Hành trình tịch thu hơn 1300 tỷ của Phan Sào Nam

06/03/2019 09:17

Kinhte&Xahoi Chỉ sau một cuộc gặp với lãnh đạo Công an Phú Thọ, Phan Sào Nam tự nguyện khai và nộp hết tài sản, tổng cộng hơn nghìn tỷ đồng.

Phan Sào Nam là mắt xích quan trọng sáng lập, vận hành đường dây đánh bạc chục nghìn tỷ đồng được hai tướng công an bảo kê. Từ năm 2015 Công ty VTC Online do Nam làm Chủ tịch HĐQT cùng với Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương và công ty Nam Việt do Hoàng Thành Trung quản lý chi nhánh phía bắc đã tạo thành "thế chân vạc" để phát triển game đánh bạc Rikvip.

Nhà chức trách cáo buộc, sau hai năm vận hành, bộ ba đã hưởng lợi tới gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó, Nam bỏ túi gần 1.500 tỷ đồng. Khi đường dây bị đánh sập, Nam cùng Hoàng Thành Trung và một số "chân rết" trốn ra nước ngoài. Tuy nhiên, hơn hai tháng trốn truy nã, cuối tháng 10/2017, anh ta quay về đầu thú trên chuyến bay từ Singapore đáp xuống Tân Sơn Nhất (TP HCM).

Thượng tá Nguyễn Đình Thi (Phó phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Phú Thọ) cho hay Nam được nhận diện qua những bức ảnh đăng trên báo và Facebook với bộ dạng thư sinh, trắng trẻo. Quan sát thấy người giống Nam nhưng đen, gầy bước ra khỏi cửa máy bay, từ vị trí cách khoảng một mét, ông Thi thử gọi tên và Nam giật mình quay lại. "Tôi nói công an sẽ đảm bảo an toàn nên anh ta tự tin theo về", thượng tá Thi nhớ lại.

 Thượng tá Nguyễn Đình Thi. Ảnh: Phạm Dự.

Tại TP HCM, cảnh sát cho Nam gặp ba con trai chừng 10 phút, trong đó có cậu út mới được một tuần tuổi. Trước khi rời đi, Nam dặn dò các con nghe lời mẹ, nói "bố phải đi xa một thời gian".

Nam khai trốn sang Singapore rồi tới Nepal nhưng trong lòng day dứt nên về đầu thú. Khi bị di lý về Công an Phú Thọ, Nam đề nghị có thêm thời gian suy nghĩ và đúng một tuần sau khai toàn bộ vụ việc.

Một ngày khai ra nơi giấu hơn 1.000 tỷ đồng

Như nhận định của cơ quan điều tra, Nam ban đầu không nhận đã tổ chức đánh bạc mà chỉ lập game online. Các trinh sát mất vài ngày phân tích bằng các quy định pháp luật, Nam mới nhận đã có vi phạm.

Nam muốn "lập công chuộc tội", xin được ra ngoài để kêu gọi anh em hợp tác làm việc với công an, nhưng Ban chuyên án trả lời là "không thể".

Cuộc gặp giữa Nam với một lãnh đạo cơ quan an ninh điều tra được Ban chuyên án gọi là "cuộc gặp nghìn tỷ" vì ngay sau đó anh ta khai ra hết số tiền hưởng lợi đang để ở đâu, tình nguyện nộp.

 Phan Sào Nam tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Phạm Dự.

Nam khai chuyển 236 tỷ đồng cho người thân để gửi tiết kiệm, mua bất động sản; gửi tiền nhiều nơi dưới dạng sổ tiết kiệm, vàng, tiền mặt, ngoại tệ... Trong đó, Nam gửi bạn Nguyễn Mạnh Hùng (ở Quảng Ninh) cất giữ 147 tỷ đồng; gửi ngoại tệ, vàng trị giá hơn 140 tỷ đồng ở TP HCM, nhờ Phí Quang Hưng gửi tiết kiệm hơn 100 tỷ đồng, đứng tên mua 11 căn hộ và gửi tại ngân hàng nước ngoài 3,5 triệu USD.

Nam còn khai chuyển cho nhóm Hoàng Thành Trung cất giữ số vàng trị giá 530 tỷ đồng. Do các bị can này đang bỏ trốn, cơ quan điều tra chưa làm rõ được lời khai.

