Dòng sông lững lờ chia tách hai dãy đồng mênh mông, nước dòng sông xanh chuyển dần sang màu hạt lựu, màu của phù sa, của đất bùn mấy ngàn năm thấm sâu vào từng hơi thở của đồng bằng châu thổ miền Tây và dáng hình của những con người hồn hậu, chất phác. Bên kia sông, hoa bìm bìm đã nở. Con cuốc ẩn mình trong đám sậy giữa cánh đồng thốt lên từng tiếng nỉ non, ai oán, đúng điệu u buồn của buổi chiều miền Tây. Mùa nước nổi, khắp nơi chìm trong biển nước.
Đài quan sát rừng tràm Trà Sư đẹp nhất mùa nước nổi
Cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 10km, rừng tràm Trà Sư nằm trong tuyến du lịch liên hoàn: Núi Sam, núi Cấm, đồi Tức Dụp và khu thương mại Cửa khẩu Quốc tế huyện Tịnh Biên nên thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách, nhất là du khách quốc tế. Hàng năm, vào mùa nước nổi, rừng tràm Trà Sư ở An Giang lại bộc lộ hết vẻ đẹp thiên nhiên tiềm ẩn, thu hút du khách đến đây ngày càng đông, bởi có nhiều điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn với những sản phẩm đặc trưng riêng biệt, trong đó có điểm du lịch rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên). Đây cũng là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt, tham quan rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi, du khách sẽ thích thú hơn khi khu rừng bộc lộ hết vẻ đẹp thiên nhiên tiềm ẩn. Những ngày thường, mực nước trung bình nơi đây là 1m nhưng vào mùa nước nổi này, mực nước lên tới 3m. Lên xuồng đi vào rừng giống như đi thám hiểm. Hơn nữa, khu du lịch này còn bán các món ăn đặc sản mùa nước nổi rất tươi ngon, khó có nơi nào sánh được.
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch nông nghiệp tại rừng tràm Trà Sư, những năm qua, ngành du lịch An Giang đã đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng như: đường vào rừng tràm, bãi đậu xe cho khách tham quan, in ấn các tờ rơi giới thiệu về du lịch rừng tràm. Đặc biệt, năm 2018, ngành chức năng tỉnh An Giang đã cho một doanh nghiệp thuê khai thác trong thời hạn 20 năm. Việc cho doanh nghiệp thuê nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch tại đây, đồng thời góp phần phát huy giá trị kinh tế rừng, giải quyết việc làm cho lao động địa phương và nâng cao ý thức bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư. Đây là bước phát triển mới, tạo điều kiện để rừng tràm Trà Sư trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu đa dạng hóa hoạt động du lịch của tỉnh An Giang trong thời gian tới.
Theo quy hoạch phát triển du lịch tại rừng tràm Trà Sư của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, tới đây, rừng tràm này sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn du khách như bơi thuyền kayak khám phá rừng tràm theo sơ đồ tuyến, câu cá giải trí, trải nghiệm nuôi và thu hoạch mật ong dưới tán rừng, tham quan và mua sắm tại khu sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ tràm, tham gia thu hoạch các sản vật từ rừng, trải nghiệm ngủ tại rừng và tham gia các trò chơi dân gian tại khu cắm trại...
Đàn cò về trú ngụ ở rừng tràm Trà Sư
Ngoài ra, mùa nước nổi là mùa đẹp nhất cho một màu xanh đang tràn ngập cảnh quan của vùng trời nước mênh mông đầy quyến rũ, hài hòa ở khu sinh thái Gáo Giồng (xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), được ví như Đồng Tháp Mười thu nhỏ. Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng được ví như vùng Đồng Tháp Mười thu nhỏ của miền Tây Nam bộ. Từ thành phố Cao Lãnh đến với Gáo Giồng chỉ 20km, du khách ngỡ như lạc vào một ốc đảo xanh, địa danh vốn đã ghi tiềm thức bao người mỗi khi nhắc đến vùng sông nước Nam bộ.
Trước đây, khu vực rừng tràm Gáo Giồng này là vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng, chỉ có cỏ năng, cỏ lác cùng với vài cụm tràm, gáo… chen lẫn với một ít lung, bàu, kênh rạch tự nhiên và “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh”. Việc đi lại chỉ có thể bằng xuồng vào mùa lũ nước ngập mênh mông, còn mùa khô chỉ có cách lội bộ băng đồng nắng cháy.
