Chuyến đi không chỉ là dịp tổng kết công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các chi bộ trong toàn Khối, mà còn là cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường gắn kết giữa đội ngũ đảng viên các đơn vị. Trên hết, đây là một hành trình thiêng liêng – hành trình tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để đất nước có được hòa bình, độc lập hôm nay.
Đặc biệt, hành trình diễn ra đúng dịp Tết Thanh Minh – thời điểm mỗi người Việt thường hướng về tổ tiên, cội nguồn – càng làm tăng thêm ý nghĩa tâm linh và chiều sâu cảm xúc cho chuyến đi. Đoàn đã lần lượt đi qua các địa danh lịch sử tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, để tưởng nhớ và tri ân những người con ưu tú của dân tộc.
Ngã ba Đồng Lộc – điểm dừng chân đầu tiên – là nơi mười cô gái thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Trong làn sương sớm lặng lẽ, giữa tiếng gió rì rào qua tán thông, những gương mặt tuổi xuân như vẫn hiện hữu đâu đây. Mười đóa hoa bất tử đã hóa thân vào đất trời, giữ vững mạch máu giao thông trong mưa bom bão đạn. Giây phút tưởng niệm, ai nấy đều lặng người, lòng trào dâng niềm xúc động và biết ơn.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Nhà Bia tưởng niệm Liệt sỹ TNXP Toàn quốc tại ngã Ba Đồng Lộc – Hà Tĩnh
Tiếp đó, đoàn hành hương về Vũng Chùa – Đảo Yến (Quảng Bình), nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị Tổng Tư lệnh huyền thoại của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trước phần mộ đơn sơ mà uy nghi giữa biển trời, cả đoàn thành kính nghiêng mình. Không cần nhiều lời, sự hiện diện đông đủ và trang nghiêm ấy đã là lời tri ân sâu sắc nhất dành cho người anh cả của quân đội, vị tướng của nhân dân.
Trong giây phút lặng yên trước biển trời bao la, tôi chợt nhớ đến hai câu đối của nhà thơ Hồ Cơ tặng Đại tướng nhân dịp Đại tướng tròn 90 tuổi. Câu đối này đã khái quát toàn bộ tài năng, đức độ của vị Đại tướng huyền thoại trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
"Văn lo việc nước Văn thành Võ
Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn"
Tài năng kiệt xuất, đức độ vẹn toàn, Đại Tướng đã trở thành biểu tượng sống động của trí tuệ, bản lĩnh và lòng yêu nước – một con người mà cả dân tộc luôn tự hào và biết ơn.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại nơi yên nghỉ của Đại Tướng Võ nguyên Giáp – Đảo Yến, Vũng Chùa, Quảng Bình
Tiếp theo hành trình, giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, đoàn đến với Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn – nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sĩ đã ngã xuống trên tuyến vận tải chiến lược. Giữa những hàng mộ thẳng tắp trải dài đến chân trời, tôi lặng người xúc động. Bởi nơi đây có thể là nơi yên nghỉ của người chú ruột của tôi – liệt sĩ Nguyễn Văn Sản.
Chú tôi sinh năm 1951, là chiến sĩ đặc công thuộc đơn vị D404 – Lữ 52 – Quân khu 5, từng đóng quân tại Quảng Ngãi. Chú hy sinh vào đêm ngày 18 rạng sáng 19 tháng 4 năm 1972 nếu theo âm lịch thì ngày này 53 năm trước (6/3 Nhâm Tý) cũng chính là ngày hy sinh (ngày giỗ) của Chú, khi mới ngoài 20 tuổi, trong một trận đánh ác liệt tại Đắk Zon – Đắk Pét (Kon Tum), khi Tiểu đội Chú trinh sát sân bay Đak Pét của địch nhưng không may bị lộ, địch phát hiện và đánh bom làm cả tiểu đội hy sinh. Dù gia đình vẫn chưa tìm được phần mộ của Chú sau bao năm đi tìm, nhưng giữa không gian linh thiêng này, tôi như cảm nhận được Chú đang hiện diện, giữa vòng tay đồng đội và đất Mẹ thiêng liêng.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn
Tác giả tại nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn
Chia tay Trường Sơn, đoàn tiếp tục đến Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 – nơi quy tụ phần lớn liệt sĩ hy sinh dọc tuyến biên giới Việt – Lào. Mỗi ngôi mộ là một bản hùng ca còn dang dở, có tên và chưa rõ tên, có quê hương hoặc chưa tìm thấy cội nguồn. Nhưng tất cả đều cùng nằm lại nơi mảnh đất nghĩa tình – nơi Tổ quốc đời đời ghi nhớ công lao.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9
Điểm dừng chân cuối cùng là Thành Cổ Quảng Trị – nơi ghi dấu 81 ngày đêm khốc liệt của Mùa hè đỏ lửa năm 1972. Mỗi tấc đất nơi đây thấm đẫm máu xương của hàng vạn chiến sĩ. Khi được nghe đọc lại bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh – sinh viên năm thứ tư ngành Cầu đường, quê Thái Bình – tôi thực sự xúc động. Là người cùng ngành, cùng quê, từng tham gia khảo sát tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây những năm 2000 - 2003 – tôi cảm thấy như đang được kết nối với liệt sỹ Huỳnh bằng một sợi dây vô hình của nghề, của đất và của lòng tri ân.
Đoàn dâng hương và đặt vòng hoa viếng các Liệt sỹ hy sinh tại Thành Cổ Quảng Trị
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Thành cổ Quảng Trị
Tôi tin rằng, không chỉ riêng mình, mà mỗi thành viên trong đoàn đều cảm nhận được một nguồn năng lượng đặc biệt – như được tiếp thêm sức mạnh từ tinh thần quật cường, từ sự hy sinh thầm lặng của các anh hùng liệt sĩ. Đây không chỉ là hành trình tri ân lịch sử, mà còn là cơ hội để các đảng viên giao lưu, thắt chặt tình cảm, lan tỏa tinh thần đoàn kết và trách nhiệm.
Hành trình khép lại, nhưng cảm xúc vẫn còn lắng đọng mãi. Bởi đây không đơn thuần là một chuyến đi, mà là hành trình đánh thức trong mỗi người những giá trị cốt lõi: biết ơn – ghi nhớ – sống xứng đáng hơn với quá khứ.
Xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Thường Vụ - Đảng Bộ Khối Doanh nghiệp Quận Cầu Giấy; Ban Tổ chức chuyến đi đã tạo điều kiện để mỗi người trong đoàn, trong đó có tôi, được trải nghiệm một hành trình sâu sắc và đầy xúc cảm như vậy.
nguonluc