Vợ chồng chị sống với nhau như một đôi bạn già cùng giới. Hình minh họa.
Chị cảm thấy lo sợ cho cuộc hôn nhân và nghĩ rằng anh đã chán chị và có một mối tình nào đó. Nhưng tuyệt nhiên không, chẳng có một dấu hiệu hoặc bằng chứng nào cho thấy anh ngoại tình. Chị bắt đầu theo lời khuyên của các chuyên gia tâm lý là phụ nữ phải tự làm mới mình, tạo sự hấp dẫn cho bạn đời.
Chị trang điểm kỹ lưỡng kể cả khi ở nhà, quần áo thời trang, tập thể hình... nhưng dường như anh chẳng mấy chú ý đến cái đó, thậm chí còn nhìn bằng con mắt khinh khi, khiến chị bực mình và chỉ thế thôi cũng đủ cho thấy ngọn lửa hôn nhân đã lụi tàn rồi.
Không nản, chị tìm cách để chiều chuộng chồng, từ làm những món ăn anh thích, sắm sửa quần áo, vật dụng cho anh... việc mà chị chưa bao giờ làm trong suốt 30 năm hôn nhân. Nhưng anh vẫn dửng dưng, chẳng có gì làm anh xúc động cả.
Cuối cùng, chị phải vận dụng đến phương sách quyết liệt. Chị nói với anh rằng một thời gian khá dài vừa qua chúng ta sống với nhau không phải vợ chồng, sự quan tâm chỉ từ một phía, không thể tiếp tục tình trạng này được, hãy giải thoát cho nhau đi... Anh không ngạc nhiên, gật gù đồng ý, thái độ đó làm chị phát điên.
Cực chẳng đã, chị đem câu chuyện của mình giãi bày với bà chị là bạn thân. Bà này cười ngặt nghẽo: “Tại mày thôi, ai bảo gây chuyện làm gì, giờ lĩnh hậu quả nhãn tiền!”.
Này nhé, nhà chỉ có hai vợ chồng, con cái ở riêng hết mà mày bịt miệng chồng, chuyện gì mày cũng biết trước nó từ bầu cử Tổng thống Mỹ đến ông hàng xóm ngủ với con dâu, cái ăn, cái mặc của nó mày cũng quyết định, ngay cả chuyện giường chiếu mày cũng chủ động lãnh cảm hay nồng nhiệt tùy vào trạng thái cảm xúc hay sự ghen tuông của mày, mày có làm đẹp thì nó cho rằng làm cho thằng khác ngắm, nó có được gì, chính mày tạo ra khủng hoảng hôn nhân thôi chứ hội chứng tuổi già gì.
Mày thấy đấy, vợ chồng tao hơn mày gần chục tuổi vẫn vui vẻ yêu đời vì biết coi trọng sở thích của nhau, lão chồng tao không cần đòi giải thoát và tao cũng vậy vì vợ chồng ràng buộc với nhau vì nghĩa vụ, nghĩa tình, đạo hạnh, việc gì phải giải thoát cho phiền ra”.
Chị hết sức ngạc nhiên và xấu hổ, sao bà chị này lại biết tường tận đến thế. Chị cũng không dám hỏi lại vì quá ư ngượng ngùng: “Thế chị bảo em làm thế nào bây giờ?”.
Làm gì, chẳng làm gì cả, đừng theo dõi nó nữa, đừng bao giờ xem trộm điện thoại của nó, đừng dò la những người ở cơ quan nó, đừng ngắt lời nó, đừng tỏ ra mình biết nhiều hơn nó, cho nó khoảng không gian để thở, để mở miệng chuyện trò… Thế nhé, một tháng nữa quay lại đây cho tao biết kết quả!
Nhíu Nhiu - Pháp luật Plus