Hà Nội: Khó thu hồi nhiều dự án bất động sản chậm triển khai

10/07/2019 15:37

Kinhte&Xahoi Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 9 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội nóng lên với các vấn đề về dự án chậm triển khai, dự án nợ tiền sử dụng đất, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Quang cảnh kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 9 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội diễn ra sáng 9/7 đã có nhiều vấn đề về dự án chậm triển khai, dự án nợ tiền sử dụng đất, dự án điều chỉnh quy hoạch nhiều lần... gây lãng phí nguồn lực đất đai của thành phố, khiến dư luận bức xúc đã được đông đảo đại biểu hội đồng thành phố chất vấn. 

Thiếu sự phối hợp của chủ dự án

Bước vào phần chất vấn nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đã thẳng thắn đặt câu hỏi với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cùng một số sở và quận huyện liên quan.

Đại biểu Trần Vân Hoa (tổ Tây Hồ) chất vấn, qua giám sát, trên địa bàn thành phố có 38/78 dự án vi phạm đất có quyết định thu hồi đất với diện tích 990,4ha.

Đến nay, còn 18 dự án chưa được thu hồi trên thực địa, đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết kế hoạch xử lý của Ủy ban Nhân dân thành phố đối với 18 dự án này thế nào? Bao giờ mới thu hồi? Lý do gì và rào cản nào khiến cho quyết định của thành phố không có hiệu lực? Phương án để giải quyết?

Còn đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (tổ Sơn Tây) cho rằng, vấn đề dự án chậm triển khai đã được thành phố quan tâm giải quyết, Hội đồng nhân dân thành phố cũng đã nhiều lần chất vấn và tái chất vấn nhưng kết quả giải quyết xử lý dự án chậm triển khai khiến cử tri vẫn chưa hài lòng với khối lượng công việc mà các ngành đã tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố thực hiện thời gian qua, cần phải quy rõ trách nhiệm đối với việc chậm thu hồi dự án.

Liên quan đến những dự án trên địa bàn đang nợ tiền thuê đất để trục lợi cá nhân, một số đại biểu đặt câu hỏi, đến bao giờ mới có giải pháp để chấm dứt tình trạng trên.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố nhìn nhận, nguyên nhân là mức xử phạt hành chính chưa đủ mức răn đe.

Luật Thủ đô đã quy định cho phép Hà Nội được quyền phạt gấp đôi cho nên thành phố cần nâng mức xử phạt lên cao hơn đối với việc vi phạm đất đai trong triển khai các dự án.

Giải trình tại phiên chất vấn, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, danh mục các dự án có sử dụng đất, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai theo Báo cáo số 57/BC-HĐND ngày 17/7/2018 gồm 544 dự án.

Từ tháng 7/2018 đến 31/5/2019, Sở này đã thanh kiểm tra liên ngành đối với 379 dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, đề xuất các biện pháp xử lý đối với 304 dự án; trong đó kiến nghị thu hồi hoặc bãi bỏ quyết định giao đất, với 24 dự án có tổng diện tích hơn 1.552ha đất.

Tiếp đến tháng 5/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã lập hồ sơ, trình Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành 10 quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuế đất với tổng diện tích 285ha đất; tiếp tục trình Ủy ban Nhân dân thành phố thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuế đất đối với 14 dự án với diện tích hơn 1.267ha.

Ông Đông cũng nêu một số khó khăn khi thực hiện thu hồi dự án, đó là các tổ chức không phối hợp, không kê khai kiểm đếm đo vẽ để Hội đồng giải phóng mặt bằng quận huyện tiến hành giải phóng mặt bằng, không cung cấp tài liệu, không bàn giao nhà xưởng, không liên lạc được…

Nhùng nhằng về trách nhiệm

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cho biết về một số dự án chậm triển khai đang nợ đọng thuế, ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hà Nội thừa nhận có phần trách nhiệm của Cục Thuế Hà Nội và bày tỏ quyết tâm trong thời gian tới Cục này sẽ quyết liệt hơn nữa trong phối hợp với sở, ngành và tham mưu cho thành phố những giải pháp mạnh hơn.

“Cục sẽ hoàn thành mục tiêu đưa số nợ thuế dưới 5% trong năm nay, cùng với đó tiếp tục duy trì các biện pháp công khai nợ thuế…” - Cục trưởng Mai Sơn nhấn mạnh.

Điều hành phiên chất vấn bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố. Hà Nội ghi nhận những việc làm mà Ủy ban Nhân dân thành phố và các sở, ngành đã triển khai để đôn đốc thu hồi đất, tiền sử dụng đất đối với những doanh nghiệp vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn trong thời gian qua.

Bà Ngọc cho rằng dù đạt được kết quả nhưng trước đòi hỏi của cử tri Thủ đô là rất cao, các cấp ngành của thành phố phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa thu hồi dự án chậm triển khai.

"Đề nghị sau cuộc họp này, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố phải chủ trì xác định rõ một số dự án nguyên nhân nguyên nhân vì sao chưa thu hồi trên thực địa, để xem trách nhiệm thuộc về ai, chứ không thể huyện bảo sở, sở lại nói huyện.

Còn các dự án sử dụng đất dừng triển khai nhưng để thực hiện việc đó vẫn kéo dài thì cần phải thực hiện nghiêm túc và xem xét mối quan hệ công tác giữa các cơ quan" - Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố chỉ đạo.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Bích Ngọc cho biết thêm, theo giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố có 38/78 dự án có quyết định thu hồi nhưng chưa thực hiện theo quyết định.

Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị các sở ngành rà soát chính xác lại 18 dự án này để giải quyết vướng mắc./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phải chăng còn thiếu tiêu chuẩn thẩm định lời văn quảng cáo?

Liên quan tới công văn của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa thể thao và du lịch) yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của nhãn hàng Coca - Cola Việt Nam, khi sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam” có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về quảng cáo, bên cạnh những “lùm xùm” về mặt ngữ nghĩa mà dư luận đang hướng tới, câu chuyện trên còn tồn tại một nghịch lý khác.

Theo TTXVN/ Hoà Nhập