Như vậy, các bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Thủ đô hiện đang điều trị cho 1.286 ca sốt xuất huyết, trong đó 35 ca nặng.
Theo kết quả giám sát, tuýp vi rút Dengue lưu hành trên địa bàn Hà Nội năm 2023 là DEN-1 và DEN-2. Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Mạnh Hà, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đông Anh) cho biết, khi mắc tuýp vi rút DEN-2, bệnh thường nặng hơn so với các tuýp vi rút còn lại. Gần đây, bệnh viện đã điều trị thành công nhiều ca nặng, nhập viện trong tình trạng tiểu cầu giảm sâu và nhanh, men gan tăng cao do dùng thuốc hạ sốt tại nhà không đúng cách.
Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh.
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cũng tiếp nhận những ca sốt xuất huyết có diễn biến nặng, được hội chẩn, chuyển tuyến lên bệnh viện trung ương. Sau đó, sức khỏe của bệnh nhân ổn định.
Thống kê tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương), từ đầu tháng 8-2023 đến nay, có hơn 100 trẻ nhập viện do sốt xuất huyết. Bệnh viện Nhi trung ương cũng đã tổ chức cập nhật và chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue. Tiến sĩ - bác sĩ Phan Hữu Phúc, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương nhấn mạnh, sốt xuất huyết là một bệnh lý không mới. Tuy nhiên, các vấn đề về kiểm soát, dự phòng và điều trị vẫn luôn là những thách thức với ngành Y tế.
“Sốt xuất huyết là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em. Hiện, Việt Nam chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Do đó, việc cập nhật và chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết là rất cần thiết nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, củng cố kiến thức, kỹ năng lâm sàng, hạn chế bệnh chuyển nặng và giảm tử vong do sốt xuất huyết”, Tiến sĩ - bác sĩ Phan Hữu Phúc nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia y tế, trẻ mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.
Giai đoạn nguy hiểm, thường rơi vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Vào giai đoạn này, trẻ có thể vẫn còn sốt hoặc đã thuyên giảm nhưng có nguy cơ bị thoát huyết tương. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện thường nhận thấy như: Vật vã, bứt rứt, li bì, tụt huyết áp, xuất huyết dưới da… Sau giai đoạn nguy hiểm là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, trình trạng sức khỏe cải thiện nhiều, thèm ăn…
Kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.
Còn đối với người lớn, vì sốt xuất huyết có biểu hiện giống như sốt do các vi rút khác, nên thường chủ quan, không đi khám hoặc tự điều trị tại nhà. Thậm chí, có trường hợp tự ý truyền dịch và dùng kháng sinh, điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Theo các chuyên gia y tế, dù sốt xuất huyết là bệnh tự khỏi trong vòng 7 ngày nhưng khoảng 5% bệnh nhân có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc nặng, nếu không chữa trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong. Do đó, người bệnh khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột, liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, đau đầu, đau người kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng... thì nên đến bệnh viện khám để được điều trị kịp thời.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bình An, Khoa Bệnh lây đường máu (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cũng lưu ý, khi bệnh nhân hết sốt thường giảm tiểu cầu, gây nguy cơ xuất huyết nội tạng, xuất huyết tiêu hoá như đi tiểu ra máu, đại tiện phân đen… Nguy cơ lớn nhất là bệnh nhân bị ngã, gây xuất huyết não. Do đó, bệnh nhân đến khám nên có người nhà đi cùng để tránh tình trạng choáng, ngất do tiểu cầu xuống thấp.
Thu Trang - Hà Nội mới