Tham quan rừng tràm Gáo Giồng lúc bình minh hay hoàng hôn sẽ thấy sự sống động, nhộn nhịp của thiên nhiên, với tiếng chim gọi đàn và từng đàn cò trắng từ bốn phương trở về tổ. Vào mùa nước nổi, trên các cánh đồng đàn cò trắng cần mẫn kiếm mồi tạo nên một cảnh đẹp ngoạn mục. Các lung sen - nơi quy tụ hàng ngàn con trích mồng đỏ về đây vui múa, nhộn nhịp suốt ngày. Trên bãi ăn của trích, hàng ngàn con dạn dĩ, mồng đỏ ối trên bộ lông xanh lam thư thả nhổ những cọng năn tươi non, thỉnh thoảng chúng cất tiếng gáy hay “trình diễn” những vũ điệu tuyệt đẹp.
Gáo Giồng chính là bối cảnh của tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam “Cánh đồng hoang”, do cố NSND Hồng Sến đạo diễn và nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản. Một bộ phim tái hiện cuộc sống của người dân miệt sông nước tận dụng địa thế vùng rừng ngập nước để làm cách mạng. Khi đến với Gáo Giồng, từ trên đài quan sát cao 18m, du khách có thể thỏa sức quan sát sân chim, hiện có hơn 200 loài trú ngụ, có những loài được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và thế giới như: ô tác, nhan điểm, giang sen… Trên những vạt rừng rộng mênh mông, hàng chục loài chim nước sinh sống và làm tổ quanh năm như: trích mồng đỏ, le le, vịt trời… Trong đó, nhiều hơn hết vẫn là những đàn cò trắng lên đến hàng chục ngàn con, khiến rừng tràm khu vực này được xem là vườn cò lớn nhất của vùng Đồng Tháp Mười.
Đến với Gáo Giồng giữa mùa nước nổi, chúng tôi thả chèo trong một ngày nắng vàng như mật ong mới rót của xứ U Minh Thượng tận vùng miệt thứ Kiên Giang. Màu vàng ngọt ngào mà không gắt, đủ để tôn lên cả một vùng trời nước mênh mông đượm màu vàng của bông điên điển, màu đỏ của bông súng, màu tím của hoa bằng lăng, sắc hồng của những cánh sen hòa lẫn màu xanh mượt mà của rừng tràm. Cảnh và người như hòa quyện với nhau, tạo nên một bức tranh thiên nhiên hữu tình, mang đậm hương sắc của đất trời phương Nam.
Lung Sen trong khu du lịch sinh thái Gáo Giồng
Nét độc đáo của Gáo Giồng không chỉ là cảnh quan mà còn là bữa cơm dân dã đậm chất miền Tây như: cá lóc nướng trui cặp lá sen non chấm nước mắm me, cá rô kho tộ, cá linh nấu chua cơm mẻ với bông súng, bông điên điển. Nhiều năm nay, gạo huyết rồng dần dần trở thành “huyền thoại”. Do đó, du khách rất thích thú với món đặc sản cơm được gói lá sen nấu thơm ngon đậm đà mùi vị của đầm sen. Cơm ngon càng nhai càng có vị ngọt và bùi, lại càng béo nhờ tinh chất hột sen và mè.
Với món cá lóc nướng trui gói lá sen non là món ăn để lại nhiều ấn tượng cho du khách tham quan Gáo Giồng. Vị ngòn ngọt của thịt cá vừa chín nóng hổi, miếng cà chua chua, dưa leo mát ngọt, vị đăng đắng của lá sen non, tất cả cuộn lại ngập vào chén mắm me chua chua đưa lên miệng cắn một nhát tê tái từ đầu lưỡi tới tận chân răng vào trong dạ dày vẫn còn chua ngọt, đắng đắng. Ngồi giữa đầm dùng bữa trưa là một trải nghiệm cực kỳ thú vị, đồ ăn ngon, gió mát, mùi hương sen thoang thoảng. Các món ăn sẽ trở nên đậm đà hơn đôi chút bởi ly rượu nếp pha mật ong tràm.
Khó khăn nhất của Gáo Giồng hiện nay là hệ thống giao thông chỉ thích hợp cho du khách đi bằng xe máy. Bù lại, du khách có thể chủ động về thời gian và được ngắm khung cảnh thiên nhiên dọc 2 bên đường đi đến khu sinh thái rất đa dạng và hút mắt với hàng cây bóng nước, con sông êm đềm, cánh đồng dài hút tầm mắt và cả những ngôi nhà sàn mộc đơn sơ.
Theo hoanhap.vn