Kiểm sát viên: Chưa vụ án nào thu được tiền nhanh và nhiều đến vậy

Trong một ngày Nam khai hết tiền giấu ở đâu nhưng mất bảy ngày cơ quan điều tra mới xác định điều đó có thật hay không. Tổ được phân công vào TP HCM thu tiền tiết kiệm; tổ khác gom vàng, ngọai tệ. Một tổ đi Quảng Ninh thu tiền mặt. Trong 12 ngày, nhà chức trách thu gần 800 tỷ đồng gồm tiền, vàng, ngoại tệ. 

Ông Lê Xuân Lộc, đại diện VKS trực tiếp tham gia vụ án từ điều tra đến xét xử, cho hay trong lịch sử tố tụng của Phú Thọ chưa bao giờ có vụ án nào thu hồi tiền được nhiều và nhanh đến vậy.

Số tiền lớn Nam khai giấu ở nhà bạn ở Quảng Ninh, ban đầu cơ quan điều tra còn chưa tin vì sao có thể để hớ hênh như thế. Dẫn các trinh sát tới nơi, gia chủ lúc này mới hay hai thùng đồ Nam nhờ gửi chính là thùng tiền. Trong nhà kho không có khóa cửa, ở xó nhà có hai thùng (cao 80 cm, dài hơn 2m, rộng 80cm) được che bạt. Cậy nắp thùng, bên trong chất các cọc tiền cao tới 40 cm.

"Phải 10 người mới khiêng nổi hai thùng đó ra xe, chở đến ngân hàng", một điều tra viên kể. Phan Sào Nam ngay sau đó được đưa ra ngân hàng để chứng kiến kiểm đếm. Từ 17h30 đến 22h30, 7 máy đếm tiền hoạt động hết công suất mới kiểm đếm xong, tổng cộng 147 tỷ đồng.

Nam khai gửi khoảng 375 tỷ đồng tại nhà một người bạn ở TP HCM, nhưng khi cơ quan tố tụng xác minh thì số tiền tại sổ tiết kiệm lên tới 375 tỷ đồng.

Theo một cán bộ an ninh điều tra, Nam đã khai là không thay đổi. Chính Nam cung cấp thông tin về tổng doanh thu của game do lưu lại trên máy tính riêng nhưng khi nhà chức trách đến nơi thì mọi hạch toán bằng tiền mặt, giao dịch đều đã bị "bàn tay vô hình" xóa trước.

Trước phiên tòa sơ thẩm diễn ra hồi cuối năm 2018, khi luật sư hỏi có đồng tình các cơ quan tố tụng bán thu hồi tài sản kê biên nộp vào ngân sách nhà nước không, Nam nhất trí. Nam còn đồng ý bán nốt căn nhà duy nhất gia đình đang ở (mua bằng tiền tiết kiệm từ năm 2013 - trước thời điểm tổ chức game bài) để khắc phục thi hành án. 

Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm còn cho hay trước phiên xét xử, Nam đã gửi HĐXX bản trình bày nói về những suy nghĩ, phân vân khi khai báo với cơ quan điều tra về tài sản hơn 1.300 tỷ đồng đã nộp. Bị cáo phân tích nếu gửi ngân hàng mỗi ngày sẽ có 200 triệu đồng lãi nhưng nhận thức đã phạm tội nên đồng ý nộp lại tiền.

Tính đến khi xét xử sơ thẩm (tháng 11/2018) cơ quan điều tra đang tạm giữ của Nam hơn 800 tỷ đồng, phong tỏa 77 tỷ đồng trong các tài khoản ngân hàng, kê biên hai nhà, trị giá theo hợp đồng 12,4 tỷ đồng; phong tỏa 13 hợp đồng mua căn hộ, trị giá 139 tỷ đồng, tạm giữ 5 ôtô. Tổng tiền, tài sản Nam đã nộp là hơn 1.300 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, Nam bị tuyên phạt 5 năm tù về hai tội: Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền. Bị cáo không chống án.


(*) Tiêu đề do Pháp luật Plus đặt lại.

 

Theo VnExpress/Phapluatplus.vn


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quan họ Bắc Ninh sau 10 năm được Unesco vinh danh

10 năm trước, hình thức diễn xướng văn hóa dân gian Quan họ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là niềm tự hào và là động lực to lớn của vùng đất Kinh Bắc