Hà Nội mất mỹ quan đô thị và lộn xộn giao thông đến bao giờ?

17/08/2019 10:49

Kinhte&Xahoi Nhiều tháng nay, cả một dải vỉa hè trên đường Xuân Thuỷ quận Cầu Giấy, Hà Nội bị hư hỏng nặng, gạch lát bị vỡ bong tróc rơi cả xuống lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cũng như gây mất mỹ quan đô thị. Cùng với đó, tình trạng xe taxi vô tư đón trả khách trên tuyến đường bất chấp biển cấm vẫn thường xuyên xảy ra, gây nên tình cảnh lộn xộn, giao thông thường xuyên ùn tắc.

Xe taxi đi vào tuyến đường trong khung giờ cấm

Đường nhếch nhác, hư hỏng

Theo ghi nhận trên vỉa hè đoạn đường Xuân Thủy, nhiều đoạn bị hư hỏng nặng. Tình trạng gạch lát, xi măng bị bong tróc trơ lên đất đá, nhiều chỗ chắp vá nham nhở, lồi lõm, các nắp cống ngầm bị mở ra nhưng không được đậy lại diễn ra từ lâu, nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng tiến hành sửa chữa kịp thời.

Là đoạn đường được đầu tư, xây dựng cải tạo nhiều lần nhưng vỉa hè gần như luôn ở trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng. Những đoạn bị hư hỏng nặng chủ yếu nằm ở rìa ngoài sát với mép đường, có đoạn gạch bị bong tróc rơi xuống cả lòng đường, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không chỉ do vấn đề thi công chưa được đảm bảo, mà còn là do tình trạng người tham gia giao thông cố tình đi lên vỉa hè, gây áp lực và ảnh hưởng tới công trình.

Đường Xuân Thủy là một trong những cung đường chính của Thủ đô, có mật độ giao thông dày đặc, vào giờ cao điểm thì tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra nghiêm trọng. Chính vì thế mà nhiều người điều khiển xe gắn máy đã luồn lách đi xe lên vỉa hè, nơi vốn để dành cho người đi bộ. Lâu ngày khiến cho vỉa hè của đoạn đường bị hư hỏng.

Một người bán hàng ở khu vực này cho biết: “Chỗ này hỏng lâu rồi, có người đến kiểm tra rồi sửa nhưng rồi đâu lại vào đấy. Cứ vào lúc cao điểm, đoạn này tắc thì xe máy đi hết lên vỉa hè, đi bộ còn không có chỗ đi, xe máy đi lên hết rồi”. 

Đường Xuân Thuỷ hiện nay thuộc quản lý của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tuy đã được sửa chữa, xây lại nhưng nhiều đoạn vỉa hè vẫn nứt hỏng, gạch vỡ rơi xuống lòng đường, nham nhở đất đá. Những đoạn vỉa hè không bị bong tróc cũng gồ ghề, những cống ngầm được cạy lên nhưng không được đặt nắp, lại trơ lên cả dây điện, cống ngầm.

Taxi vô tư đón trả khách trong giờ cấm

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã công bố danh sách 11 tuyến phố cấm xe taxi trên địa bàn theo các khung thời gian tương ứng nhằm giảm thiểu nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông. Theo đó, kể từ ngày 20/7/2019, tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy xe taxi, xe hợp đồng sẽ bị cấm hoạt động 24/24. Tuy nhiên theo quan sát thực tế thì tình trạng các xe taxi vẫn ngang nhiên hoạt động ở đây.

Chỉ cần đứng quan sát một thời gian ngắn, không khó để nhận ra hàng loạt xe taxi vẫn di chuyển và đón trả khách trên đường không kể thời gian.

Đoạn đường có nhiều tuyến xe buýt hoạt động hàng ngày và lòng đường bị thu hẹp do lắp rào chắn phục vụ việc xây dựng tuyến đường sắt trên cao, lưu lượng giao thông trên đoạn đường này luôn ở mức lớn nên việc các tài xế taxi vẫn cố tình di chuyển vào tuyến đường, dừng đón trả khánh khiến áp lực giao thông tại khu vực tăng cao, xung đột giao thông thường xuyên xảy ra.

Theo Điểm b Khoản 4 và Điểm b, Điểm c Khoản 12 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐCP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người điều khiển phương tiện ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 800.000 -1,2 triệu đồng nếu đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều".

Đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Nếu gây tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng. Thế nhưng, do ý thức chấp hành quy định của các lái xe taxi còn hạn chế, nên tình trạng vi phạm vẫn thường xuyên xảy ra trên đoạn đường này.

Theo thông tin từ Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, Thanh tra Sở đã kiểm tra, xử lý hơn 350 trường hợp phương tiện đi vào giờ cấm, chạy sai giờ, sai tuyến đường, phạt tiền hơn 780 triệu đồng, tước GPLX 244 trường hợp.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn giao thông, cũng như nâng cao ý thức chấp hành luật quy định của người tham gia giao thông, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, tuần tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tìm cách thu hút khách quốc tế

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong 7 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có dấu hiệu chững lại

Nguồn: Pháp luật Plus