạt động tài chính, doanh thu giảm từ 11 tỷ về 4,7 tỷ đồng (do giảm mạnh khoản lãi tiền gửi), đặc biệt chi phí lãi vay giảm mạnh hơn một nửa kéo chi phí tài chính sụt giảm.
Ngược lại, áp lực chi phí quản lý và bán hàng tăng (trong đó quý 3/2018 Công ty được hoàn nhập hơn 64 tỷ đồng chi phí dự phòng thu khó đòi) khiến lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tăng từ mức lỗ 157 tỷ (quý 3/2018) lên lỗ hơn 177 tỷ đồng.
Đồng thời, do năm ngoái TTF có phát sinh khoản thu nhập khác 124 tỷ (gồm hơn 1 tỷ đồng thanh lý, đặc biệt ghi nhận giá trị còn lại của tài sản sau khi dùng đảm bảo khoản vay trị giá gần 117 tỷ đồng), kết quả kết thúc kỳ Công ty báo lỗ ròng lên đến 178 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ thua lỗ hơn 33 tỷ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, TTF đạt 422 tỷ doanh thu, giảm 35% so với 9 tháng đầu năm 2018. Lỗ ròng ghi nhận gần 498 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức thua lỗ khoảng 765 tỷ cùng kỳ.
Đặt đặt kế hoạch 2019, TTF kỳ vọng đạt doanh thu 1.291,4 tỷ đồng, giá vốn dự kiến tăng mạnh khiến Công ty dự trù lỗ gộp 143,6 tỷ, trừ đi tất cả chi phí TTF dự trù lỗ ròng 588 tỷ đồng. Sau 9 tháng, Công ty đã thực hiện được hơn 34% chỉ tiêu doanh thu, và đang tiến sát mức lỗ ròng dự kiện.
Được biết, để thúc đẩy doanh thu năm nay, TTF bên cạnh việc cung cấp lắp đặt sản phẩm nội ngoại thất cho các đối tác lớn như Vingroup (VIC), Tân Hoàng Minh, SunGroup… sẽ tìm kiếm các đơn vị mới như BOHO DÉCOR nhằm tạo chuỗi giá trị khép kín từ thiết kế, sản xuất đến thi công. Mặt khác, sau khi sáp nhập Sứ Thiên Thanh cũng đặt kế hoạch mở rộng thương hiệu này, nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm gỗ kết hợp thiết bị vệ sinh.
Về xuất khẩu, TTF kỳ vọng đẩy mạnh hơn mảng xuất khẩu các sản phẩm gỗ, từ đó tăng doanh thu tại các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Ý… thông qua các nhà bán lẻ như Ikea, Ashley, At Home, Kosmo…
Công ty cũng cho biết sẽ tiếp tục thoái vốn tại công ty con, công ty liên kết nhằm bổ sung vốn lưu động cho việc sản xuất chính.
Tuy nhiên, thực tế doanh thu ghi nhận tại TTF vẫn chưa hỗ trợ cho kỳ vọng của ban lãnh đạo nói chung và "người cứu cánh" kiêm tân Chủ tịch - ông Mai Hữu Tín nói riêng. Trên thị trường, cổ phiếu TTF dù có "nỗ lực" phục hồi song vẫn còn ở mức khá thấp 2.970 đồng/cp, thanh khoản không mấy cải thiện.
Tính đến cuối quý 3/2019, TTF đang có mức lỗ luỹ kế hơn 2.603 tỷ đồng, vốn chủ âm 127 tỷ. Tổng tài sản đạt 2.532,6 tỷ, nợ hiện vượt với 2.659,5 tỷ đồng – riêng nợ vay vào mức 498 tỷ đồng.