Hà Nội: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,91%

29/03/2022 10:50

Kinhte&Xahoi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2022 trên địa bàn Hà Nội tăng 0,91% so với tháng trước, tăng 2,18% so với tháng 12-2021 và tăng 3,21% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý I-2022 tăng 2,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng khá cao.

Trong tháng, 10/11 nhóm hàng có chỉ số CPI tăng so với tháng trước. Cụ thể, nhóm giao thông tăng 4,52% (tác động làm tăng CPI chung 0,44%) chủ yếu do giá xăng, dầu tăng cao (xăng tăng 13,28%; dầu diezel tăng 18,25%). Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,7% (tác động làm tăng CPI chung 0,35%) do ảnh hưởng của giá gas và dầu thế giới trong tháng tăng cao (gas tăng 8,61%; dầu tăng 18,31%), bên cạnh đó, chi phí vận chuyển tăng nên giá vật liệu xây dựng cũng tăng 1,15%. Nhóm giáo dục tăng 0,69% do trong tháng các trường học đã cho học sinh đi học trực tiếp nên mức thu học phí tăng lên. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,22% vì đang là thời điểm giao mùa, đồng thời, học sinh, sinh viên quay trở lại trường nên nhu cầu may mặc tăng cao. Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,08%; nhóm bưu chính - viễn thông tăng 0,2%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,76%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,04%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,08%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,1%.

Riêng nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,44% so với tháng trước.

So với tháng trước, chỉ số giá vàng tăng 3,59% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,63%.

 Anh Minh - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhiều hoạt động hấp dẫn tại “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2022

“Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2022 được tổ chức nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Đẩy mạnh liên kết để phát triển du lịch

Sau gần 2 năm tạm ngưng do dịch Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã nối lại các hoạt động hợp tác phát triển du lịch. Các địa phương trong vùng đặt mục tiêu chung phát huy tối đa lợi thế vốn có để sớm hồi phục và phát triển ngành công nghiệp không khói quan trọng này.

Nguồn: Hà Nội mớihttp://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1028106/ha-noi-chi-so-gia-tieu-dung-thang-3-tang-091