Hội chứng hậu COVID-19 - nỗi lo không của riêng ai Kỳ 2: “Loạn” các phòng khám tổng quát

23/02/2022 10:25

Kinhte&Xahoi Nhiều F0 khỏi bệnh lo lắng về các dấu hiệu của tình trạng hậu COVID-19. Trước tình trạng đó, nhiều bệnh viện, phòng khám khắp các vùng, miền trên cả nước cũng mở dịch vụ khám, điều trị hậu COVID-19 với những mức giá khác nhau.

Gói khám sức khỏe hậu COVID-19... mỗi nơi một giá

 Trước tình trạng nhiều người mắc các triệu chứng hậu COVID-19 đã xuất hiện nhiều phòng khám quảng cáo các gói khám hậu COVID-19 như gói: Chuyên sâu, cơ bản, trung bình… với giá từ 2 đến 7 triệu/đồng.

Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã triển khai các phòng khám "hậu COVID-19" với nhiều gói dịch vụ tầm soát "hậu COVID-19" với mức giá dao động từ vài trăm nghìn cho tới vài triệu đồng.

Bệnh nhân điều trị hậu COVID-19

Xuất phát từ việc nhiều người dân lo lắng bị di chứng hậu COVID-19, trên địa bàn TP HCM xuất hiện nhiều phòng khám, khoa, trung tâm điều trị di chứng hậu COVID-19, đưa ra nhiều mức giá thu khác nhau.

Do đó, Sở Y tế TP HCM yêu cầu các đơn vị không lạm dụng các chỉ định cận lâm sàng khi khám sức khỏe cho người bệnh hậu COVID-19 trong trường hợp không cần thiết; Không hạn chế quyền lợi của người bệnh khi đến khám chữa bệnh đối với các bệnh liên quan đến hậu COVID-19 bằng việc gợi ý, ép buộc người bệnh tham gia các gói dịch vụ khám sức khỏe với giá khám bệnh theo yêu cầu.

Đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh các bệnh lý thuộc danh mục và phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế, các đơn vị thu theo giá quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế.

Trường hợp người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế, các đơn vị thu theo giá quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế.

Với trường hợp người bệnh lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, các đơn vị thu giá khám chữa bệnh theo yêu cầu đã kê khai với Sở Y tế và công khai giá để người dân lựa chọn.

Khi có dấu hiệu nào thì nên đi khám hậu COVID-19?

 Song song với gánh nặng tiếp nhận, điều trị các ca nhiễm COVID-19, ngành Y tế còn phải đối mặt với thực trạng người bệnh đã hồi phục nhưng vẫn có các triệu chứng kéo dài… Hiện ngành Y tế vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức cho công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Tại các bệnh viện, số lượt người dân đến khám các chuyên khoa sau mắc COVID-19 tăng mạnh. Các tình trạng bệnh lý được ghi nhận tại bệnh viện rất đa dạng, như cảm giác mệt mỏi, di chứng phổi, di chứng tim mạch, rối loạn tâm thần hậu COVID-19. Đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân F0 nào cũng đều bị hậu COVID-19. Tình trạng hậu COVID-19 được định nghĩa xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 nghi ngờ hoặc đã được xác nhận; Thường trong vòng ba tháng kể từ khi bắt đầu khởi phát COVID-19, với các triệu chứng kéo dài ít nhất hai tháng.

Cũng theo WHO, các triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng hậu COVID-19 bao gồm: Mệt mỏi; Khó thở hoặc thở gấp; Các vấn đề về trí nhớ, khả năng tập trung hoặc giấc ngủ; Ho dai dẳng; Tức ngực; Khó nói; Đau cơ; Mất khứu giác hoặc vị giác; Trầm cảm hoặc lo lắng; Sốt.

Tuy nhiên, khi các dịch vụ khám hậu COVID-19 nở rộ, các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân cần cân nhắc lựa chọn bệnh viện, cơ sở uy tín, chất lượng, được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp phép. Người dân nên tránh lạm dụng xét nghiệm, thực hiện cận lâm sàng không cần thiết mà chỉ nên khám theo biểu hiện bệnh lý của mỗi người.

Chẩn đoán hình ảnh giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong khám chữa bệnh hậu COVID-19

Các bác sĩ không chỉ thăm khám nhiều chức năng cho người bệnh mà còn phải đưa ra phác đồ điều trị cá thể hóa; Hướng dẫn bệnh nhân các bài tập liên quan đến thở, ăn uống, dinh dưỡng, vận động; Tập cai oxy, tư vấn tâm lý cho bệnh nhân để có thể vượt qua stress.

Đồng thời, các bác sĩ cũng hướng dẫn bệnh nhân theo dõi bệnh nền. Vì sau mắc COVID-19, bệnh nền có xu hướng tăng nặng. Đặc biệt, nhóm bệnh nhân tiểu đường, huyết áp sau mắc COVID-19 có xu hướng kiểm soát khó khăn hơn; Thậm chí nhiều trường hợp phải thay đổi cả phác đồ điều trị bệnh nền…

Di chứng hậu COVID-19 có thể gây tổn thương nhiều hệ cơ quan trên cơ thể con người như phổi, tim mạch, thần kinh, khớp, rối loạn đông máu. Để phát hiện sớm các tổn thương này, chẩn đoán hình ảnh giữ vai trò đặc biệt quan trọng giúp bác sĩ có thể nhận biết chính xác nhất. Phương pháp này cũng đáp ứng hỗ trợ các bác sĩ lâm sàng trong trong chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến COVID-19.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lễ hội văn hóa Hàn Quốc lần đầu tiên tổ chức tại tỉnh Bình Dương

Được sự chấp thuận của ngành chức năng tỉnh Bình Dương, ngày 25/2 tới đây, tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm tỉnh Bình Dương, Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố Mới Bình Dương (do Becamex IDC vận hành) và Tổ chức phát triển văn hóa nội dung Hàn Quốc (KOCCA) hợp tác tổ chức Lễ hội Văn hóa và Nội dung Hàn Quốc lần đầu tiên tại Bình Dương. Sự kiện cũng tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược công nghiệp phát triển nội dung tại tỉnh Bình Dương.

“Mạch sống” - đêm tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch

Tối 20/2, nhằm tri ân những cống hiến của các y, bác sĩ tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) tổ chức chương trình nghệ thuật mang chủ đề “Mạch sống”, đồng thời tổ chức lễ cưới tập thể cho 20 cặp đôi là cán bộ, nhân viên của bệnh viện.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ky-2-loan-cac-phong-kham-tong-quat-190256.html