Hải Phòng: Chỉ được bán thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sỹ

01/03/2022 07:27

Kinhte&Xahoi ​Để đảm bảo việc mua bán, sử dụng thuốc Molnupiravir an toàn, hiệu quả và đúng quy định, Sở Y tế Hải Phòng đã có công văn chỉ đạo về việc mua bán, sử dụng thuốc Molnupriravir.

Hải Phòng khuyến cáo người dân không nên lo lắng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc kháng virus Covid-19 (Ảnh minh hoạ).

Theo đó, Sở Y tế Hải Phòng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) phối hợp với các cơ quan truyền thông thông báo, tuyên truyền cho người dân về các lợi ích rủi ro khi sử dụng thuốc, các phương pháp điều trị, các thuốc khác có thể thay thế thuốc Molnupiravir trong điều trị COVID-19. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sỹ, nhân viên y tế. Người dân không nên lo lắng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc, vì việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do nguy cơ từ các phản ứng có hại của thuốc.

Các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường theo dõi, giám sát, phát hiện, xử trí các trường hợp xảy ra phản ứng có hại của thuốc (nếu có) và gửi báo cáo phản ứng có hại của thuốc về: Trung tâm quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (13-15 Lê Thánh Tông, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hoặc Trung tâm khu vực về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc TP Hồ Chí Minh (201B Nguyễn Chí Thanh, Quận 5, TP Hồ Chí Minh) theo quy định.

Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh dược cần nghiêm túc thực hiện Công văn số 1033/SYT-NVD ngày 24/02/2022 của Sở Y tế. Kinh doanh đúng phạm vi được quy định trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; chỉ được bán thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sỹ.

Trước đó, ngày 24/02, Sở Y tế Hải Phòng đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TP chỉ được kinh doanh các thuốc đã được cấp phép, tuyệt đối không kinh doanh thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir chưa được cấp phép lưu hành. 

Các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh thuốc như bảo quản thuốc theo đúng quy định của nhà sản xuất, đảm bảo về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ; bán thuốc kê đơn, lưu đơn theo đúng quy định; có sổ theo dõi thông tin bệnh nhân; niêm yết giá thuốc và bán đúng giá đã niêm yết.

Nghiêm cấm việc bán lẻ thuốc theo đơn mà không có đơn thuốc, đặc biệt các thuốc corticoid và thuốc chống đông máu; bán thuốc cao hơn giá kê khai, giá niêm yết; bán thuốc đã hết hạn sử dụng; thuốc bảo quản không đúng quy định ghi trên nhãn thuốc, thuốc đã có thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ cho người sử dụng.


Đồng thời, tư vấn, hướng dẫn người mua có thể sử dụng các thuốc đông y, thuốc từ dược liệu trong điều trị COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để thu mua, đầu cơ, tích trữ, tăng giá đột biến thuốc và các trang thiết bị y tế nhằm thu lợi bất chính.

 Nguyên An - Hải Anh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

22 tác phẩm được trao giải tại Liên hoan phim toàn quốc về An toàn giao thông năm 2021

Liên hoan phim toàn quốc về An toàn giao thông năm 2021 với chủ đề "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông" nhận được tổng số 210 tác phẩm dự thi ở cả 2 hạng mục phóng sự và clip ngắn. Đây là lần thứ 3 Toyota Việt Nam đồng hành cùng chương trình.

Phát triển công nghiệp văn hóa từ tiềm năng lễ hội: Một trụ cột quan trọng của tài nguyên mềm văn hóa Thủ đô

Lịch sử ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội luôn gắn liền với sự hình thành và sức sống của các lễ hội. Lĩnh vực này cũng được xem như một trong 8 trụ cột của tài nguyên mềm văn hóa có thể giúp Thủ đô vươn mình mạnh mẽ trong hành trình phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thủ đô và đất nước.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/hai-phong-chi-duoc-ban-thuoc-molnupiravir-khi-co-don-cua-bac-sy-d177331.html