Hà Nội phản bác thông tin 'đội sổ' ô nhiễm không khí
Kinhte&Xahoi
Chất lượng không khí ở Hà Nội trong khoảng 1 tuần trở lại đây liên tục bị cho là ở mức kém, thậm chí có những thời điểm chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) lên cao, vượt ngưỡng 200 (mức rất không lành mạnh theo tiêu chí WHO). Theo ghi nhận trên trang quan trắc Air Visual sáng 26/9, chất lượng không khí trung bình ở Hà Nội duy trì ở mức 187, khu vực Tây Hồ lên đến 224.
Theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường, số liệu về chất lượng không khí trên một số trang mạng là không chính xác
Trả lời báo chí, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT Hà Nội phản bác thông tin chỉ số AQI ở Hà Nội “đội sổ” thế giới, cho rằng các số liệu thống kê chưa đầy đủ và cũng không khách quan.
“So sánh chỉ số AQI đó mà kết luận Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới là không chính xác. Tại những website thống kê này, họ lấy số liệu từ 1 trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ, chứ không phải lấy số liệu từ 10 trạm quan trắc của chúng tôi. Vì vậy số liệu này không đại diện cho cả TP và cũng không chính xác”, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) nói.
Ngoài ra, khu vực Đại sứ quán Mỹ nằm cạnh đường Láng Hạ, có mật độ giao thông cao, nhiều công trình đang xây dựng, nên cũng là một trong những điểm có chất lượng không khí kém so với mặt bằng chung của TP.
Để đánh giá được chính xác chất lượng không khí cả TP, số liệu phải được lấy từ nhiều trạm, mỗi trạm lấy nhiều lần từ các thời điểm khác nhau trong ngày thì mới đánh giá đầy đủ được. “Nếu chỉ lấy số liệu ở 1 thời điểm, từ 1 trạm quan trắc trong TP rộng hơn 3.300km2 thì không thể chính xác, khách quan”, vị này nhận xét.
Về hiện tượng chất lượng không khí xấu trong những ngày gần đây, vị này giải thích do hiện tượng sương mù dày xuất hiện liên tục khiến lớp bụi tích tụ bên trong TP không thoát ra được. Nồng độ bụi thường xuyên duy trì ở mức cao nên chất lượng không khí sụt giảm.
“Thời điểm này ở Hà Nội cũng không phải tốt cho chất lượng không khí. Đây đang là thời điểm giao mùa, xuất hiện rất nhiều sương mù bao bọc, đến gần trưa mới tan. Vì thế chất lượng không khí mới kém lúc sáng sớm và tối muộn, khác với các xu hướng thông thường”, vị này phân tích.
Theo nhận định, không khí Hà Nội phải chờ khi nào có các đợt không khí lạnh, gió mùa Đông Bắc thì chất lượng mới được cải thiện. “Theo dự báo của chúng tôi thì khoảng 10 ngày nữa chất lượng không khí sẽ được cải thiện”, đại diện Chi cục BVMT cho hay.
* Liên quan lĩnh vực này, Sở TN&MT TP HCM vừa có kết luận không khí ô nhiễm kết hợp độ ẩm cao gây ra hiện tượng mù ở TP HCM thời gian vừa qua, chứ không phải do ảnh hưởng cháy rừng từ Indonesia.
Số liệu Trung tâm Quan trắc TN&MT TP HCM đo tại 30 vị trí trong tháng 9 cho thấy, các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO... tăng đột biến trong các ngày 18 đến 20/9. Có ngày bụi lơ lửng tăng gấp 2,19 lần; NO2 tăng 1,41 lần; CO tăng 1,4 lần.
Kết quả này được công bố sau gần 10 ngày bầu trời TP HCM liên tục bị mù bao phủ. Nguyên nhân là hoạt động hội tụ nhiệt đới kết hợp không khí lạnh khuếch tán sâu, khiến TP luôn nhiều mây, không có nắng; độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết, hơi nước bám vào. Ngoài ra, do trời không nắng, không đủ bức xạ làm nóng mặt đất tạo ra lớp nghịch nhiệt khiến không khí ô nhiễm không thể phát tán lên cao (nằm sát mặt đất). Việc này làm lớp mù ngày càng dày đặc, lâu tan.
Dựa vào các dữ liệu dự báo trong nước và quốc tế, Trung tâm Quan trắc bác bỏ quan điểm cho rằng “ô nhiễm không khí tại TP HCM do ảnh hưởng của cháy rừng ở Indonesia” như một số thông tin trên Internet. Tình trạng mù những ngày qua cũng thường xảy ra định kỳ hàng năm vào khoảng tháng 9 và 10 tại TP HCM, được gọi là mù khô quang hóa.
Hiện tượng này ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống người dân và có thể được phát hiện sớm. Tuy nhiên, TP HCM hiện chỉ có thể quan trắc thủ công gián đoạn, chưa được chia sẻ dữ liệu và các báo cáo về tình hình diễn ra nghịch nhiệt từ các cơ quan khí tượng, nên việc đánh giá chất lượng và khuyến cáo cho người dân còn hạn chế.
Sở TN&MT sẽ trình UBND thành phố điều chỉnh đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường đến năm 2020, tầm nhìn 2030; đồng thời đầu tư năng lực đánh giá chính xác về hiện tượng mù quang hóa và hiện trạng ô nhiễm môi trường không khí.
Để hạn chế ảnh hưởng sức khỏe, người dân được khuyến cáo hạn chế tham gia giao thông. Nếu phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang, kính che mắt...